Một bộ phận cán bộ, công chức e ngại hoặc không sẵn sàng thích nghi với số hóa

Ông Nguyễn Thái Hòa - Phó Viện Trưởng Viện Trí Việt IVM - VUSTA (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý e ngại hoặc không sẵn sàng thích nghi với các quy trình số hóa mới, do sợ mất việc hoặc không quen với công nghệ.

Sáng 17/7, báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức Diễn đàn "Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội", với sự tham dự của hơn 200 đại biểu, khách mời, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.

Có tâm lý e dè đổi mới ở một số nơi

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá, vươn lên.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã được xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiến trình chuyển đổi đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong khu vực công đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng số, đặc biệt ở cấp cơ sở chưa đồng bộ; dữ liệu thiếu kết nối, thiếu chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn nhân lực có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, tâm lý e dè đổi mới ở một số nơi...

 Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: VOV.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: VOV.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyển đổi số trong khu vực công đang nổi lên như một trụ cột chiến lược trong tiến trình cải cách thể chế quốc gia, nhất là trong bối cảnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa nền hành chính và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực công.

Việc thúc đẩy số hóa không còn là xu hướng công nghệ đơn thuần, mà trở thành điều kiện tiên quyết để Nhà nước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình điều hành phát triển.

Ông Long nhấn mạnh, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được ban hành đúng vào thời điểm chuyển tiếp có tính bản lề của nền kinh tế Việt Nam, khi đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ và chuyển đổi số không chỉ là phương tiện hỗ trợ mà đã trở thành động lực chính của tăng trưởng. Nghị quyết không chỉ đặt ra những mục tiêu dài hạn, mà còn định vị lại vai trò của khu vực công trong hệ sinh thái số quốc gia

Theo ông Long, chuyển đổi số thực chất là vấn đề kinh tế - tổ chức ở cấp quốc gia, liên quan trực tiếp đến hiệu quả phân bổ ngân sách, năng suất vận hành của bộ máy hành chính và đặc biệt là năng lực kiến tạo và điều tiết thị trường của Nhà nước.

“Dưới góc nhìn kinh tế, chuyển đổi số trong khu vực công mang lại tác động rõ rệt về mặt hiệu quả, năng suất, khả năng phản ứng chính sách và môi trường minh bạch”, ông Long cho biết.

Tuy nhiên, ông Long đánh giá, có 3 vấn đề hạn chế trong chuyển đổi số khu vực công Việt Nam. Đó là không có cơ chế kinh tế đo lường, đầu tư phân tán thiếu kết nối, văn hóa và thể chế không hỗ trợ tư duy dữ liệu. Điều này đang cản trở việc chuyển đổi số khu vực công ở Việt Nam phát triển toàn diện và hiệu quả.

“Việc bổ sung các cơ chế định lượng kinh tế, chuẩn hóa dữ liệu toàn quốc, nâng cao năng lực số của công chức và cải cách thể chế pháp lý sẽ là bước đột phá để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 - 2030 một cách bền vững, hiệu quả và phù hợp với xu thế quốc tế”, ông Long kiến nghị.

Chính phủ phải tiên phong, dẫn dắt, kiến tạo

Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Trí Việt IVM - VUSTA (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng, chuyển đổi số trong khu vực công đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn lực.

Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ tại các cơ quan nhà nước còn nhiều lạc hậu. Nhiều nơi vẫn sử dụng các hệ thống công nghệ cũ, không đồng bộ, gây khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp số hóa mới, như các hệ thống lưu trữ dữ liệu riêng lẻ, không tương thích, làm chậm quá trình chia sẻ thông tin.

 Ông Nguyễn Thái Hòa. Ảnh: VOV.

Ông Nguyễn Thái Hòa. Ảnh: VOV.

Đồng thời, ngân sách dành cho chuyển đổi số thường bị giới hạn, đặc biệt ở các địa phương hoặc cơ quan cấp cơ sở. Việc triển khai hạ tầng trung tâm dữ liệu, mạng lưới 5G, hoặc phần mềm quản lý đòi hỏi chi phí lớn, nhưng nguồn lực tài chính thường không đủ. Khu vực công thường gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ do mức lương không cạnh tranh so với khu vực tư nhân. Các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, hoặc phân tích dữ liệu thường chọn làm việc cho các công ty công nghệ lớn.

“Việc thiếu một kiến trúc công nghệ thống nhất giữa các cơ quan dẫn đến khó khăn trong việc kết nối dữ liệu, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu dân cư, thuế, hoặc y tế. Đội ngũ cán bộ, công chức thường thiếu kỹ năng sử dụng các công cụ số hóa, đặc biệt ở các khu vực nông thôn hoặc các cơ quan nhỏ. Việc đào tạo lại nhân lực đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý e ngại hoặc không sẵn sàng thích nghi với các quy trình số hóa mới, do sợ mất việc hoặc không quen với công nghệ”, ông Hòa nêu khó khăn thực tế.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là một cách mạng về công nghệ mà quan trọng hơn, là một cuộc cách mạng về thể chế bao gồm tổ chức, bộ máy, “cách chơi, người chơi, luật chơi”. "Chính phủ số thì không phải câu chuyện thích ứng mà còn là đồng hành. Có nhiều bộ phận trong nền kinh tế, trong xã hội cùng chuyển đổi số nhưng Chính phủ phải là người tiên phong, dẫn dắt, kiến tạo", TS. Võ Trí Thành nhận định.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mot-bo-phan-can-bo-cong-chuc-e-ngai-hoac-khong-san-sang-thich-nghi-voi-so-hoa-post1761079.tpo