Mỏng manh trước dịch bệnh
Người phụ nữ cứng tuổi, cầm tập vé số. Dẫu khẩu trang che kín thì nhìn thấy ánh mắt vẫn buồn rượi. Mỗi khi dịch bệnh bùng lên là một lần những người bán vé số như chị 'lãnh đòn' đầu tiên. Dịch bệnh làm đời sống xã hội khó khăn, hàng quán hạn chế tụ tập… khiến chị phải đi gấp đôi quãng đường hàng ngày mà bán vé số chả ra sao. Hồi đợt dịch đầu tiên, những người bán vé số dạo còn được công ty xổ số hỗ trợ… Giờ đến lần dịch thứ tư rồi.
Dịch bệnh có chừa ai đâu. Hàng vạn lao động trẻ thuộc các ngành nhà hàng, khách sạn, dịch vụ… đã tứ tán từ hồi nào. Những khách sạn hào nhoáng, im lìm đóng cửa từ Tết năm ngoái đến giờ vẫn chưa có cơ hội sáng đèn. Vừa khấp khởi hy vọng vào một mùa du lịch tới, dịch bệnh lại bùng lên. Mới có hơn năm rưỡi trời mà 4 lần dịch bùng phát. Dễ tổn thương nhất là những người sống bám vào vỉa hè các thành phố. Rời bỏ quê hương bản quán để đến các thành phố mưu sinh, bán vé số, chạy Grab, mua phế liệu, chạy bàn quán nhậu, bán cà phê… Nay thành phố vắng xao xác, những gương mặt khắc khổ thêm trĩu nặng âu lo.
Thuyền to thì sóng lớn. Dịch bệnh cứ rình rập, đâu chỉ những phận người lao động nghèo mới lo. Những người có tiền có nỗi khổ riêng. Gõ từ khóa “bán khách sạn ở Nha Trang”, chỉ 0,58 giây cho ta 25,5 triệu kết quả. Những đoàn xe khách nằm dài trên những bãi xe quanh thành phố, qua hơn năm đã ngó thấy màu xuống cấp… Người giàu cũng khóc khi mà hơn năm qua không có doanh thu, trong khi tiền lãi cứ đều đặn trả hàng tháng, mở mắt ra mỗi sáng đã thấy phải trả bạc triệu, bạc tỷ lãi vay… Những người trước đây sống khỏe nhờ cho thuê mặt bằng, giờ cũng biết tằn tiện hơn, bởi mặt bằng đã cửa đóng then cài hơn năm nay.
Nha Trang vẫn an toàn. Người dân đã học được nhiều điều qua các lần dịch bệnh nên rất tự giác và chủ động trong phòng, chống dịch. Tính đến đầu tháng 6 này, số tiền ủng hộ phòng, chống dịch và mua vắc xin từ các doanh nghiệp, từ đóng góp của các cơ quan, cá nhân là hơn 30 tỷ đồng. Mới đọc tin thấy cây ATM gạo ở TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động lại ở vùng bị phong tỏa. Những chiến dịch kêu gọi chung tay giúp tuyến đầu chống dịch. Những hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế chia sẻ từ các vùng tâm dịch lay động mọi trái tim… Dân mình là thế, ngày thường có thể bon chen, so đo này nọ, nhưng khi đất nước có khó khăn, tất cả lại chung lưng đấu cật, hướng về nơi khó khăn bằng cả tấm lòng.
Mấy người mê truyện chưởng ví von Nha Trang như đang bị nội thương. Thành phố sống nhờ vào dịch vụ, du lịch này qua bốn kỳ dịch bùng phát thực sự ngấm đòn. Chuỗi kinh doanh, dịch vụ đứt gãy khi vắng bóng khách. Nhưng bao giờ và ở đâu thì người nghèo vẫn luôn là người yếu thế nhất, mong manh nhất…
Mong mỏi tất cả sẽ mau qua những ngày này để cuộc sống trở lại bình thường, cho dù là theo trật tự “bình thường mới”. Cho phố phường đông vui, cho những khách sạn sáng đèn, cho những phận người mỏng manh vẫn vững niềm tin vào cuộc sống.
Thủy Ngân