Moody's Analytics lạc quan về mục tiêu lạm phát của Mỹ trong năm 2024

Nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics cho rằng tuy vẫn còn một số tác động dư âm nhưng phần lớn tác động của những cú sốc này đã giảm bớt, lạm phát ổn định dần và nền kinh tế không suy yếu nhiều.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Mark Zandim, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu kinh tế Moody's Analytics, mới đây dự đoán đến cuối năm 2024, lạm phát ở Mỹ sẽ quay trở lại mục tiêu do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đặt ra.

Theo ông Mark Zandi, lạm phát của Mỹ đang ở mức “hợp lý và nhẹ nhàng” khi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine đã rõ ràng.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng tuy vẫn còn một số tác động dư âm nhưng phần lớn tác động của những cú sốc này đã giảm bớt, lạm phát ổn định dần và nền kinh tế không suy yếu nhiều.

Chuyên gia Zandi nhận xét sự khác biệt đáng kể duy nhất giữa lạm phát thực tế hiện tại và mục tiêu của Fed đó là mức tăng chi phí nhà ở.

Tuy nhiên, tốc độ tăng chi phí nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào tăng giá trên thị trường cho thuê vốn rất mềm trong năm 2023 và sẽ tiếp tục trong năm 2024 nhờ nguồn cung nhà ở dồi dào hơn.

Ông Mark Zandi nhận định việc hoàn thiện thêm các căn hộ giúp số lượng nhà có sẵn tăng lên, từ đó giảm giá thuê trên thị trường và điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm tới.

Bên cạnh đó, ông Zandi cho rằng tình trạng giảm phát ở Trung Quốc đang giúp giá nhập khẩu ở Mỹ và trên toàn cầu thấp hơn, giúp giảm lạm phát.

Chuyên gia Zandi nhận định rằng nếu quan sát tình hình lạm phát trong vài năm qua sẽ thấy diễn biến khá lạc quan.

Trong khi đó, báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/2 cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của nước này trong tháng 1/2024 đã tăng 0,3% (so với tháng trước đó).

Trong 12 tháng tính đến hết tháng 1/2024, PCE của Mỹ đã tăng 2,4% - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và theo sau mức tăng 2,6% trong tháng 12/2023.

Loại trừ các thành phần như năng lượng và thực phẩm dễ biến động, chỉ số giá PCE lõi của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 1/2024.

Lạm phát lõi trong tháng 1/2024 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 3/2021 và sau mức tăng 2,9% trong tháng cuối năm 2023.

Fed thường theo dõi PCE để xác định tiến trình đạt mục tiêu lạm phát 2%. Chỉ số lạm phát hàng tháng ở mức 0,2% là mức cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.

Sau báo cáo trên, các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall dự kiến sẽ mở cửa cao hơn trong phiên giao dịch cùng ngày do chỉ số lạm phát phù hợp với ước tính, làm tăng hy vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay.

Ông Peter Andersen, người sáng lập công ty quản lý đầu tư Andersen Capital Management đánh giá, số liệu mới nhất làm thị trường thêm lạc quan rằng nền kinh tế Mỹ đang có nền tảng vững chắc.

Sau các số liệu kinh tế gần đây, thị trường tài chính đã thay đổi kỳ vọng về thời điểm Fed cắt giảm lãi suất sang tháng 6/2024.

Các quan chức Fed trước đó chỉ ra rằng họ sẽ không vội vàng giảm chi phí đi vay. Kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất thêm 525 điểm cơ bản lên mức 5,25% -5,50%.

Trước đó, theo số liệu đo lường được S&P Global công bố ngày 22/2, hoạt động kinh doanh của Mỹ đã hạ nhiệt trong tháng 2/2024 và có những tín hiệu tích cực về lạm phát, với thước đo chi phí đầu vào giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm rưỡi, giúp xoa dịu những lo ngại về áp lực giá cả ngày càng tăng.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ, đã giảm xuống mức 51,4 trong tháng 2/2023, từ mức 52 của tháng Một. Tuy nhiên, chỉ số trên 50 cho thấy khu vực tư nhân vẫn tăng trưởng.

Hoạt động sản xuất khởi sắc, với chỉ số PMI sản xuất tăng lên mức 51,5, mức cao nhất kể từ tháng 9/2022, từ mức 50,7 của tháng trước đó. Tuy nhiên, PMI lĩnh vực dịch vụ giảm xuống còn 51,3 trong tháng 2/2024, từ mức 52,5 của tháng Một.

Chỉ số đơn đặt hàng mới mà các doanh nghiệp tư nhân nhận được giảm xuống mức 51,3 trong tháng Hai, từ mức 52,6 của tháng trước đó.

Thước đo chi phí đầu vào giảm xuống mức 55, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020, từ mức 56,9 của tháng 1/2024.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng khả năng phục hồi của thị trường lao động, vốn đang là trợ lực cho nền kinh tế Mỹ, tiếp tục làm trì hoãn việc Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Theo nhà kinh tế trưởng Christopher Rupkey của công ty nghiên cứu thị trường tài chính FWDBONDS ở New York (Mỹ), việc sa thải nhân công vẫn ở mức tối thiểu nên áp lực tiền lương từ thị trường lao động thắt chặt sẽ tiếp tục đẩy lùi thời điểm Fed có thể hạ lãi suất một cách an toàn mà không gây ra lạm phát.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed trong cuộc họp tháng 1/2024 tiếp tục coi thị trường lao động là chặt chẽ, song một số lưu ý rằng mức tăng việc làm gần đây tập trung ở một số lĩnh vực đã chỉ ra những rủi ro đối với triển vọng việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/moodys-analytics-lac-quan-ve-muc-tieu-lam-phat-cua-my-trong-nam-2024-post930369.vnp