Montenegro tổ chức bầu cử Quốc hội sớm để quyết định tương lai với EU
Hôm nay, 11.6, Montenegro tổ chức bầu cử Quốc hội, một cuộc bỏ phiếu được kỳ vọng có thể chấm dứt tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc và nhiều năm bất ổn đã cản trở quốc gia nhỏ bé là thành viên NATO này trên lộ trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Khoảng 542.000 cử tri đủ điều kiện để lựa chọn trong số 15 đảng các ứng cử viên, từ các nhóm trung thành thân phương Tây đến những nhóm thân Serbia và thân Nga.
Không giống như các cuộc bầu cử trước, khi tâm điểm của chiến dịch vận động tranh cử là liệu quốc gia nên nghiêng về EU hay gần gũi hơn với Nga và Serbia, nền kinh tế và mức sống của người dân là những vấn đề chi phối sự quan tâm của cử tri lần này.
“Cuối cùng, chúng tôi đang quyết định về chất lượng cuộc sống, thay vì phương Đông hay phương Tây", cử tri Tanja Bojovic, 38 tuổi, cho biết khi bỏ phiếu ở thủ đô Podgorica của Montenegro. “Tôi mong đợi chiến thắng của những người sẽ đưa chúng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn".
Đây cũng là cuộc bầu cử đầu tiên của Montenegro sau hơn 30 năm không có sự góp mặt của chính trị gia Milo Djukanovic, người hầu như liên tục giữ chức vụ thủ tướng hoặc tổng thống của đất nước kể từ năm 2001.
Các cuộc thăm dò và các nhà phân tích dự đoán Europe Now, một phong trào ôn hòa mới thành lập, có nhiều khả năng là phong trào nhận được nhiều phiếu bầu nhất nhưng không có đủ ghế trong Quốc hội 81 ghế để tự thành lập chính phủ mới.
Tổng thống Jakov Milatovic, người thuộc phong trào Europe Now, cho biết ông hy vọng rằng “sau cuộc bầu cử, Quốc hội mới của Montenegro sẽ phản ánh thực tế chính trị mới hiện nay ở nước này”.
Đảng Xã hội Dân chủ, đảng trước đây do Djukanovic lãnh đạo, đã bị giảm uy tín sau ba thập kỷ thống trị và có ban lãnh đạo mới đang tìm kiếm cơ hội trở lại.
Ngoài ra còn có các ứng cử viên từ Mặt trận Dân chủ thân Serbia và thân Nga, một đảng được coi là có khả năng nổi lên như một nhân vật chủ chốt trong việc thành lập một chính phủ liên minh trong tương lai.
Nhà phân tích chính trị Ana Nenezic, giám đốc điều hành của Trung tâm Giám sát và Nghiên cứu, cho biết việc tập trung vào nền kinh tế “có lợi cho xã hội” nhưng những lời hứa tăng lương của các chính trị gia “không dựa trên nền kinh tế thực tế”.
Bà nói thêm rằng dựa trên những dự báo bầu cử mới nhất, "tôi sẽ thực sự ngạc nhiên nếu chúng ta có một chính phủ ổn định về chính trị".
Montenegro, một quốc gia đẹp như tranh vẽ ở Biển Adriatic với khoảng 620.000 dân, từng được coi là quốc gia đầu tiên xếp hàng gia nhập EU từ Tây Balkan.