Một bệnh viện ở TP.HCM ghi nhận gần 1.000 ca 'trẻ em sinh ra trẻ em'

Trong vòng 2 năm, Bệnh viện Hùng Vương ghi nhận 992 trường hợp trẻ dưới 16 tuổi mang thai và sinh con. Con số này báo động về bạo lực giới và xâm hại tình dục ở TP.HCM.

 Báo động tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Báo động tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Thông tin được đưa ra trong buổi ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em và người bị bạo lực, xâm hại tại TP.HCM ngày 28/5.

Đây là con số ghi nhận từ hoạt động khám và điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương, nơi đang vận hành thí điểm mô hình “một cửa” đầu tiên - mô hình Bồ Công Anh do UN Women, Tổ chức PE&D và các đối tác hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực.

Trong đó, 798 trường hợp “trẻ em sinh ra trẻ em” không sử dụng dịch vụ do mô hình cung cấp với nhiều lý do khác nhau. 224 trường hợp nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục được hỗ trợ trực tiếp, trong đó 194 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi đã mang thai và sinh con.

"Những con số này không chỉ gây sốc mà còn là lời cảnh tỉnh sâu sắc về tình trạng bạo lực giới, xâm hại tình dục và sự tổn thương mà nhiều trẻ em đang phải gánh chịu ngay giữa một đô thị hiện đại như TP.HCM", ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu.

Mô hình “một cửa” là cách tiếp cận liên ngành nhằm hỗ trợ nạn nhân bạo lực, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Thay vì phải đi qua nhiều cơ quan như trước đây, họ có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, tư pháp, chăm sóc sức khỏe tâm thần, hỗ trợ lưu trú và kết nối xã hội tại một địa điểm duy nhất.

Từ những kết quả thực tiễn và dữ liệu thực chứng tại mô hình Bồ Công Anh, TP.HCM đã quyết định nhân rộng mô hình ra ba bệnh viện mới, gồm Bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.

Tại đây, bệnh nhân có dấu hiệu bị xâm hại, bạo lực sẽ được chuyển đến Phòng “một cửa” để phối hợp cùng các cơ quan liên quan: Công an, Tư pháp, Sở Nội vụ, Hội/Đoàn thể, chính quyền địa phương… nhằm hỗ trợ kịp thời và bảo mật thông tin tối đa.

Trường hợp cần tạm lánh khẩn cấp sẽ được chuyển về Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố để được chăm sóc, can thiệp, kết nối các dịch vụ hỗ trợ và giúp hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng.

Đường dây nóng của mô hình hoạt động 24/7 qua số 1900 54 55 59 hoặc tiếp nhận trực tiếp tại 4 cơ sở: Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mot-benh-vien-o-tphcm-ghi-nhan-gan-1000-ca-tre-em-sinh-ra-tre-em-post1556409.html