Moscow mời Ấn Độ tham gia hậu cần Tuyến đường biển Bắc

Trung Quốc và Ấn Độ được mời chào để nâng cấp hạ tầng hậu cần Viễn Đông Nga, thúc đẩy chế biến hải sản, lọc dầu và thương mại hàng hải.

Hợp tác Nga - Ấn Độ đã được đẩy mạnh đặc biệt trong 2 năm qua.

Hợp tác Nga - Ấn Độ đã được đẩy mạnh đặc biệt trong 2 năm qua.

Thống đốc vùng Sakhalin Valery Limarenko tại phiên họp của Diễn đàn kinh tế phương Đông mới đây đã đưa ra lời chào mời các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và Ấn Độ cùng xây dựng hạ tầng cơ sở Viễn Đông ở Vladivostok.

Thống đốc Limarenko nhấn mạnh về dự án hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Cảng Korsakov, nằm ở phía nam Đảo Sakhalin. Cảng này dự kiến sẽ trở thành một trong những điểm quay vòng của Tuyến đường biển phía Bắc (NSR). Một khi được nâng cấp, nó sẽ thay đổi hậu cần chế biến cá và hải sản, chuyển từ Busan, Hàn Quốc đến bờ biển Sakhalin và tạo ra các ngành công nghiệp mới trong khu vực.

Cảng sẽ có một bến container lớn và một hệ sinh thái riêng để lọc các sản phẩm dầu, bao gồm một nhà máy lọc dầu cho nhiên liệu hàng không.

Ông Limarenko lưu ý rằng các công ty Ấn Độ đã đầu tư vào ngành dầu khí Viễn Đông trong nhiều thập kỷ và với các dự án phát triển mới này, quan hệ đối tác lâu dài này sẽ càng được nâng tầm.

Đại sứ Ấn Độ tại Nga, Vinay Kumar đã bày tỏ sự đồng thuận về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác Nga - Ấn, đặc biệt là tại khu vực này.

Ông Kumar cho biết, Nga vẫn là đối tác lớn nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng, bao phủ toàn bộ phổ năng lượng từ năng lượng hạt nhân đến nhiên liệu hóa thạch.

Ông khẳng định: “Ngành năng lượng vẫn là nền tảng của hợp tác song phương. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ phù hợp với nguồn năng lượng dồi dào của Nga.”

Thương mại song phương giữa hai quốc gia đã tăng gấp sáu lần trong hai năm qua, chủ yếu là do Ấn Độ mua dầu thô của Nga. Năm 2023, kim ngạch thương mại ghi nhận hơn 65 tỷ USD.

Ấn Độ không ủng hộ lệnh trừng phạt đối với Nga bất chấp áp lực từ các đối tác phương Tây, và trên thực tế đã tăng cường mua dầu của Nga. Gần đây, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước mua dầu thô lớn nhất của Nga.

Điều này không chỉ giúp chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo đảm bảo các cam kết đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của đất nước và mang lại lợi ích kinh tế xã hội cho hàng trăm triệu người dân Ấn Độ, mà còn đưa quốc gia Nam Á này trở thành một trong những nước xuất khẩu hóa dầu hàng đầu sang châu Âu.

Bộ trưởng Dầu mỏ Hardeep Singh Puri nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn gần đây với RT rằng nếu không có dầu của Nga trên thị trường, giá dầu toàn cầu sẽ đạt 250-300 USD/thùng.

Nga - Ấn Độ hài lòng với tuyến thương mại hàng hải mới

Bên cạnh việc thúc đẩy giao thương hàng hóa vốn có cán cân khá chênh lệch, Nga và Ấn Độ cũng tìm kiếm các khoản đầu tư vào Hành lang Hàng hải phía Đông (EMC) và Siberia.

EMC là tuyến đường biển được đề xuất kết nối cảng Chennai của Ấn Độ với cảng Vladivostok của Nga. Tuyến đường này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại than cốc, dầu thô, LNG, phân bón và container.

EMC sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển từ hơn 40 ngày xuống chỉ còn 24 ngày, cung cấp cho Ấn Độ một tuyến đường ngắn hơn và hiệu quả hơn để tiếp cận các thị trường ở Viễn Đông, bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản.

Đáng chú ý hơn nữa, Ấn Độ vốn phụ thuộc rất nhiều vào Kênh đào Suez để giao thương với châu Âu, Tây Á và châu Phi, phải đối mặt với những hậu quả đáng kể từ cuộc khủng hoảng Biển Đỏ, vì khoảng 60% lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đến từ Trung Đông.

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã chuyển sự chú ý sang EMC và đang đóng vai trò then chốt cho sự phát triển tương lai của quan hệ song phương Nga - Ấn.

EMC đã không chỉ là tuyến đường thương mại mà còn là hành lang chiến lược có thể tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và Nga trong lĩnh vực năng lượng, cũng như các lĩnh vực khác như tuyến đường Bắc Cực và Biển Bắc (NSR).

 Tàu chở hàng và hành khách Pavel Leonov, di chuyển giữa Đảo Sakhalin thuộc Viễn Đông và Quần đảo Kuril, tại cầu tàu ở cảng Korsakov, Sakhalin, Nga. Ảnh: Sputnik

Tàu chở hàng và hành khách Pavel Leonov, di chuyển giữa Đảo Sakhalin thuộc Viễn Đông và Quần đảo Kuril, tại cầu tàu ở cảng Korsakov, Sakhalin, Nga. Ảnh: Sputnik

Về đầu tư, Ấn Độ đã tích cực tham gia vào khu vực Bắc Cực trong nhiều năm. Ví dụ, trong bảy tháng đầu năm 2023, Ấn Độ chiếm 35% trong số tám triệu tấn hàng hóa được xử lý bởi cảng Murmansk.

Tribhuvan Darbari, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Ấn Độ - Nga, nhận định: các khoản đầu tư của các công ty năng lượng Ấn Độ vào lĩnh vực hydrocarbon của Nga cũng sẽ đảm bảo nguồn cung dầu ổn định cho Ấn Độ, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Viễn Đông của Nga.

Các công ty nhà nước Ấn Độ đã đầu tư khoảng 16 tỷ USD vào các tài sản dầu khí ở Viễn Đông và Đông Siberia, bao gồm Sakhalin-1, Vankor và Taas-Yuryakh, và đã cân nhắc đầu tư nhiều hơn vào dự án dầu khí khổng lồ Vostok của Rosneft tại khu vực Bắc Cực của Vùng Krasnoyarsk. Sau khi đạt công suất tối đa, dự án này sẽ sản xuất 50-100 triệu tấn dầu mỗi năm.

Bạch Liên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/moscow-moi-an-do-tham-gia-hau-can-tuyen-duong-bien-bac-post699597.html