Một bé gái 15 tháng tuổi bị rắn cổ đỏ cắn tử vong

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết vừa có một trường hợp bé gái 15 tháng tuổi bị rắn cắn dẫn đến tử vong. Đây là loại rắn cổ đỏ (còn có tên gọi là rắn 'học trò') có màu sắc đẹp và nhiều người thích nuôi.

Trước đó, khoảng 4h ngày 29/3, bé gái N.T.N.T ngụ Đồng Tháp đang chơi ở sân nhà thì bị rắn cắn và chảy máu ở bên cánh tay. Người nhà đắp lá thuốc cho bé nhưng máu vẫn chảy liên tục. Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ đã dùng thuốc chống rối loạn đông máu, băng ép và truyền 4 lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre. Tuy nhiên, bé vẫn bị chảy máu nhiều nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM vào ngày 30/3.

Rắn cổ đỏ. Ảnh: WIKIPEDIA.

Rắn cổ đỏ. Ảnh: WIKIPEDIA.

Sau một ngày nhập viện, đối chiếu hình ảnh, xác định bé bị rắn cổ đỏ cắn, xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị rối loạn đông máu nhiều, được truyền huyết tương đông lạnh và băng ép tại chỗ. Các bác sĩ ngay lập tức liên lạc với Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi có nghiên cứu về rắn này nhưng được biết, ở Việt Nam chưa có kháng huyết thanh cho loại rắn cổ đỏ.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, đã liên hệ nhiều nước để tìm kiếm kháng huyết thanh cho loại rắn này nhưng không có. Trong quá trình điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bệnh nhi bị bầm ở mắt, mặt, dưới da rất là nhiều. Mặc dù các bác sĩ nỗ lực hết sức nhưng bệnh nhi bị suy hô hấp và tử vong sau 2 ngày điều trị.

Từ tai nạn thương tâm trên, bác sĩ Đinh Tấn Phương cảnh báo về loại rắn cổ đỏ mà một số nơi còn gọi là rắn hổ lửa. Về hình dạng, rắn có màu xanh đen, khúc cổ màu đỏ, ở một số vùng có màu vàng, thân hình có màu vằn đen, đuôi xanh. Loại rắn này độc nhưng nhiều người thích nuôi bởi màu sắc đẹp.

Bác sĩ Phương khẳng định đây là rắn độc, không nên nuôi trong nhà. Người lớn cũng không nên ăn hay ngâm rượu rắn cổ đỏ bởi nọc độc không biến thể bởi nhiệt, axit, rượu: "Con rắn cổ đỏ khi cắn xong thì không gây tử vong liền, tại vì nó gây ra rối loạn đông máu. Sự nguy hiểm với tính mạng khi sự rối loạn máu ngày càng tăng lên, bệnh nhân sẽ nặng, xuất huyết đa cơ quan, xuất huyết máu, thậm chí có thể chảy máu ở tất cả các nơi, xuất huyết não"./.

Kim Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mot-be-gai-15-thang-tuoi-bi-ran-co-do-can-tu-vong-848494.vov