Mong manh cơ hội nối lại đàm phán Mỹ-Triều

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun - một Đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về Triều Tiên mới đây đã tới thủ đô Seoul trong dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc đang làm mới lại động lực nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, triển vọng dường như 'rất mờ nhạt' khi Triều Tiên tỏ ra không sẵn sàng hợp tác.

Kim Yo Jong, người em gái đầy quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 10-7 tuyên bố “không cần thiết” tiến hành một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với Mỹ trừ khi Washington đưa ra một “thay đổi mang tính quyết định” trong cách tiếp cận của họ.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi năm 2018, song các cuộc đàm phán về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên diễn ra tại Hà Nội hồi đầu năm 2019.

Tổng thống Trump trong tuần này tuyên bố rằng ông sẽ “chắc chắn” gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un một lần nữa nếu “tôi nghĩ điều đó là hữu ích.” Trước đó, nổi lên đồn đoán rằng Tổng thống Mỹ có thể theo đuổi một cuộc gặp thượng đỉnh khác nếu điều đó đem lại các cơ hội tái đắc cử cho Trump trong cuộc đua vào tháng 11 tới.

Triều Tiên chưa muốn đàm phán

Tuy nhiên, trong một tuyên bố của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), bà Kim Yo Jong, người nổi lên là một trong những cố vấn thân cận nhất của anh trai mình, tuyên bố: “Chúng tôi không cần phải ngồi nói chuyện với Mỹ lúc này”. Bà Kim Yo Jong nói thêm rằng, nếu một cuộc gặp thượng đỉnh khác được tổ chức, thì “điều quá rõ là cuộc gặp này sẽ chỉ bị lợi dụng như là màn phô diễn nhạt nhẽo xuất phát từ niềm tự hào của ai đó.”

Bà Kim Yo Jong nói thêm, quá trình phi hạt nhân hóa không “khả thi vào thời điểm này” và chỉ có thể được tiến hành đồng thời với “những bước đi quan trọng đồng thời không thể bị đảo ngược” do phía bên kia thực hiện, điều mà bà nhấn mạnh là không nhằm ám chỉ việc gỡ bỏ trừng phạt.

Theo bà, không có lý do gì để Triều Tiên trao tặng Trump một “món quà hội nghị thượng đỉnh quý giá” khi mà nước này không nhận lại được điều gì thực chất. Mặc dù Kim Yo Jong nói rằng tuyên bố của mình chỉ là quan điểm cá nhân, song toàn bộ thông điệp dài này dường như nhằm phát đi những thông điệp khác nhau.

Mặc dù không giải thích điều kiện cụ thể để nối lại đàm phán trong tuyên bố của bà Kim Yo Jong, song hãng tin AFP lưu ý đến thực tế rằng Washington hiện đang có 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc cùng nhiều khí tài ở Nhật Bản cũng như trên toàn bộ khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Những tuyên bố nói trên của cô Kim được đưa ra vào thời điểm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun kiêm đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên đang có chuyến công du châu Á. Hiện ông đang thăm Nhật Bản sau cuộc gặp với giới chức Hàn Quốc ở Seoul.

Theo hãng tin Kyodo, ông Biegun đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi để thảo luận về những căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên với việc Bình Nhưỡng bác bỏ lời kêu gọi nối lại đàm phán.

Trước đó, tại điểm dừng chân ở Hàn Quốc, ông Biegun đã cáo buộc nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Triều Tiên đang bị mắt kẹt trong một lối mòn tư duy. Bình luận của Biegun ám chỉ Washington sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào để nối lại đàm phán bất chấp sức ép của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, quan chức cấp cao này của Mỹ đã để ngỏ cánh cửa cho đàm phán với Triều Tiên.

Chưa rõ khi nào cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim sẽ lại diễn ra. Ảnh tư liệu

Chưa rõ khi nào cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim sẽ lại diễn ra. Ảnh tư liệu

Ý kiến chuyên gia

Hãng tin AP dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng Triều Tiên, vốn nhạy cảm về những thay đổi tiềm tàng trong ban lãnh đạo Mỹ, sẽ không muốn tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc với Mỹ vào thời điểm này, và chỉ quay trở lại đàm phán sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Cũng theo AP, trong hàng chục năm qua, Triều Tiên theo đuổi khái niệm phi hạt nhân hóa không giống với định nghĩa của Mỹ. Bình Nhưỡng tuyên bố theo đuổi phát triển hạt nhân cho đến khi Mỹ rút binh sĩ và an ninh hạt nhân bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Giới chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ coi ngoại giao là việc đàm phán cắt giảm vũ khí giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chứ không phải là các cuộc đàm phán vốn tiến tới việc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí của mình - thứ mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un coi là sự đảm bảo mạnh mẽ nhất cho sự tồn vong của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Triều Tiên khẳng định rằng họ cần duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình để ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược có thể xảy ra của Mỹ.

Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên sẽ không tham gia các cuộc đàm phán chỉ để thấy các biện pháp trừng phạt vẫn chưa hoàn toàn được gỡ bỏ, điều mà Bình Nhưỡng đã từ chối tại các cuộc đàm phán ở cấp chuyên viên diễn ra tại Stockholm với Mỹ vào tháng 10-2019.

Một số chuyên gia nhấn mạnh Triều Tiên sẽ không nhượng bộ, thêm nữa là Mỹ cũng sẽ không nhiệt tình như vậy, cả bây giờ và sau này, trừ khi có một số điều kiện nhất định được đáp ứng.

Nhà nghiên cứu Choi Kang, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) nói: "Đối với Washington, việc kiểm kê toàn bộ các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng, chưa nói đến việc tháo dỡ chúng, sẽ là ngưỡng thấp nhất để nối lại các cuộc đàm phán cho dù ở cấp độ nào."

Ông nhấn mạnh thêm rằng, một cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều mà không có các điều kiện kể trên dường như không thể hấp dẫn được Tổng thống Trump bởi điều đó không giúp ông giành thêm lá phiếu ủng hộ của cử tri Mỹ cũng như không được coi là một thắng lợi của chính sách đối ngoại.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mong-manh-co-hoi-noi-lai-dam-phan-my-trieu-201286.html