Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang số lượng đột biến 'rất cao'

Vắc xin phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

* Nghiên cứu mới: Hiệu quả của Pfizer giảm sau 90 ngày tiêm mũi thứ hai

Các nhà khoa học Anh cho hay một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Botswana có số lượng đột biến rất cao, có nguy cơ gây ra các đợt bùng phát dịch trong tương lai bằng cách né tránh hệ miễn dịch của cơ thể.

Thông tin trên đã được truyền thông Anh đồng loạt đăng tải ngày 24/11.

Biến thể mới B.1.1.529 được phát hiện lần đầu tiên tại Botswana và cho tới nay, đã có 10 ca mắc biến thể mới này tại 3 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi giới chức y tế thực hiện giải trình tự gene, riêng Nam Phi ghi nhận 6 ca mắc.

Giới khoa học bày tỏ quan ngại về sự nguy hiểm của B.1.1.529 bởi biến thể này chứa số lượng đột biến rất cao.

Các nhà khoa học Anh cho biết biến thể B.1.1.529 có tới 32 đột biến trong protein gai, bộ phận vốn giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào con người và chính là mục tiêu mà hầu hết các loại vắc xin nhắm đến để tạo ra hệ miễn dịch chống lại COVID-19.

Các đột biến ở protein gai có thể ảnh hưởng đến khả năng truyền bệnh và lây lan của virus, song cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh hơn.

Trên trang web về chia sẻ bộ gene, giáo sư Tom Peacock, nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, nhận định số lượng đột biến rất cao của biến thể B.1.1.529 cho thấy biến thể này thực sự đáng quan ngại.

Giáo sư Peacock cho rằng giới khoa học cần theo dõi sát B.1.1.529 vì số lượng đột biến "khủng khiếp" của nó, song ông hy vọng biến thể mới này không có khả năng lây lan mạnh.

Trong khi đó, giáo sư Meera Chand thuộc Cơ quan An toàn y tế Anh cho rằng bản chất của virus là không ngừng đột biến và ngẫu nhiên, do vậy, không có gì lạ khi xuất hiện những biến thể mới có nhiều đột biến. Bà khẳng định mọi biến thể có dấu hiệu lây lan mạnh đều cần phải theo dõi ngay.

Các trường hợp đầu tiên mắc biến thể B.1.1.529 được ghi nhận tại Botswana vào ngày 11/11. Ba ngày sau đó, Nam Phi ghi nhận trường hợp đầu tiên. Hongkong (Trung Quốc) cũng ghi nhận 1 ca mắc biến thể B.1.1.529, là một người đàn ông 36 tuổi trở về Nam Phi. Người này có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 khi trở về Hong Kong, nhưng lại có kết quả dương tính vào ngày 13/11 trong thời gian cách ly.

Các nhà virus học Nam Phi cũng bày tỏ quan ngại về biến thể mới này trong bối cảnh số ca mắc mới tại Gauteng, khu vực bao gồm Pretoria và Johannesburg, gia tăng. Đây cũng là hai địa phương đã ghi nhận những ca mắc biến thể B.1.1.529.

Giáo sư về vi trùng học Ravi Gupta thuộc Đại học Cambridge cho hay nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy 2 trong số các đột biến trong biến thể B.1.1.529 làm tăng khả năng lây nhiễm và giảm khả năng nhận biết kháng thể.

Bà Gupta khẳng định biến thể này là mối quan ngại lớn do các đột biến hiện tại của nó. Theo bà, cho tới nay chưa rõ đặc điểm lây nhiễm của biến thể mới này và đặc tính "né" hệ miễn dịch mới chỉ là một phần của biến thể B.1.1.529.

Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền tại Đại học University College London, cho biết số lượng lớn các đột biến trong biến thể này dường như đã được tích lũy từ một “đợt bùng phát nhỏ lẻ”.

Điều này cho thấy B.1.1.529 có thể đã phát triển trong một đợt lây nhiễm mãn tính ở bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, có thể là bệnh nhân HIV/AIDS chưa được điều trị.

Ông nhận định rất khó để dự đoán cách thức lây lan của B.1.1.529 trong giai đoạn này. Hiện tại, cần phải theo dõi và phân tích chặt chẽ biến thể mới trên.

* Ngày 25/11, Tạp chí Y học Anh đã đăng tải kết quả nghiên cứu mới nhất về hiệu quả phòng bệnh COVID-19 giảm dần của vắc xin do Pfizer/BioNTech sản xuất.

Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Cơ quan y tế Leumit của Israel và Viện Y tế quốc gia (NIH) của Mỹ phối hợp thực hiện với sự tham gia của hơn 80.000 người tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech.

Kết quả nghiên cứu cho thấy sau 90 ngày tiêm mũi thứ 2, nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 ở người tiêm cao gấp 2 lần và tỉ lệ này tiếp tục gia tăng trong 6 tháng sau tiêm.

Theo dõi sổ sức khỏe điện tử của 80.057 người đã tiêm chủng vắc xin của Pfizer và không có tiền sử mắc COVID-19 tại Israel, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có 7.973 người, tương ứng 9,3% có kết quả dương tính với COVID-19.

Ở nhóm người tiêm mũi 2 sau 21 đến 89 ngày, số người dương tính với SARS-CoV-2 chỉ chiếm 1,3%. Tuy nhiên, tỉ lệ này đã tăng lên 2,4% ở nhóm người tiêm mũi 2 sau 90 đến 119 ngày; 4,6% ở nhóm người tiêm mũi 2 sau 120 đến 149 ngày; 10,3% ở người tiêm mũi 2 sau 150 đến 179 ngày và 18,5% ở người tiêm mũi 2 sau 180 ngày hoặc hơn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có yếu tố khác tác động đến nguy cơ mắc COVID-19 ở người đã tiêm 2 mũi cũng như tỉ lệ dương tính ở nhóm người này như biến thể của virus gây lây nhiễm và môi trường có nguy cơ cao hay thấp.

Kết quả này củng cố thêm bằng chứng cho thấy cần tiêm mũi tăng cường để duy trì khả năng bảo vệ trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.

Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vắc xin của Pfizer vào tháng 12/2020 và không lâu sau đó là Mỹ. Đến tháng 9, làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 bùng phát trở lại tại Israel và đến nay là Mỹ.

Tuần trước, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã thông qua quyết định cấp phép tiêm mũi tăng cường vắc xin của Pfizer cho người trên 18 tuổi sau 6 tháng tiêm mũi 2.

Cơ quan này cũng đã cho phép người dân lựa chọn vắc xin của Pfizer làm mũi tăng cường sau khi đã hoàn thành tiêm 2 mũi của Moderna hay 1 mũi của Johnson & Johnson.

T.LÊ (Tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/267853/mot-bien-the-moi-cua-virus-sars-cov-2-mang-so-luong-dot-bien-rat-cao.html