Moody's hạ bậc triển vọng tín dụng của Mỹ xuống tiêu cực

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's hạ bậc triển vọng tín dụng của chính phủ Mỹ từ 'ổn định' xuống 'tiêu cực', với lý do thâm hụt tài khóa lớn và chi phí trả nợ tăng vọt cũng như sự phân cực chính trị sâu sắc do cuộc đối đầu không khoan nhượng của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về các dự luật ngân sách.

Mood’s hạ bậc triển vọng tín dụng của chính phủ Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, với lý do thâm hụt tài khóa lớn và chi phí trả nợ tăng vọt (do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh) và sự phân cực chính trị sâu sắc . Ảnh: Reuters/VOA

Mood’s hạ bậc triển vọng tín dụng của chính phủ Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, với lý do thâm hụt tài khóa lớn và chi phí trả nợ tăng vọt (do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh) và sự phân cực chính trị sâu sắc . Ảnh: Reuters/VOA

Báo cáo cập nhật của Moody’s, công bố hôm 10-11, giải thích việc thay đổi triển vọng tín dụng phản ánh rủi ro suy giảm ngày càng tăng đối với sức mạnh tài chính của Mỹ. Báo cáo nói thêm rằng, đà tăng mạnh mẽ của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trong năm nay “đã làm tăng áp lực vốn có đối với khả năng chi trả nợ của Mỹ”.

Moody’s cảnh báo, trong trường hợp không có hành động chính sách, khả năng chi trả nợ của Mỹ sẽ giảm hơn nữa, xuống mức rất yếu so với các quốc gia được xếp hạng tín dụng cao khác.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất từ gần 0 vào hồi 3 năm ngoái, lên biên độ 5,25-5,5% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ đó thúc đẩy lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tăng lên mức hơn 5% trong tháng 10, cao nhất kể từ năm 2007.

Ngoài chi phí lãi vay tăng mạnh, Moody’s còn nhấn mạnh những rủi ro chính trị , đáng chú ý là rủi ro gia tăng về sự chia rẽ chính trị có thể hạn chế hơn nữa tính hiệu quả của việc hoạch định chính sách để làm chậm sự xói mòn khả năng chi trả nợ của chính phủ.

Quốc hội Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn vào tháng trước, với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hòa bị phế truất sau khi đạt thỏa thuận ngân sách với Đảng Dân chủ, trong đó không bao gồm các cắt giảm chi tiêu sâu rộng.

Một thỏa thuận chi tiêu ngắn hạn được Quốc hội Mỹ thông qua hồi cuối tháng 9 sẽ hết hạn trong tuần tới. Nếu đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa không đạt thỏa thuận mới, chính quyền liên bang buộc đóng cửa một số hoạt động và cho một số nhân viên không thiết yếu phải nghỉ việc tạm thời. Cho đến nay, triển vọng cho một thỏa thuận ngân sách mới cho năm tài khóa mới vẫn còn xa vời.

Quincy Krosby, nhà chiến lược toàn cầu của LPL Financial, nói: “Đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta không còn nhiều thời gian và thị trường đang ngày càng tiến gần hơn đến mức hiểu ra rằng, chúng ta có thể bước vào một giai đoạn kịch tính khác mà cuối cùng có thể dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa”.

“Sự phân cực chính trị tiếp tục ở Quốc hội Mỹ làm tăng nguy cơ các chính phủ kế nhiệm sẽ không thể đạt được sự đồng thuận về kế hoạch tài chính nhằm làm chậm sự suy giảm khả năng chi trả nợ của chính phủ”, Moody’s cho biết trong một tuyên bố.

Việc thay đổi triển vọng tín dụng của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực có thể là dấu hiệu báo trước cho khả năng Moody’s chính thức hạ bậc tín dụng của Mỹ trong tương lai, có thể đẩy tăng chi phí vay.

Hôm 10-11, Moody’s vẫn tái khẳng định mức tín dụng hạng Aaa của Mỹ, phản ánh quan điểm của Moody’s rằng, “sức mạnh tín dụng đáng gờm của Mỹ tiếp tục bảo tồn hồ sơ tín dụng của quốc gia này”. Mood’s kỳ vọng Mỹ sẽ duy trì “sức mạnh kinh tế đặc biệt” và đánh giá rằng, “sức mạnh thể chế và quản trị của Mỹ cũng rất cao, được hỗ trợ bởi tính hiệu quả của chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô”.

Moody’s là tổ chức duy nhất trong số ba cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế hàng đầu vẫn duy trì mức xếp hạng Aaa đối với Mỹ . Hồi tháng 8, hai tháng sau khi Mỹ ngăn chặn được nguy cơ vỡ nợ vào phút cuối bằng thỏa thuận đình chỉ mức trần nợ công giữa chính phủ Mỹ và phe Cộng hòa , Fitch thông báo hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ từ Aaa xuống Aa+.

“Những bế tắc chính trị lặp đi lặp lại về trần nợ công và các giải pháp vào phút cuối đã làm xói mòn niềm tin vào quản lý tài khóa của Mỹ”, Fitch cho biết.

Tình trạng đẩy căng thẳng đến phút cuối rồi mới đạt thỏa thuận về trần nợ công cũng là nguyên nhân khiến S&P hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ Aaa xuống Aa+ vào năm 2011.

“Dù tuyên bố của Moody’s vẫn duy trì mức xếp hạng Aaa của Mỹ, nhưng chúng tôi không đồng ý với quyết định chuyển triển vọng tín dụng xuống tiêu cực. Nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ và trái phiếu chính phủ Mỹ là tài sản an toàn và có tính thanh khoản tốt nhất trên thế giới”, Wally Adeyemo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nói.

Ông Adeyemo nói thêm rằng, chính quyền đã thể hiện cam kết đối với sự bền vững tài chính, bao gồm cả việc giảm thâm hụt tài khóa hơn 1 nghìn tỉ đô la trong thỏa thuận đình chỉ trần nợ công hồi tháng 6, cũng như các đề xuất ngân sách của Tổng thống Joe Biden nhằm giảm thâm hụt trong thập niên tới.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đổ trách nhiệm về sự thay đổi triển vọng tín dụng cho các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội.

“Quyết định của Moody’s về việc thay đổi triển vọng tín dụng của Mỹ là một hậu quả khác của chủ nghĩa cực đoan và sự rối loạn chức năng của đảng Cộng hòa tại Quốc hội”, Jean-Pierre nói.

Theo Financial Times, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/moodys-ha-bac-trien-vong-tin-dung-cua-my-xuong-tieu-cuc/