Một bệnh nhân tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương

Sáng 18.5, Báo Hải Dương nhận được phản ánh của người nhà một bệnh nhân bị tử vong khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương nhưng nguyên nhân được bệnh viện giải thích chưa thỏa đáng.

Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông L. tử vong do phản vệ mức độ 4 với kháng sinh Ceftizoxim. Trong ảnh: Lọ thuốc tiêm do bệnh viện cung cấp

Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông L. tử vong do phản vệ mức độ 4 với kháng sinh Ceftizoxim. Trong ảnh: Lọ thuốc tiêm do bệnh viện cung cấp

Anh T.V.B., người nhà của bệnh nhân cho biết người bị tử vong là ông T.V.L. (58 tuổi) ở khu dân cư Hoàng Gián, phường Hoàng Tiến (Chí Linh). Sau khi thăm khám tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh, ngày 17.5, ông L. được chuyển đến điều trị nội trú tại Khoa Ngoại 3 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) do đau vùng cạnh hậu môn. Tại đây, ông L. được chẩn đoán bị áp xe cạnh hậu môn và áp xe đường rò.

18 giờ 30 ngày 17.5, bệnh nhân đã được phẫu thuật làm sạch ổ ép xe, cắt đường rò. Trong quá trình phẫu thuật và theo dõi sau hồi tỉnh, bệnh nhân không có biểu hiện bất thường. Hơn 22 giờ cùng ngày, ông L. được chuyển về Khoa Ngoại 3 điều trị hậu phẫu. Khi về khoa, ông L. vẫn bình thường, tỉnh táo nên được các bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Sau khi tiêm thuốc kháng sinh, bệnh nhân có biểu hiện khác thường như sùi bọt mép, phần thân dưới bị tê. “Lúc đó tôi đã đề nghị bệnh viện cấp cứu tích cực đến khi người nhà tôi từ Hà Nội về nhưng không kịp. Người thân của tôi đã không qua khỏi. Tôi muốn bệnh viện làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết”, anh B. đề nghị.

Trước phản ánh của anh B., phóng viên Báo Hải Dương đã làm việc với bác sĩ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Ông Đức cho biết bệnh viện xác nhận ông L. tử vong do phản vệ mức độ 4 với kháng sinh Ceftizoxim.

Theo báo cáo của bệnh viện, trước khi phẫu thuật, ông L. đã khám lâm sàng, được chỉ định điều trị nội trú và phẫu thuật phù hợp với tình trạng bệnh. Kíp trực đã thực hiện đầy đủ quy trình phẫu thuật. Quá trình phẫu thuật bảo đảm các yếu tố an toàn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được đưa về Khoa Ngoại 3 điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định. Tại đây, sau khi tiêm kháng sinh Ceftizoxim, bệnh nhân khó chịu, vật vã, ngứa, nổi mẩn đỏ trên da, mạch nhanh. Sau khi xác định ông L. bị sốc phản vệ thuốc kháng sinh, bệnh viện đã cấp cứu theo phác đồ xử trí cấp cứu phản vệ của Bộ Y tế. Sau 3 phút cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng. Các bác sĩ tiếp tục thực hiện cấp cứu theo đúng phác đồ quy định của Bộ Y tế. Đến 22 giờ 28 ngày 17.5, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, mất ý thức, mạch không bắt được, ngừng thở. Sau đó kíp xử lý của bệnh viện tiếp tục thực hiện quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng cách ép tim, bóp bóng, đặt nội khí quản và hồi sức tích cực. Đến 23 giờ cùng ngày, bệnh nhân hôn mê, mạch, huyết áp không đo được, đồng tử giãn, điện tim có hình ảnh rung thất. Các bác sĩ đã xử trí sốc điện 3 lần nhưng không có kết quả. Đến 1 giờ ngày 18.5 bệnh nhân tử vong. “Đây là sự cố y khoa nghiêm trọng. Bệnh viện đã cấp cứu, hồi sức theo đúng phác đồ của Bộ Y tế”, ông Đức khẳng định.

Được biết, sau khi người bệnh tử vong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã thông báo cho Công an TP Hải Dương vào cuộc điều tra làm rõ. Theo thông tin riêng của phóng viên, trong ngày 18.5, đoàn cán bộ pháp y trung ương đã về làm việc, tìm hiểu nguyên nhân cái chết của ông L.

Phóng viên Báo Hải Dương sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/mot-benh-nhan-tu-vong-sau-tiem-thuoc-khang-sinh-tai-benh-vien-da-khoa-tinh-hai-duong-203994