Morgan Stanley: Tăng trưởng của châu Á sẽ vượt Mỹ và châu Âu trong năm nay
Theo Morgan Stanley, tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ vượt qua cả Mỹ và châu Âu trong năm nay, dẫn đầu là nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng châu Á của Morgan Stanley cho biết: “Lập luận lớn mà chúng tôi đang đưa ra là châu Á, bao gồm cả Nhật Bản sẽ vượt trội so với Mỹ và châu Âu do sức mạnh nhu cầu trong nước”.
“Trung Quốc là một trong số đó. Quốc gia này đang phục hồi khá tốt nhờ mở cửa trở lại, nhưng cũng vì chính sách tài khóa và tiền tệ đang hỗ trợ”, nhà kinh tế Chetan Ahya cho biết.
Bên cạnh đó, ba nền kinh tế lớn khác của châu Á là Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản cũng đang cho thấy nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
“Chúng tôi đang kỳ vọng mức tăng trưởng của khu vực sẽ vượt trội khoảng 5% vào cuối năm nay”, nhà kinh tế Chetan Ahya cho biết.
Dự báo lạc quan của ông đối với khu vực tương ứng với quan điểm mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng châu Á Thái Bình Dương vẫn là một khu vực năng động bất chấp một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế thế giới.
Tuần trước, IMF đã chỉ ra rằng nhu cầu trong nước của châu Á cho đến nay vẫn mạnh mặc dù thắt chặt tiền tệ.
“Chúng tôi dự đoán khu vực này sẽ đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay khi tốc độ mở rộng của nó tăng lên 4,6% từ 3,8% vào năm ngoái”, IMF cho biết.
Bất động sản Trung Quốc phục hồi
Vào thứ Ba (18/4), Trung Quốc dự kiến sẽ công bố dữ liệu GDP quý I. Theo một cuộc khảo sát của Reuters với các nhà kinh tế ước tính rằng GDP quý I/2023 của Trung Quốc sẽ tăng 4%.
Nhà kinh tế Chetan Ahya cho biết, sự phục hồi của Trung Quốc “đang diễn ra tốt hơn mong đợi của mọi người” và ông không xem lạm phát là rủi ro lớn đối với nước này.
“Lạm phát là một điểm dữ liệu bị trễ và tôi không nghĩ chúng ta nên nhìn vào con số lạm phát và kết luận rằng sự phục hồi đang không đi đúng hướng”, ông cho biết, đồng thời cho biết thêm, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang “phục hồi mạnh mẽ” sẽ góp phần vào đà tăng trưởng.
Một cuộc khảo sát trong quý I do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố gần đây cho thấy, nhiều người ở Trung Quốc đã muốn mua nhà trở lại. Nhu cầu bắt đầu hồi phục sau khi nước này kết thúc các biện pháp kiểm soát Covid. Chính quyền trung ương và địa phương cũng đã triển khai hỗ trợ cho việc mua và phát triển bất động sản trong năm ngoái.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng kỳ vọng các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng hơn so với ước tính trước đây, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ trong các hoạt động ở Trung Quốc, đồng thời khu vực này không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngân hàng toàn cầu.
Kết quả là đã có một sự tăng tốc đáng kể trong tăng trưởng tín dụng bởi vì cả người đi vay và người cho vay đều có tâm lý chấp nhận rủi ro.
“Ấn Độ cũng đang thực hiện các cải cách về phía cung nhằm thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp và khôi phục đầu tư tư nhân. Ấn Độ là một câu chuyện về cả yếu tố cấu trúc và chu kỳ kết hợp với nhau”, nhà kinh tế Chetan Ahya cho biết.