Mong mỏi của 115 người ở thôn Kho Vàng, Lào Cai sau cuộc di cư vội vã

17 lán được dựng tạm bợ trên núi là nơi trú ngụ của 115 người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai sau khi phải rời làng.

Từ UBND xã Cốc Lầu, chạy xe máy 25 phút, đi qua nhiều điểm sạt lở đất, sẽ đến căn nhà cuối cùng ở chân đồi; sau đó đi bộ, leo dốc khoảng 7 km đường lầy lội trong rừng, có đoạn chỉ đủ đặt một bàn chân, không vững là có thể trượt ngay xuống vực, có đoạn lại phải đi bằng cả hai tay, xắn cao quần lội qua suối…

Đó là con đường dẫn đến nơi lánh nạn sau khi phải bỏ làng đi của 115 người đồng bào Mông thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

 Đường từ điểm nhận đồ cứu trợ lên lán trú tạm của người dân thôn Kho Vàng rất khó đi. Ảnh: Đường từ điểm nhận đồ cứu trợ lên lán trú tạm của người dân thôn Kho Vàng rất khó đi. Ảnh: VT

Đường từ điểm nhận đồ cứu trợ lên lán trú tạm của người dân thôn Kho Vàng rất khó đi. Ảnh: Đường từ điểm nhận đồ cứu trợ lên lán trú tạm của người dân thôn Kho Vàng rất khó đi. Ảnh: VT

Xã mất liên lạc với 17 hộ dân hơn 3 ngày

Từ ngày 8-9, cả xã Cốc Lầu trời mưa ngày càng nhiều, kéo dài và chưa có dấu hiệu ngừng. Thôn Kho Vàng mất điện lưới, cũng không có sóng điện thoại, trưởng thôn Ma Seo Chứ rất sốt ruột.

Sáng thứ hai ngày 9-9, với kinh nghiệm và cảm nhận của một người con Tây Bắc, anh Chứ biết các tỉnh miền núi dễ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt do hoàn lưu của bão số 3, nên đã huy động 7 thanh niên trong thôn cùng đi kiểm tra quanh quả đồi phía trên làng.

Chỉ sau vài phút, nhóm thanh niên phát hiện một vết nứt có nước chảy xuống, rộng 20cm, dài khoảng 30m, nằm ngay phía trên đồi, cách những mái nhà của 17 hộ dân chỉ 100m.

 Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu kể lại thời điểm mất liên lạc với thôn Kho Vàng

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu kể lại thời điểm mất liên lạc với thôn Kho Vàng

Nhận thấy có nguy cơ sạt lở đất, ngay lập tức, trưởng thôn 33 tuổi về làng thông báo, vận động mọi người di dời.

“Nhóm chúng tôi chia nhau đi thông báo, giải thích với mọi người trong thôn, mọi người đều tán thành”, anh Chứ kể.

Khoảng 12 giờ trưa 9-9, 17 hộ dân (115 người), trong đó có quá nửa là trẻ em, đứa nhỏ nhất mới chỉ 1 tuổi, bắt đầu cuộc “di cư” vội vã ngay giữa trời mưa.

Người dân vừa đi vừa đợi, dắt díu, hỗ trợ nhau. Người khỏe mạnh vác gạo; thanh niên khênh nước, ôm bạt; phụ nữ mang theo xoong nồi, chăn gối; những cụ già bế cháu.

Sau 30 phút đi bộ, leo dốc, 115 người đến một bãi đất trống trên đỉnh đồi, cách nhà khoảng hơn 500m. “Đó là địa điểm mà chúng tôi lựa chọn để dựng lán sau khi đã khảo sát”, trưởng thôn Kho Vàng nói.

Sau khi đến nơi, mỗi người một công việc, giúp nhau chặt tre, luồng về dựng lán, làm giường rồi căng bạt làm mái. Trong suốt quá trình ấy, 115 người dân hoàn toàn không liên lạc được với bên ngoài.

 17 lán trên đỉnh núi hiện là nơi trú ẩn của 115 người dân Mông. Ảnh: VT

17 lán trên đỉnh núi hiện là nơi trú ẩn của 115 người dân Mông. Ảnh: VT

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu, cho biết do mưa lũ, sạt lở khiến giao thông từ UBND vào thôn Kho Vàng bị chia cắt. Trên thôn lại mất điện và mất sóng điện thoại nên không liên lạc được.

Lực lượng chức năng của xã đi tìm từ ngày 9-9 đến chiều tối 11-9 mới thấy nơi người dân lánh nạn, sau đó triển khai ngay phương án tiếp tế, cung ứng đồ ăn, nhu yếu phẩm cho 115 người.

“Tôi nói thật là đã có giây phút nghĩ đến trường hợp xấu nhất vì thời tiết, địa hình có quá nhiều rủi ro, dễ gây thiệt hại nặng nề. Khi tiếp cận được người dân và biết họ đã di dời lên đồi, cắm trại an toàn, bản thân tôi thấy xúc động, thở phào nhẹ nhõm”, ông Tuấn chia sẻ.

Mong chỗ ở mới an toàn

Sau nhiều đêm dù ở nhà nhưng không ngủ được do nỗi lo đất đá có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào, thêm phần vì quá mệt, đêm đầu ngủ trong lán trên núi, trưởng thôn Ma Seo Chứ yên tâm ngủ đủ giấc.

Nhưng sau gần hai ngày bị cô lập trên núi, người dân thôn Kho Vàng đã sử dụng gần hết đồ ăn. Trẻ nhỏ khát sữa, người lớn đói lả, không còn nhiều sức lực.

“Là người Lào Cai, cũng dần quen với sạt lở đất, nhưng từ khi đẻ ra đến giờ, tôi chưa bao giờ thấy khổ thế này”, anh Lầu A Lánh cho biết.

Còn với bé Ma Thị Phi, 10 tuổi, sau gần một tuần ngủ trên núi, em bắt đầu cảm thấy chán, muốn về nhà để được đi học, gặp thầy cô.

“Trên này chúng em phải đi rất xa mới lấy được nước uống ở suối. Em thì không thấy đói vì không phải làm việc nhiều, nên chỉ cần ăn cơm với mì tôm cũng vẫn no”, bé Phi kể.

 Ngày vài lần, hơn 30 người có sức, khỏe mạnh vẫn đi 7km xuống núi để nhận đồ cứu trợ, rồi lại leo ngược đoạn đường đó vòng lên núi. Ảnh: TT

Ngày vài lần, hơn 30 người có sức, khỏe mạnh vẫn đi 7km xuống núi để nhận đồ cứu trợ, rồi lại leo ngược đoạn đường đó vòng lên núi. Ảnh: TT

Trong khi ấy, chị Hạng Thị Xay, 27 tuổi, cho biết trên này ban ngày nắng gắt, bạt mỏng, hút nắng, không nằm nghỉ được trong lán nhưng cũng không biết trú đi đâu. Còn ban đêm, muỗi nhiều quá, trẻ nhỏ mệt thì quạt cho một lúc là ngủ, còn người lớn thì thao thức suốt đêm.

“Chúng tôi đều nghĩ rằng nhà cũ chắc không về được nữa vì rủi ro sạt lở bất cứ lúc nào. Tôi chỉ mong được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ để chúng tôi có nơi ở mới ổn định hơn để chúng tôi làm ăn, các cháu đi học”, chị Xay hi vọng.

Đó cũng là hy vọng, mong mỏi của trưởng thôn Ma Seo Chứ và những người dân khác. Hiện, vết nứt trên đồi phía sau nhà họ vẫn vậy, chưa nứt rộng thêm, nhưng chẳng ai dám quay về. 115 con người ấy đều chờ ngày xuống núi, được chuyển đến một nơi ở mới, nơi tương lai mới có thể bắt đầu.

V.TÙNG -.TTHANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/mong-moi-cua-115-nguoi-o-thon-kho-vang-lao-cai-sau-cuoc-di-cu-voi-va-post810051.html