Mong tết Việt sớm trở thành di sản UNESCO

Nhà ngoại giao kỳ cựu - Đại sứ Phạm Sanh Châu - kỳ vọng rằng tết cổ truyền Việt Nam có thể trở thành một di sản phi vật thể của UNESCO.

Thật hiếm hoi để có một cuộc trò chuyện thật sảng khoái với Đại sứ Phạm Sanh Châu vào những ngày cuối năm, khi nhà ngoại giao kỳ cựu có rất nhiều việc để giải quyết. Trong gần một giờ đồng hồ, ông Châu lần đầu tiên bày tỏ thật nhiều tâm huyết và kỳ vọng vào việc tết Việt sẽ sớm có ngày được vinh danh tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UNESCO).

Không có lý do gì chúng ta không kỳ vọng

. Phóng viên: Từng trải qua nhiều nhiệm vụ quan trọng đại diện của Việt Nam tại UNESCO, ông có lần tiết lộ mong muốn tết Việt được tổ chức này vinh danh. Từ đâu ông có suy nghĩ này?

+ Đại sPhm Sanh Châu: Tôi nhớ vào năm 2016, khi tôi đến dự phiên họp Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO tại Ethiopia, tôi được chứng kiến một di sản mang tên “Momoeria” của Hy Lạp được công nhận. Đó là tết chào mừng năm mới của tám ngôi làng ở khu vực Kozani thuộc Hy Lạp. Dịp này, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cũng trong kỳ họp đó, tôi thấy lễ hội đón tết của một nhóm nước chủ yếu ở Trung Đông cũng được vinh danh. Đó là lễ hội mang tên “Nawrouz, Novruz, Nowrouz, Nowrouz, Nawrouz, Nauryz, Nooruz, Nowruz, Navruz, Nevruz, Nowruz, Navruz”. Đây là 12 cách gọi khác nhau nhưng đều có nghĩa là “Ngày mới” của 12 nước: Afghanistan, Azerbaijan, Ấn Độ, Iran, Iraq, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tết của họ bao gồm các chương trình lễ hội, tiệc tùng, với những phong tục, tập quán và các hoạt động văn hóa đặc trưng. Khi nhận được kết quả ghi danh của UNESCO, các quốc gia đều rất hạnh phúc. Họ chúc tụng nhau và liên hoan tưng bừng giữa phòng họp của UNESCO.

Tôi thấy rằng tết Việt cũng rất đặc trưng, thể hiện nét văn hóa độc đáo và ý nghĩa của cộng đồng người Việt sống ở khắp thế giới. Tết Việt thể hiện quan niệm của người Việt về thời gian, không gian, tập tục, cách ứng xử giữa con người với nhau và với thiên nhiên, đến cách thức tổ chức đón tết rất đa dạng nhưng đậm bản sắc Việt. Dịp tết Việt là lúc thăng hoa của các chương trình văn nghệ, ẩm thực, giải trí, giá trị gia đình,… Nói cách khác, những gì các nước bạn có thì chúng ta cũng có.

Người nước ngoài rất thích tết Việt

. Trong quá trình làm ngoại giao, đại sứ đã nhiều lần giới thiệu tết Việt đến người dân các nước. Sự phản hồi từ người nước ngoài như thế nào, thưa ông?

+ Hằng năm, khi tết đến, chúng tôi tổ chức Tết cộng đồng ở đại sứ quán mà mục đích là vừa để giới thiệu thế nào là tết của người Việt cho bạn bè quốc tế, vừa để mời bà con xa quê đến đại sứ quán đón tết. Chúng tôi cho khách thưởng thức những món ăn đậm chất Việt Nam, để họ cảm nhận được một đất nước Việt Nam vô cùng độc đáo, nhiều món ngon của lạ nhưng cách thức phục vụ thì thân thiện, mến khách.

Ngoài ra, bạn bè quốc tế còn được mặc trang phục truyền thống của Việt Nam; chơi các trò chơi dân gian Việt Nam; múa những điệu múa của người Việt… Hôm Tết Việt 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian của Việt Nam mà có rất nhiều bạn quốc tế và Ấn Độ tham gia như trò chơi đập niêu, bịt mắt bắt dê, múa sạp... Tất cả đều bày tỏ sự vui sướng và hưởng ứng rất nồng nhiệt.

Ngày qua ngày, tết Việt ngày càng được tổ chức rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ ở Paris (Pháp), tết Việt được tổ chức ở ngay tòa thị chính của thành phố. Hay ở các quốc gia có đông cộng đồng người châu Á như ở Đông Âu, Bắc Mỹ, Úc..., người dân các nước này biết rõ và cũng chia sẻ niềm vui và háo hức đón tết mỗi dịp năm mới về. Tết Việt dần dần đạt được thương hiệu. Người nước ngoài gọi thẳng là “tết”, (cũng như gọi “áo dài”, “phở” hay “nem”) chứ không gọi là Chinese New Year (tết Trung Quốc) như nhiều năm trước. Mỗi khi năm mới về là nhiều bạn Ấn Độ lại hỏi tôi “thế bao giờ tổ chức tết” và ngỏ ý cùng gia đình mong muốn tham dự.

. Nếu được vinh danh thì tết Việt sẽ gia tăng thêm những ý nghĩa nào với đời sống văn hóa, kinh tế của người Việt Nam?

+ Đó sẽ là một “chứng chỉ thương hiệu ở phạm vi toàn cầu” về tính đặc trưng và độc đáo của tết Việt. Đó sẽ là một cơ sở để chúng ta nuôi dưỡng và hun đúc lòng tự hào dân tộc. Khi tết được vinh danh, chúng ta sẽ tự nguyện điều chỉnh hành vi ứng xử để đảm bảo rằng tết sẽ được tổ chức và vinh danh đúng với ý nghĩa của ngày hội năm mới mang bản sắc Việt. Thêm vào đó, một khi tết trở thành di sản của nhân loại thì Nhà nước sẽ có trách nhiệm bảo tồn, quản lý tết Việt sao cho ngày càng phát triển theo đúng các tôn chỉ, mục đích cao đẹp của UNESCO và làm cho ngày tết Việt được phổ biến rộng rãi hơn đến cộng đồng quốc tế.

Đó sẽ là một bệ phóng để du lịch Việt Nam có cơ hội phát triển hơn mỗi độ xuân về. Ngoài ra, các sản phẩm “thương hiệu tết Việt” cũng có cơ hội đến gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước hơn. Bởi vì khi thương hiệu tết Việt được UNESCO vinh danh, các sản phẩm gắn với tết như bánh chưng, các món ăn ngày tết, các vật trang trí tết,… sẽ càng có cơ hội được quảng bá và xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Hãy nhìn bài học của Singapore khi ẩm thực đường phố của Singapore được UNESCO vinh danh thì du khách kéo đến Singapore rất đông để thưởng thức ẩm thực. Một khi tết Việt được công nhận, tôi tin rằng dịch vụ quốc tế tết Việt sẽ lên ngôi và phát triển mạnh.

. Xin cám ơn Đại sứ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu hiện là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan. Trước đó, ông Phạm Sanh Châu là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại UNESCO. Ông là người Việt Nam đầu tiên ứng cử vào chức vụ tổng giám đốc UNESCO.

ĐỖ THIỆN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/xuan-tan-suu-2021/mong-tet-viet-som-tro-thanh-di-san-unesco-966364.html