Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý có sự sắc sảo, tinh vi và chi tiết, hòa quyện với văn hóa dân gian tạo nên một hình thức cân đối, hài hòa và bay bổng, được truyền lại cho mọi thế hệ...

ThS. Nguyễn Đắc Tùng
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người dân Việt Nam điều tôn sùng Phật giáo. Thời Lý là một trong những thời đại vàng son trong quá trình phát triển của Phật giáo ở Việt Nam, Phật giáo đã chiếm vị trí độc tôn và trở thành quốc giáo. Ảnh hưởng của Phật giáo Thời Lý rất mạnh mẽ, trải qua 216 năm trị vì (1009-1225) với tám đời vua, nhà Lý đã chỉnh đốn lại Phật giáo, xây dựng rất nhiều chùa chiền trạm khắc rất tỉnh xảo và đạt đến đỉnh cao về mặt nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Bài viết phân tích về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý.

Từ khóa: điêu khắc, kiến trúc, Phật giáo, thời Lý.

Mở đầu

Phật giáo, với tư cách là một tôn giáo truyền thống và một triết lý gắn liền, đã lan rộng từ Ấn Độ sang các nền văn hóa đa dạng như Campuchia, Trung Quốc, Việt Nam và phương Tây. Trong đó, đại đa số người Việt đều tin theo Phật giáo như tín ngưỡng truyền thống của mình. Với tinh thần dung hợp và khai phóng, cùng với những quan điểm, tư tưởng gần gũi với truyền thống của người Việt nên Phật giáo nhanh chóng phát triển và có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội người Việt, số lượng người theo Phật giáo ngày càng đông “Đất Giao Châu ngày nay dân chúng rất tôn sùng Phật giáo, lại có nhiều vị cao tăng giáo hóa, bốn phương thấy vậy đều quy y”(1).

Chùa Một Cột (Hà Nội) - Ảnh: Minh Khang

Chùa Một Cột (Hà Nội) - Ảnh: Minh Khang

1. Khái quát về sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam

Phật giáo ra đời vào thế kỷ VI TCN ở nước Nepal do Thích Ca Mâu Ni, tên thật là Tất Đạt Đa (Siddhattha), thuộc bộ tộc Sakya sáng lập. Sau đó Thích Ca Mâu Ni truyền bá Phật giáo ở Ấn Độ, đến thế kỷ III TCN dưới thời vua Asoka, vua Asoka đã cử chín phái đoàn truyền giáo đi khắp nơi trên thế giới để truyền bá Phật giáo trong đó có Việt Nam.

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm theo đường hải và đường bộ. Những vết tích đầu tiên được được ghi nhận với việc Chử Đồng Tử học đạo của một nhà sư Ấn Độ vào thế kỷ thứ III TCN(2). Đến đầu công nguyên, Trung tâm Luy Lâu (Thuận Thành - Bắc Ninh) là thủ phủ của quận Giao Chỉ được hình thành do sự viếng thăm của những tăng sĩ Ấn Ðộ. Luy Lâu sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng.

Phật giáo đã nhanh chóng ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của đạo Phật nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu, bản địa hóa và trở thành tâm thức của người Việt. Phật giáo hình thành nên hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Phật giáo thờ Phật trong chùa, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam là thờ thần trong miếu và thờ Mẫu trong phủ, bốn vị thần được thờ nhiều nhất là Tứ pháp: Mây - Mưa - Sấm - Chớp. Tuy nhiên bốn vị thần này đã được Phật giáo hóa với tín ngưỡng bản địa. Các pho tượng này thường được gọi tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện, trên thực tế các tượng này hoàn toàn điêu khắc theo tiêu chuẩn của một pho tượng Phật. Các hệ thống thờ phụ này tổng hợp với nhau tạo nên các ngôi chùa “tiền Phật, hậu Thần” hay “tiền Phật, hậu Mẫu”. Người Việt Nam đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc... vào thờ trong chùa. Đa số các chùa còn để cả bia hậu, bát nhang cho các linh hồn đã khuất.

Từ thế kỷ thế VI đến thế kỷ thứ XIII là thời kỳ Phật giáo đặt nền móng xây dựng và phát triển. Phật giáo Việt Nam đã có sự giao tiếp với Phật giáo Trung Hoa, tiếp nhận những thâm nhập mới. Trong giai đoạn du nhập, Phật giáo Việt Nam đã bước đầu tự hình thành nên các tư tưởng thiền định với ba thiền phái chính là Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Thảo Đường mang màu sắc Ấn Độ và Vô Ngôn Thông mang màu sắc Trung Hoa đã khẳng định sự hiện hữu của Phật giáo như là một tôn giáo không thể thiếu trong lòng dân tộc. Phật giáo đưa con người hướng đến một đời sống tâm linh thánh thiền, biết phân biệt thiện, ác . Phật giáo là một tôn giáo rất dễ gần gũi, luôn uyển chuyển trong mọi thời đại, mọi tình huống. Thế cho nên các Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông dù có mang màu sắc Phật giáo của Ấn Độ hay Trung Hoa nhưng khi vào Việt Nam thì nhanh chóng thể nhập, dung hòa gần gũi với đời sống dân tộc và bản địa hóa. Đó cũng chính là đặc điểm nổi bật của Phật giáo trong suốt quá trình du nhập và phát triển.

2. Vài nét về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý

2.1. Kiến trúc

Nghệ thuật kiến trúc thời Lý tuy không thực dụng như kiến trúc phương Tây nhưng đã đạt đỉnh cao về mặt nghệ thuật. Chịu ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Ấn Độ, kiến trúc chùa chiền thời Lý càng chú trọng mỹ quan tinh tế, trang nghiêm, đem lại cho mọi người cảm giác thiêng liêng, cao cả.

Vào thời Lý, chùa chiền mọc lên khắp nơi và trở thành biểu tượng của Phật giáo. Trong 18 năm cầm quyền của mình, vua Lý Thái Tổ đã nhiều lần dựng chùa. Ngay khi mới lên ngôi vào năm 1010 vua Lý Thái Tổ đã cho phát tiền kho hai vạn quan, thuê thợ làm tám sở chùa ở phủ Thiên Đức đều có dựng bia ghi công” và ra lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại. Rồi khi xây dựng cung điện tại Thăng Long thì trong nội thành dựng chùa Ngự Hưng Thiên còn ngoài thành thì làm chùa Thắng Nghiêm. Năm sau (1011) lại dựng chùa Vạn Tuế, Tứ Đại Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng và Thánh Thọ. Năm 1016 lại dựng hai chùa Thiên Quang và Thiên Đức. Năm 1024 lại dựng chùa Chân Giáo(4). Việc chú trọng xây dựng chùa thời Lý được sử gia Lê Văn Hưu thời Trần ghi nhận là “xây tường cao ngất, tạc cột chùa bằng đá, làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cả cung điện của vua”(5).

Lá bồ đề và rồng thời Lý

Lá bồ đề và rồng thời Lý

Các vua và quý tộc đã xây dựng nhiều chùa chiền và chạm khắc nhiều tượng nên hiện nay nghệ thuật kiến trúc Phật giáo thời Lý đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hầu hết những ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng thời Lý đều tồn tại cho đến tận ngày nay.

Chùa chiền thời Lý được chia làm 3 hạng: Đại, Trung và Tiểu danh lam. Trong đó tiêu biểu là các chùa đại như: chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Long Đọi (Hà Nam), Chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Bà Tấm (Hà Nội), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Quỳnh Lâm, chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương Lãng (Hưng Yên) là những công trình kiến trúc hết sức bề thế. Ví dụ như, diện tích nội tự của chùa Hương Lãng rộng gần 40.000 m2…(6) Năm 1049, vua Lý Thái Tông cho xây chùa Diên Hựu (Một Cột), ở vườn Tây Cấm trong kinh thành Thăng Long: giữa hồ là cột đá cao vài chục mét, trên đỉnh cột đá dựng ngôi chùa gỗ, bên trong đặt pho tượng Phật Quán Âm bằng vàng. Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho sửa lại, vét hồ Liên Hoa đài, gọi là hồ Linh Chiểu, ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy xung quanh, ngoài hồ có hành lang lại đào hồ Bích Trì có cầu bắc qua để đi lại(7). Nhìn từ xa, chùa như đóa sen nghìn cánh vươn lên từ gương nước trong xanh, biểu hiện một sự thanh cao, trong sạch, thấm đượm tinh thần của Phật giáo và cũng biểu trưng cho cốt cách tinh thần của người Việt.

Khâm phục những thành tựu của văn hóa Phật giáo Việt Nam thời Lý, thư tịch Trung Hoa đời Minh truyền tụng nhiều về ba công trình nghệ thuật kiến trúc lớn thời Lý thuộc An Nam tứ đại khí. Đó là:

Thứ nhất, Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm: Chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều (Quảng Ninh) được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, có pho tượng Di-lặc bằng đồng. Theo văn bia nay vẫn còn giữ được trong chùa thì tượng cao 6 trượng (xấp xỉ 24m), đặt trong một tòa Phật điện cao 7 trượng. Đứng từ bến đò Đông Triều, cách xa 10 dặm vẫn còn trông thấy nóc điện(8).

Thứ hai, Tháp Báo Thiên: Gồm 12 tầng, cao 20 trượng, do vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1057 trên khuôn viên chùa Sùng Khánh ở phía tây hồ Lục Thủy (tức hồ Gươm, Hà Nội) bằng đá và gạch, riêng tầng thứ 12 đúc bằng đồng. Tháp là đệ nhất danh thắng đế đô một thời. Đến năm 1414, tháp bị quân Vương Thông tàn phá, nền tháp còn lại to như một quả đồi, có thời dùng làm nơi họp chợ. Thời Pháp, những gì còn sót lại đã bị phá hủy hoàn toàn để xây nhà thờ lớn trên đất ấy(9).

Thứ ba, Chuông Quy Điền: Năm 1101, vua Lý Nhân Tông cho xuất kho hàng vạn cân đồng để đúc quả chuông này và dự định treo tại chùa Diên Hựu (tiền thân chùa Một Cột sau này), trong một tòa tháp bằng đá xanh cao 8 trượng. Nhưng chuông đúc xong to quá (tương truyền có đường kính 1,5 trượng (gần 6m), cao 3 trượng (gần 12m), nặng tới vài vạn cân), không treo lên nổi đành để ở ngoài ruộng. Mùa nước ngập, rùa bò ra bò vào nên dân gian gọi là chuông Quy Điền (ruộng rùa)(10).

Nói đến nghệ thuật kiến trúc Phật giáo thời Lý, bên cạnh tính quy mô của những công trình, còn cần nhắc đến kết cấu chắc chắn, cân đối, mà ở đó nổi bật lên là dạng kết cấu mặt bằng hình vuông hướng vào trung tâm là nơi thờ Phật như chùa Một Cột, hoặc kết cấu tầng tầng lớp lớp mở rộng không gian từ ngoài vào trong như kiến trúc chùa Phật Tích, chùa Dạm. Ngoài ra nói đến chùa thời Lý thường đi liền với cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, gắn với núi, với sông, với những cánh đồng mênh mông tạo thành những phong cảnh hữu tình, hòa hợp giữa con người và trời đất(11).

2.2. Điêu khắc

Điêu khắc Phật giáo thời Lý cũng đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Trong đó, điêu khắc Phật giáo chiếm chủ đạo, còn những tác phẩm điêu khắc ngoài Phật giáo cũng ít nhiều đều chịu ảnh hưởng, mang hơi hướng của Phật giáo. Trong thời điểm thời Lý vừa thoát khỏi 1.000 năm Bắc thuộc được sống trong thái bình thịnh vượng nên điêu khắc Phật giáo mang nét tĩnh lặng, tự tại và hư không.

Điêu khắc Phật giáo thời Lý có thể nói là sự tiếp nhận và cách điệu của nghệ thuật Ấn Độ và Trung Hoa. Hình tượng lá bồ đề thời Lý với thân lá tròn, đường nét bầu bĩnh, dễ liên tưởng hình trái tim lật ngược. Điểm xuyến bên trong thân thường là hình chim phượng hoặc rồng, gắn liền với ý nghĩa Phật giáo.

Thú đá ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - Ảnh: Minh Khang

Thú đá ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - Ảnh: Minh Khang

Việc điêu khắc và trang trí hoa sen được ứng dụng nhiều trong kiến trúc với cái đài và bệ tượng Phật bằng hoa sen. Vì hoa sen tượng trưng cho 8 đức tính nhà Phật với sự thanh khiết, liêm chính, chân thật, vượt lên khó khăn… Hoa sen điêu khắc thời nhà Lý thường có 2 lớp với nhiều cánh nở rộng ra 2 phía với bố cục cân xứng và hài hòa. Hình dáng gương sen với chân thon nhỏ và miệng xòe rộng. Bốcụcsen tạocảmgiácđối xứng, tròn đầy, phóng khoáng và ôm trọn phần trung tâm(12). Với hình ảnh lá bồ đề, hoa sen, rồng, phượng, mây, sóng, hoa cúc, nhạc công, tiên nữ... làm cho công trình trở nên bay bổng, tạo ra chốn tiên cảnh ở trần gian vừa như thực lại vừa như mơ.

Kết luận

Có thể thấy, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý có sự sắc sảo, tinh vi và chi tiết. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc hòa quyện với văn hóa dân gian tạo nên một hình thức cân đối, hài hòa và bay bổng, được truyền lại cho mọi thế hệ và trở thành biểu tượng nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của người dân Việt Nam,... góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc ta khi đó. Ngày nay, qua dấu tích còn lại với những nền móng, chân tảng, những viên ngói bò chạm rồng chạm phượng, v.v. cùng các thư tịch người xưa để lại, chúng ta có thể hình dung ra nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý, một loại công trình nổi bật trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Việt Nam.

ThS. Nguyễn Đắc Tùng
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024

***

CHÚ THÍCH:
(1) Văn Tân, Phật giáo trong lịch Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 162 năm 1975, tr. 133.
(2) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nhà xuất bản Văn học, tr. 40-41.
(3) Thích Nữ Hạnh Thuận (2018), Cái đẹp của Phật giáo trong thời Lý Trần, https://nigioikhatsi.net/luan-van/cai-dep-cua-phat- giao-trong-thoi-ly-tran.html, ngày truy cập 20/7/2024.
(4) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, tr. 600.
(5) Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, tr. 258.
(6) Ðôi nét về kiến trúc Phật giáo thời Lý (2010), https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/oi-net-ve-kien-truc-phat-giao-thoi- ly-45031.html, ngày truy cập 1/8/2024.
(7) Kỷ yếu Hội thảo khoa học về 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long (2009), Nhà xuất bản Thế giới, tr. 649
(8) Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, tr. 182.
(9) Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, tr. 182-183.
(10) Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, tr. 182-183.
(11) Ðôi nét về kiến trúc Phật giáo thời Lý (2010), https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/oi-net-ve-kien-truc-phat-giao-thoi- ly-45031.html, ngày truy cập 1/8/2024.
(12) Cảm Hứng Nghệ Thuật Điêu Khắc Thời Lý (1010-1225) (2024), https://hopgopro.vn/tin-tuc-noi-bat/cam-hung-nghe-thuat- dieu-khac-thoi-ly-1010-1225/, ngày truy cập 2/8/2024.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Cảm Hứng Nghệ Thuật Điêu Khắc Thời Lý (1010-1225) (2024), https://hopgopro.vn/tin-tuc-noi-bat/cam-hung-nghe-thuat-dieu- khac-thoi-ly-1010-1225/, ngày truy cập 2/8/2024.
2. Ðôi nét về kiến trúc Phật giáo thời Lý (2010), https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/oi-net-ve-kien-truc-phat-giao-thoi- ly-45031.html, ngày truy cập 1/8/2024.
3. Kỷ yếu Hội thảo khoa học về 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long (2009), Nhà xuất bản Thế giới, tr. 649
4. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, tr. 600.
5. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nhà xuất bản Văn học, tr. 40-41.
6. Thích Nữ Hạnh Thuận (2018), Cái đẹp của Phật giáo trong thời Lý Trần, https://nigioikhatsi.net/luan-van/cai-dep-cua-phat- giao-trong-thoi-ly-tran.html, ngày truy cập 20/7/2024.
7. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, tr. 182-183.
8. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, tr. 258.
9. Văn Tân, Phật giáo trong lịch Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 162 năm 1975, tr. 133.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nghe-thuat-kien-truc-va-dieu-khac-phat-giao-thoi-ly.html