Mong manh cái nắng tháng Chạp

Vâng, hết nắng tới mưa hết mưa tới nắng là “đặc sản” của quê tôi. Nói một cách nôm na là vậy, nhưng thực tế thì vẫn có những khoảng thời gian giao hòa giữa mưa nắng, như tháng Chạp chẳng hạn.

Tháng này mưa nắng rất hên xui. Có năm nắng nhiều cũng có năm dằng dặc mưa. Tháng Chạp mưa nhiều gây bao nỗi muộn phiền. Tết nhứt tới nơi mà mưa miết, cũng phải nghỉ mưa cho người ta ăn tết chớ! Mẹ thở vắn than dài làm tôi cũng nẫu cả ruột gan. Mà cả xóm luôn chứ riêng gì mẹ con tôi, mệt nhoài vì đợi nắng.

Miền Trung, mùa mưa ngắn hơn mùa nắng, nên vùng này hào phóng bao nắng. Nắng ong ong, thiếu nước vỡ đầu nhưng đến cuối Chạp - khi cần, lại phải nâng niu đi hứng từng giọt nắng.

Tháng Chạp nhà nhà đều cần nắng. Nắng càng to càng tốt. Sáng nào ngủ dậy mẹ cũng dõi mắt nhìn trời, hổng biết có nắng nổi không đây?

Đúng là nắng không nổi thiệt. Nắng tháp Chạp lâu lâu mới có một cơn đẫm chất, rực rỡ vàng óng. Còn đa phần là những cơn nắng mơ màng, hiu hiu mềm nhẹ. Cái kiểu nắng lấp ló, rón rén như cô gái nhà quê lần đầu mặc chiếc đầm viền ren đi dự hội làng.

Yếu đến mức con trẻ cứ phơi đầu mà chạy ra sân đùa giỡn. Mẹ la coi chừng bệnh, tôi cãi ăn thua gì, nắng non vầy đào đâu ra bệnh. Nắng cuối năm kết chơi trò đuổi bắt.

Mới thấy hửng lên, mẹ lật đật ôm hết những thứ cần nắng ra phơi trên những chiếc giàn tự chế trước sân, bày biện xong, mới quay trở vô nhà thì nắng cũng chạy mất, nhường chỗ cho một bầu trời xám xịt.

Nghĩ lạ đời, dân miền Trung lại đi thèm nắng. Mà thèm thiệt, tại nắng tháng Chạp mong manh quá đỗi. Chập lóe chập tắt. Có năm may mắn, được mấy bữa nắng, ai cũng tranh thủ ôm các thứ đem ra sân phơi phóng. Rồi những ràng bánh tráng ướt bốc hơi được bày hàng lớp kín đám đất to.

Tháng Chạp không cần biết mưa nắng, lò bánh tráng của bà Năm kín lịch. Có năm mẹ tráng bánh gặp mưa, thức cả đêm để sấy than. Rồi có những hôm nắng yêu yếu nhưng những sàng, nia được đem ra sân phơi.

Nào đu đủ xanh, cà rốt xắt lát, củ kiệu để làm dưa món. Phơi hai nắng thì vừa nhưng phải trăn trở liên hồi. Ngại nhất là những hôm trạng lúa (phơi lại) để xay, phải ngồi ngay hè canh chừng chớ hổng dám sơ hở, lỡ mưa ào xuống là ăn hổng hết luôn.

Hồi đó, xóm tôi có lệ cứ vào tháng Chạp sẽ chọn một ngày nắng ráo để dọn dẹp vệ sinh đường sá rước tết. Người lớn phát dọn cây cối, kéo cát đổ những chỗ trũng, băm ban làm cho mặt đường bằng phẳng. Tụi nhỏ cầm chổi quét dọn. Nếu hôm đó gặp nắng thì càng đã.

Cầm chổi quét mà tứa nước miếng luôn. Mùi tết dậy lên khắp xóm. Đứng ngoài đường cũng nghe được mùi dừa, mùi gừng ngấm trong thứ đường chín tới. Thơm sao mà điếc mũi.

Tháng Chạp về, đi ngang ngõ nhà ai cũng thấy tết lấp ló bên hiên nhà. Lúc đi ngang nhà bà Chơn trước làm nghề quét chợ, tôi mạnh dạn cầm chổi đi thẳng vào con ngõ dài có bụi tre trước cửa, quét dọn sạch trơn. Chợt nghe trong nhà có tiếng nói của ai đó, chắc mùa xuân con gái đã về tìm hơi mẹ. Trong tôi đang có cái gì đó ấm dần lên, nhìn đường làng ngõ xóm mới đẹp đẽ làm sao.

Tháng Chạp năm nay nắng tốt, những hạt nắng sóng sánh như mật. Tự dưng thấy tiêng tiếc vì sân nhà mình chẳng có thứ gì để phơi. Nhìn bên sân nhà người cũng chẳng có gì, tự dưng muốn được nhìn một khoảnh sân bày la liệt nia, sàng, mâm, mủng, trên phủ đầy những món tết thèm cái nắng đồng quê…

NGUYN TH BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/312255/mong-manh-cai-nang-thang-chap.html