Mong sớm đầu tư đường vào khu sản xuất xã Phan Lâm, Phan Sơn

Mở rộng tầm nhìn đoạn đường từ ngã 3 vào Nhà máy Thủy điện Bắc Bình và vào khu sản xuất của người dân xã Phan Sơn, Phan Lâm (Bắc Bình) để đảm bảo an toàn giao thông. Đó là kiến nghị cử tri của 2 xã như đề cập.

Qua khảo sát, hiện trạng tuyến đường tràn bê tông dọc cầu máng kênh thủy lợi.

Đi tạm trên đường hẹp, độ dốc cao

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Bắc Bình, những năm vừa qua, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Phan Lâm và Phan Sơn chấp hành, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Nhà nước về việc bồi thường, giải tỏa, bàn giao đất cho nhà nước xây dựng các công trình trên địa bàn xã, nhất là dự án hồ chứa nước Sông Lũy. Hiện nay, công trình hồ chứa nước Sông Lũy được thi công hoàn thành, đang vận hành đưa vào khai thác sử dụng. UBND huyện Bắc Bình đã thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa và tái định cư giai đoạn 2 (đến cao trình +130,0m). Khi hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa giai đoạn 2, công trình sẽ tích nước đến cao trình +129,5m. Việc tích nước đến cao trình +129,5m sẽ làm ngập toàn bộ tuyến đường bê tông hiện trạng đi vào khu sản xuất làng cũ xã Phan Sơn, Phan Lâm, ảnh hưởng đến việc đi lại vào khu sản xuất của bà con 2 xã Phan Lâm và Phan Sơn, với diện tích đất sản xuất của người dân khu vực này khoảng 290 ha.

Qua khảo sát, hiện trạng vị trí tuyến cắt qua suối, qua kênh

Năm 2022, hồ Sông Lũy tích nước đến cao trình +126 gây ngập tuyến đường bê tông hiện trạng. Người dân xã Phan Sơn, Phan Lâm hiện nay muốn đi vào khu sản xuất khu vực này phải xin đi tạm đường công vụ nội bộ của Thủy điện Bắc Bình quản lý. Tuy nhiên, tuyến đường này rất hẹp và độ dốc khá cao, rất nguy hiểm. Đồng thời, đây là đường nội bộ của Thủy điện Bắc Bình chỉ cho đi tạm một thời gian, không phải phục vụ cho người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản đi lại. Vì vậy, điều này không đảm bảo an toàn cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của bà con nhân dân khu vực này.

Đề xuất chủ trương đầu tư

Trước thực trạng trên, UBND huyện kiến nghị đầu tư tuyến đường vào khu sản xuất thay thế các tuyến đường bị ngập khi tích nước hồ chứa nước Sông Lũy là rất cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của người dân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản từ khu sản xuất làng cũ và Sông Tho của người dân xã Phan Lâm, Phan Sơn. Cùng với đó, là tạo điều kiện thuận lợi lưu thông từ xã đến nơi sản xuất và ngược lại. Đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần vật chất của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Bắc Bình nói chung, 2 xã Phan Lâm, Phan Sơn nói riêng.

Qua khảo sát hiện trạng, tuyến đường dài khoảng 3.500m, điểm đầu tuyến từ ngã ba đường dọc kênh Sông Tho và điểm cuối tuyến giao với đường nhựa vào thủy điện Bắc Bình. Đoạn 1, dài khoảng 2.650m theo đường sỏi đỏ dọc kênh thủy lợi hiện trạng bề rộng đường 5m và các cống tiêu còn sử dụng tốt. Trên tuyến còn có đường tràn đá hộc xây khung dầm bê tông dài khoảng 65m, rộng 5m dọc theo cầu máng thủy lợi có tổng chiều dài cầu máng 200m, đoạn qua tràn dài 65m. Mùa mưa lũ nước chảy qua tràn là rất lớn, nên mọi phương tiện đều không di chuyển được. Đoạn 2, dài khoảng 850m đi qua đất xã Phan Sơn quản lý. Đoạn này cắt qua 1 suối, kênh xả của Thủy điện Bắc Bình và các dòng tụ thủy nhỏ.

UBND huyện Bắc Bình đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng dự án “Đường vào khu sản xuất 2 xã Phan Lâm, Phan Sơn, huyện Bắc Bình”. Đồng thời, trình UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án này. Vị trí đầu tư là điểm đầu tuyến từ ngã ba đường dọc kênh Sông Tho và điểm cuối tuyến giao với đường nhựa vào thủy điện Bắc Bình. Dự kiến tổng mức đầu tư là 31.861 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh (nguồn dự phòng, nguồn vượt thu ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025).

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/mong-som-dau-tu-duong-vao-khu-san-xuat-xa-phan-lam-phan-son-119407.html