Một bài thơ hay của Nghiêm Huyền Vũ
Tôi đã đọc mấy tập thơ của Nghiêm Huyền Vũ. Anh viết về khá nhiều đề tài, chứng tỏ sự lịch lãm và một vốn sống ngồn ngộn, tươi ròng. Mảng thơ tình đậm đặc hơn. Nhìn chung, thơ Nghiêm Huyền Vũ hiền hòa, hay ở bài, chứ không có nhiều lấp lánh ở câu ở chữ. Nó như một tiếng hát ngọt ngào, một dòng suối êm đềm, tình thơ sáng đẹp và thuần khiết...
QUÁ KHỨ
(Kính tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng)
Đã dần xa, dần xa
một thời đầy máu lửa
trên nấm mộ mồ côi
đã những mùa hoa cỏ
Dưới đáy sông thời gian
lắng chìm bao mảnh vỡ
sự đời vẫn hai bờ
nhà mẹ nằm bên lở
Tay run hay đèn run
Mà nhang không bén lửa
mẹ đứng trước bàn thờ
xung quanh là quá khứ
Đã dần xa, dần xa
những mất còn, dang dở
khoảng trời mẹ bây giờ
là khói sương mờ tỏ
Thấp dần dưới bóng chiều
mẹ vẫn ngồi bên cửa
mơ một người áo xanh
trở về từ quá khứ.
Tháng 3/1995
Tôi đã đọc mấy tập thơ của Nghiêm Huyền Vũ. Anh viết về khá nhiều đề tài, chứng tỏ sự lịch lãm và một vốn sống ngồn ngộn, tươi ròng. Mảng thơ tình đậm đặc hơn. Nhìn chung, thơ Nghiêm Huyền Vũ hiền hòa, hay ở bài, chứ không có nhiều lấp lánh ở câu ở chữ. Nó như một tiếng hát ngọt ngào, một dòng suối êm đềm, tình thơ sáng đẹp và thuần khiết...
Bài thơ "Quá khứ" trong tập "Chuyến tốc hành thời gian" của Nghiêm Huyền Vũ viết về một góc khuất của chiến tranh, về người mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng lại là người phải gánh chịu nhiều đau thương nhất. Chiến tranh qua đi, đứa con trai duy nhất của mẹ không trở về, còn đó nỗi đau đè nặng trên vai mẹ suốt cả cuộc đời.
Tác giả viết: "Đã dần xa, dần xa / một thời đầy máu lửa/ trên nấm mộ mồ côi/ đã những mùa hoa cỏ". Như thế là đứa con yêu quý của mẹ đã nằm lại ở chiến trường xa xôi, ở "mặt trận phía Tây, phía Nam" gì đó, mẹ làm sao biết được! Mấy mươi năm rồi, chắc là "nấm mộ mồ côi" của con mẹ, cũng "đã những mùa hoa cỏ", ai biết, ai hay!
Thế là chiến tranh, "một thời máu lửa" đã dần lui vào quá khứ. Cuộc sống hòa bình đang mới lên từng ngày, và "trên nấm mộ mồ côi/ đã những mùa hoa cỏ"… Người ta dần nguôi đi nỗi buồn khủng khiếp của chiến tranh. Những con người của "một thời máu lửa" ấy, nếu may mắn sống sót trở về, cũng dần rụng rơi theo năm tháng cỗi cằn. Còn như những người hậu sinh, được thụ hưởng hạnh phúc thời bình, có thể họ biết đấy, rằng dân tộc ta đã có một thời máu lửa, mới đây thôi, nhưng nghĩ gì về nó, biết về nó bao nhiêu… thì thật khó định hình, cũng rất khó định lượng!
Rồi tác giả suy tư về sự đời. Anh ví thời gian như một dòng sông vô tận vô cùng, mà dưới đáy sông kia bây giờ còn "lắng chìm bao mảnh vỡ". Phải chăng, đó chính là những mảnh vỡ ký ức, mà phần nhiều là những ký ức đau buồn, mất mát, còn găm vào trái tim cả dân tộc này, kể cả những người ở bên kia chiến tuyến, kể cả những kẻ từng đến đây gây chuyện đau thương cho đất nước này?
Nhưng mà "sự đời vẫn hai bờ/ nhà mẹ nằm bên lở". Cái bờ vui bên bồi, còn cái bờ buồn thì bên phía nhà mẹ, cứ "lở" mãi như chẳng bao giờ hết. Đó là một hiện hữu không thể đắp bồi, cũng là một nghịch lý của sự đời, làm sao có thể khỏa lấp được đây?
Cho nên:
Tay run hay đèn run
mà nhang không bén lửa
mẹ đứng trước bàn thờ
xung quanh là quá khứ…
Đó là mấy câu thơ tả mẹ trước bàn thờ con, chính xác và cảm động. "Lá vàng còn ở trên cây/ lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời!" (Ca dao).
Bà mẹ già thắp nhang trước bàn thờ con, riêng điều nghịch lý ấy đã là một nỗi đau khôn xiết, huống chi… Huống chi tay yếu lưng còng, huống chi mỗi khi nghĩ thương con mình chết trẻ, chả còn bao giờ lớn lên bên mẹ được nữa? Và rồi đây, biết còn ai chăm sóc mẹ lúc tuổi già?
Một câu hỏi đã có trả lời, lại gợi thêm nhiều trắc ẩn. Chả biết mẹ nói thầm với đứa con trai yêu quý của mẹ những điều gì, chỉ thấy "xung quanh là quá khứ" ngổn ngang, bề bộn… Bây giờ mẹ được phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam Anh hùng", đương nhiên, đó là một vinh dự vô cùng to lớn. Hào quang rực rỡ xung quanh mẹ, Tổ quốc ghi ơn những người giàu đức hy sinh như mẹ. Nhưng với mẹ, giờ đây những điều ấy có ý nghĩa gì đâu! Trong căn phòng nhỏ bé lặng lẽ khói hương, sao mà trống vắng thế. Chỉ thấy "xung quanh là quá khứ", chập chờn ẩn hiện hình bóng đứa con yêu, gần lắm, mà như xa thăm thẳm…
Nếu không là người trong cuộc, từng trải việc đời, nghĩ nhiều, cảm nhiều về sự đời chìm nổi, sao có được những câu thơ giản dị mà đằm sâu đến thế!
Nhưng mà cũng "đã dần xa, dần xa/ những mất còn, dang dở". Tất cả đã thuộc về quá khứ. "Khói bom tan rồi, còn lại mẹ thôi"… Chỉ còn lại mẹ thôi, với "khói sương mờ tỏ", như một khoảng trời riêng, cất giấu những nỗi niềm không sao tả được…
Kết thúc bài thơ, lại trở về với hình ảnh mẹ già cô đơn ngồi bên cửa, nhưng cứ "thấp dần đi dưới bóng chiều", rồi "mơ một người áo xanh/ trở về từ quá khứ".
Hình ảnh mẹ "thấp dần đi dưới bóng chiều", vừa thực, vừa mang nghĩa ẩn dụ, khái quát. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, vô cảm. Còn mẹ vẫn ngồi bên bậu cửa, ngày ngày trông ngóng đứa con thương yêu của mẹ, một anh lính áo xanh mười tám đôi mươi khoác ba lô về thăm mẹ. Rồi mẹ cũng dần cũ đi, cỗi cằn đi, thấp dần đi theo bóng ngả về chiều, mà lạ thay, mẹ vẫn cố níu giữ một giấc mơ không bao giờ trở thành hiện thực. Có lẽ, những giấc mơ đứa con trai của mẹ trở về từ quá khứ, đã khiến mẹ gượng đứng lên chống chọi với tuổi già. Niềm hy vọng mong manh kia, rồi ra cũng sẽ tàn úa, teo tóp dần đi theo bóng ngả về chiều… Và chính điều ấy lại khắc sâu thêm nỗi đau trong lòng những người đang sống hôm nay!...
Bài thơ ngũ ngôn, năm khổ, không thấy đẽo gọt chạm khắc gì nhiều, nhưng tình thơ thì nồng hậu, chân thành, thấm sâu vào lòng người đọc. Đó là thứ thơ tuôn trào từ trái tim, không cần phải trang sức, không ưa sự trang sức!
Một đề tài đã có nhiều người viết, và cũng đã có nhiều người viết hay về nó. Nghiêm Huyền Vũ đã tìm ra cách thể hiện riêng, bằng những quan sát tinh tế, gần gũi mà giàu biểu cảm. Tôi cho rằng, dân tộc ta phải tri ân những nghệ sĩ đã góp vào kho tàng văn học nghệ thuật nói chung, những tác phẩm viết về chiến tranh rất có giá trị, như những viên ngọc quý. Bảo lưu, trân trọng, giữ gìn cho các thế hệ mai sau như một di sản văn hóa phi vật thể, như một tiếng nói tố cáo và phản kháng chiến tranh, chẳng phải thơ ca đương đại đã và đang góp phần không hề nhỏ, để làm nên điều đó hay sao? Và nếu không như thế, thì đất nước nhỏ bé này, lửa chiến tranh đã cháy mấy ngàn năm, biết lấy gì để nói, biết lấy gì làm điểm tựa để đứng lên, tỏ mặt rạng rỡ với người đời trên khắp bốn biển năm châu?...
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tho/mot-bai-tho-hay-cua-nghiem-huyen-vu-i706270/