'Mortal Kombat' - đúng với tinh thần bạo liệt của nguyên tác trò chơi
Bộ phim đầu tay của đạo diễn Simon McQuoid tôn trọng tinh thần trò chơi gốc, từ trang phục, tạo hình, cho tới lối chiến đấu và hiệu ứng đòn đánh của các nhân vật.
Thể loại: Võ thuật, giả tưởng
Đạo diễn: Simon McQuoid
Diễn viên: Lewis Tan, Ludi Lin, Chin Han, Joe Taslim, Hiroyuki Sanada
Đánh giá: 7/10
Fan lâu năm của dòng game đối kháng Mortal Kombat cuối cùng đã có thể ăn mừng.
Tác phẩm điện ảnh chuyển thể cùng tên mới nhất đem đến bữa tiệc chiến đấu 18+ máu me đúng chất. Quy tụ dàn diễn viên đa sắc tộc, bộ phim Mortal Kombat đủ sức khiến người xem bất ngờ, bất chấp những hạn chế của thể loại phim chuyển thể từ trò chơi và kinh phí sản xuất khiêm tốn.
Nội dung đơn giản, không vòng vo
Ra mắt từ năm 1992, Mortal Kombat trở thành một phần tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X với cốt truyện xoay quanh giải đấu sinh tử giữa các nhà vô địch. Dẫu vậy, những người không quen với hình ảnh logo đầu rồng có thể cảm thấy chút hoang mang khi lần đầu đọc về lịch sử phức tạp giữa các bang phái, thế lực, cõi giới trong vũ trụ của Mortal Kombat.
Bộ phim giải quyết tất cả bằng cốt truyện tinh giản đến mức ngốc nghếch. Mở đầu bằng cảnh đồ sát thương tâm một gia tộc, Mortal Kombat sớm hé lộ chân dung nhân vật chính Cole Young (Lewis Tan) - một sáng tạo hoàn toàn mới so với nguyên tác.
Nhân vật ác nhân cũng xuất hiện từ đầu, công khai âm mưu giành chiến thắng đơn giản đến mức khó tin. Sau đó, nhóm nhà vô địch của Địa Giới (Earthrealm) hợp lực trong một cuộc chiến long trời lở đất. Cứ mỗi 10 phút, các nhân vật lại tìm thấy cớ để đánh lộn, qua đó rút ngắn thời lượng của những câu thoại vô nghĩa.
Võ thuật đẹp mắt, bạo lực lên ngôi
Khi nội dung không phải là điều mà bộ phim muốn chú trọng, người xem lại đặc biệt ấn tượng trước các pha hành động mãn nhãn. Đặc sản của dòng game Mortal Kombat là những đòn đánh hiểm hóc, đẫm máu và những chiêu thức dứt điểm (finish) bằng cái chết của đối phương (fatality).
Đạo diễn Simon McQuoid trong tác phẩm điện ảnh đầu tay đã mạnh dạn sống cùng tinh thần của trò chơi gốc. Các pha chiến đấu, dù của người thường như đòn bẻ cổ trong MMA hay đối kháng bằng siêu sức mạnh (như cảnh lửa đấu với siêu tốc độ), đều rất khốc liệt.
Đi cùng phần hình ảnh máu me là hiệu ứng âm thanh ấn tượng: từ tiếng lách tách khi băng được thi triển trên cơ thể của Sub-Zero cho đến những tiếng vỡ (xương), máu trào hay cơ thể ai đó rơi xuống mặt đất.
Hình ảnh nhân vật bị xé làm đôi, bẻ mất tay hay tan xương nát thịt do vũ khí liên tục xuất hiện. Một mặt, những chi tiết này có tác dụng gây sốc. Nhưng quan trọng hơn, đây chính là tinh thần mà toàn bộ thương hiệu trò chơi sở hữu. Bám sát nguyên tác từ phục trang cho đến phong cách, ê-kíp của Mortal Kombat hẳn sẽ khiến người hâm mộ trò chơi hài lòng sau hàng loạt tác phẩm chuyển thể “mất chất”.
Câu thoại kinh điển “Get Over Here!” (Nộp mạng cho ta!) xuất hiện đúng lúc đúng chỗ, tri ân một tượng đài của ngành công nghiệp trò chơi điện tử.
Dàn diễn viên thực lực
Một lý do tạo nên thành công cho phần hành động trong Mortal Kombat là kinh nghiệm của các diễn viên. Loạt cảnh chiến đấu là sự kết hợp ấn tượng giữa trình độ võ thuật và hiệu ứng kỹ xảo, cũng như được hỗ trợ đáng kể bởi khả năng thiên bẩm của dàn diễn viên vốn có cả kinh nghiệm lẫn đam mê.
Trong khi nam chính Lewis Tan sinh ra trong gia đình nhà nòi có bố là võ sư kiêm diễn viên đóng thế, thì vai Scorpion được trao cho gương mặt quen thuộc Hiroyuki Sanada - người có đến gần 50 năm tập võ. Lâm Lộ Địch vào vai Liu-Kang từng tập Muay Thái, Jiu-Jitsu và vật Olympic. Ngoài ra, Joe Taslim trong vai Sub-Zero có quãng thời gian hơn 10 năm là thành viên của đội tuyển Judo quốc gia Indonesia.
Trong buổi phỏng vấn với trang Collider, nhà sản xuất Todd Garner chia sẻ rằng để các cảnh hành động trở nên đẹp mắt, nhất cử nhất động của nhân vật đều được “khớp” với nhau theo nhịp tựa như một điệu nhảy.
Hầu hết dàn diễn viên đều đã có kinh nghiệm trong võ thuật. Hiểu rằng để tạo ra các cảnh chiến đấu hay, họ không chỉ đơn giản đánh nhau trên màn ảnh. Khán giả có thể thấy sự chân thực và thực lực trong từng đòn thế, thậm chí cả sự phấn khích của diễn viên được gửi gắm vào một dự án hạng trung như Mortal Kombat.
Có một lời nguyền đối với dòng phim chuyển thể từ trò chơi, rằng hầu hết đều là những dự án thất bại. Từ Assassin’s Creed, Hitman: Agent 47 cho đến Max Payne, phim điện ảnh chuyển thể từ game vật vã với bài toán đưa những nguyên liệu từ trò chơi lên màn ảnh, cần phải vừa chiều lòng giới game thủ, vừa tiếp cận đối tượng khán giả mới.
Mortal Kombat đã tiết chế câu chuyện đủ để người xem đại chúng hiểu được điều gì đang xảy ra, đồng thời giữ lại những thứ tinh túy từng làm nên bản sắc cho trò chơi gốc. Có thể nói bộ phim đã đem đến gần hai tiếng vui vẻ cho người hâm mộ nguyên tác lẫn những ai yêu thích thể loại võ thuật.