Mong mỏi vào sự đột phá
So với các loại hình giao thông khác như đường bộ, hàng không, đường sắt đang thể hiện rõ sự chậm chạp trong cả tư duy nhận thức và phát triển thực tế. Nhiều chuyên gia còn ví von ngành đường sắt Việt Nam như một 'đứa trẻ' không chịu lớn. Chính vì vậy, đề án về đường sắt cao tốc thu hút sự quan tâm đặt biệt của tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Đây là sự kỳ vọng đã được gửi gắm qua nhiều thế hệ nhằm giúp loại hình vận tải này phát triển mạnh mẽ hơn, tiến tới dần đuổi kịp các tiêu chuẩn hiện đại quốc tế.
Chia sẻ về vấn đề này tại buổi Tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam” - ông Phan Lê Bình, chuyên gia cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, đầu tư phát triển ngành đường sắt thời gian quá thấp so nhu cầu và so các phương thức khác, cho nên hiện tại đang bị tụt hậu rất xa và càng khó thu hút người dân sử dụng đường sắt.
Đáng nói, hơn 10 năm qua, các cơ quan chức năng còn rất băn khoăn đối với vị trí, vai trò của đường sắt hiện đại hóa, bởi đầu tư tuyến đường sắt thì phải đạt cự ly 100 - 150 km mới hiệu quả, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn từ Nhà nước. Trong bối cảnh nước ta thu nhập trung bình thấp, vấn đề hiện đại hóa đường sắt được cân nhắc rất kỹ và đây là thời điểm ra quyết sách đầu tư thế nào cho phù hợp.
Thực tế, việc đầu tư vào hệ thống đường sắt tốc độ cao cũng đã được các bộ ngành nghiêm túc nghiên cứu. Cụ thể, vào ngày 14/2/2019, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tuyến đường sắt được lựa chọn đầu tư mới hoàn toàn, đi qua 20 tỉnh thành, kết nối Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án được thiết kế tốc độ 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h. Tổng vốn đầu tư dự kiến trên 58,71 tỷ USD. Trong báo cáo nghiên cứu khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải đề xuất thực hiện phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu khổ 1.000 mm chủ yếu để chạy tàu hàng; đồng thời, xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/giờ (chỉ chở khách, không chở hàng).
Ðể phục vụ thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung thêm phương án đầu tư mới tuyến đường sắt với dải tốc độ từ 160 đến dưới 200 km/giờ, tốc độ thấp hơn phương án nêu trên và chở được cả hành khách lẫn hàng hóa.
Theo ông Ðặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đầu tư đường sắt tốc độ cao cần nguồn vốn rất lớn, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, cho nên phân kỳ, phân khúc đầu tư, lựa chọn đoạn tuyến nào làm trước cần phải tính toán kỹ. Qua đề xuất và đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, đầu tư trước đoạn Hà Nội - Vinh và thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang là khả thi. Khi đưa vào chương trình đầu tư, sẽ có nhiều cách thức như huy động vốn từ ngân sách, vay vốn ODA, hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ, kêu gọi tư nhân đầu tư,…
Dẫu còn nhiều ý kiến tranh luận, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành đều có cùng chung nhận định, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có quy mô lớn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước trong một vài thập kỷ tới. Do đó, mỗi nội dung dự án cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là phương án tài chính cần được tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh theo hướng cập nhật, thêm các kịch bản phù hợp nhằm thích ứng với mọi tình huống./.
Hiệu quả đầu tư cho ngành đường sắt không thể chỉ đánh giá thông qua doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, mà nó còn tác động đến mọi mặt trong đời sống xã hội, mạng lưới đường sắt sẽ góp phần kết nối các phương thức vận tải của quốc gia, giúp giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, xây dựng một mạng lưới đường sắt hiện đại, chưa nói là tốc độ cao hay là cao tốc, cần có sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, để đường sắt phát triển xứng tầm với vị trí vốn có.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/mong-moi-vao-su-dot-pha-121359.html