Moody's cảnh báo việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ 'tác động tiêu cực'

Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ có tác động tiêu cực đến việc đánh giá tín dụng của nước này vì nó sẽ làm nổi bật sự yếu kém về sức mạnh thể chế và quản trị của Mỹ - Moody's cho biết hôm 25-9.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Moody's, cơ quan xếp hạng AAA cho chính phủ Mỹ, cho biết trong một tuyên bố: “Việc đóng cửa sẽ là tín hiệu tiêu cực đối với chính phủ Mỹ. Đặc biệt, điều này sẽ chứng minh những hạn chế đáng kể mà phân cực chính trị đặt ra đối với việc hoạch định chính sách tài chính vào thời điểm sức mạnh này đang suy giảm, do thâm hụt tài chính ngày càng tăng và khả năng chi trả nợ ngày càng giảm”.

Cuộc bỏ phiếu ngân sách ở quốc hội thường biến thành cuộc đối đầu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Mỗi đảng đều dựa vào kịch bản chính phủ đóng cửa để tìm kiếm sự nhượng bộ từ đảng còn lại cho đến khi hai bên đạt được giải pháp vào phút chót. Lần này, bế tắc lại xuất phát từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỉ USD cho Ukraine. Hạn chót để các nghị sĩ đạt thỏa thuận về dự luật chi tiêu nhằm tránh kịch bản chính phủ đóng cửa là nửa đêm 30-9 (giờ địa phương).

Các dịch vụ của chính phủ Mỹ sẽ bị gián đoạn và hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ phép không lương nếu Quốc hội không cấp ngân sách cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1-10. Việc công bố dữ liệu kinh tế của Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư cũng sẽ bị đình chỉ vô thời hạn nếu chính phủ liên bang đóng cửa. Việc đóng cửa càng kéo dài thì tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế nói chung sẽ càng lớn. “Việc đóng cửa kéo dài có thể sẽ gây gián đoạn cho cả nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ,” Moody’s nêu rõ.

Theo tổ chức tín dụng này, việc đóng cửa sẽ không ảnh hưởng đến các khoản thanh toán nợ của chính phủ nhưng sẽ làm nổi bật sự phân cực chính trị đang tác động đến các quyết định tài chính. Cuộc khủng hoảng trần nợ, mặc dù đã được giải quyết trước khi có nguy cơ vỡ nợ, là nguyên nhân chính khiến một cơ quan xếp hạng tín dụng khác - Fitch, hạ bậc xếp hạng của Mỹ xuống một bậc vào tháng 8.

“Trong tương lai, việc hoạch định chính sách tài khóa yếu kém dẫn đến thâm hụt tài chính cao kéo dài và chi phí lãi suất cao hơn dự kiến sẽ gây áp lực lên xếp hạng hoặc triển vọng của Mỹ”,Moody's cho biết.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/moody-s-canh-bao-viec-chinh-phu-my-dong-cua-se-tac-dong-tieu-cuc-643076.html