Một bệnh nhân Covid-19 tiên lượng tử vong
Trường hợp này đã lớn tuổi, mắc nhiều bệnh lý nền đi kèm như tăng huyết áp, tiểu đường.
Chiều 19/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có buổi Hội chẩn quốc gia bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng trên toàn quốc.
Buổi làm việc trực tuyến có sự tham gia của Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng, Giáo sư, tiến sĩ Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà - Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam và gần 100 chuyên gia, cán bộ y tế khác.
Các chuyên gia đã hội chẩn 3 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Đây là 3 trường hợp cao tuổi, mắc nhiều bệnh lý nền đi kèm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Đặc biệt là BN1536, 79 tuổi, đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Bệnh nhân được đánh giá rất nặng, tiên lượng tử vong do tuổi đã cao. Trường hợp này đã điều trị tăng huyết áp và tiểu đường hơn 10 năm. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã áp tất cả phương pháp điều trị và huy động những loại thuốc tốt nhất.
Trước đó, BN1536 từ Mỹ về Việt Nam, nhập viện vào ngày 15/1. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 trên bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường type 2, suy tim; biến chứng rối loạn nhịp, rối loạn đông máu. Trong quá trình điều trị, cùng với nhiều giải pháp chuyên môn khác, bệnh nhân đã được chỉ định can thiệp ECMO.
Trường hợp thứ 2 là BN1823, 65 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày thứ 12. BN1823 bị tiểu đường, bắt đầu suy hô hấp từ ngày 7/2. Đến ngày 9/2, bệnh nhân phải thở máy, lọc máu và can thiệp ECMO. Đến nay, người này đã phải thở máy ngày 11 và chạy ECMO sang ngày thứ 6.
Các chuyên gia chẩn đoán BN1823 có đờm đặc, run cơ nhiều, bụng mềm, chướng vừa, xuất huyết dưới da bụng. Bệnh nhân đã có 5 lần xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được các bác sĩ tiên lượng nguy kịch.
Trường hợp thứ 3 là một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương). Người này phải thở máy xâm nhập, bạch cầu tăng, tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân được phát hiện trong cộng đồng, là F2, tự cách ly tại nhà. Trong khi đó, F1 của bệnh nhân cách ly tập trung đã âm tính 3 lần.
Ngày 17/2, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao kèm khó thở và được chuyển vào Trung tâm Y tế Kinh Môn làm xét nghiệm. Ngày 18/2, bệnh nhân được chuyển viện Bệnh viện dã chiến số 2.
Các thành viên Hội đồng chuyên môn đã trao đổi kỹ về những ca bệnh trên để đưa ra ý kiến chuyên môn với từng trường hợp như vấn đề xét nghiệm, cấy vi sinh, huyết học, liều lượng sử dụng thuốc, dinh dưỡng….
Theo báo cáo của Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, tính đến ngày 19/2, Việt Nam hiện có 714 bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị trên cả nước. Trong đó, 83,3% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng; 14,2% trường hợp gặp biểu hiện nhẹ. Đặc biệt, 15 ca bệnh tiên lượng nặng, chiếm 2,1%. Một bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập. Hai trường hợp khác được đánh giá là nguy kịch, phải can thiệp ECMO.
Ông Khuê cũng đề nghị các cán bộ y tế bám sát hoạt động, khuyến cáo của Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn. Phó giáo sư Khuê đề nghị các cán bộ y tế nỗ lực, tận tâm, đảm bảo thời gian và đáp ứng chuyên môn với từng cơ sở y tế tại Hải Dương. Việc cử cán bộ tới hỗ trợ phải được quản lý, theo dõi và báo cáo thường xuyên về Cục quản lý Khám, chữa bệnh và Tiểu ban Điều trị.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-benh-nhan-covid-19-tien-luong-tu-vong-post1185323.html