Tăng trưởng bền vững bắt đầu từ chiến lược

Bên cạnh mục tiêu hướng tới Net Zero vào năm 2050, Việt Nam đặt tham vọng đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm nay và những năm tiếp theo. Theo các chuyên gia, chìa khóa để hiện thực hóa đồng thời hai mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững nằm ở tư duy chiến lược. Điều đó chỉ có thể đạt được khi quốc gia chủ động đổi mới công nghệ, cải cách mô hình tăng trưởng và tích hợp các tiêu chí ESG (môi trường - xã hội - quản trị) vào chiến lược phát triển.

Net Zero và tăng trưởng xanh đang trở thành chuẩn mực đo năng lực quốc gia. Ảnh: ST

Net Zero và tăng trưởng xanh đang trở thành chuẩn mực đo năng lực quốc gia. Ảnh: ST

Từ phát triển “có đánh đổi” đến phát triển “không đánh đổi”

Theo ông Nguyễn Bá Hùng- Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, mô hình tăng trưởng kinh tế trước đây thường đi kèm với khai thác tài nguyên vượt ngưỡng và tổn hại môi trường. Tuy nhiên, mô hình đó nay đã không còn phù hợp, bởi chi phí dài hạn đối với nền kinh tế là rất lớn nếu tiếp tục duy trì cách làm cũ. Tăng trưởng xanh hướng tới việc vẫn đạt tốc độ phát triển cao nhưng giảm mức độ khai thác tài nguyên và giảm tổn thất môi trường.

Với bài toán tăng trưởng cao và phát triển bền vững, lời giải không nằm ở sự đánh đổi mà ở tư duy chiến lược. Trong kỷ nguyên mà ESG, Net Zero và tăng trưởng xanh đang trở thành chuẩn mực đo năng lực quốc gia, việc xây dựng một chiến lược công nghiệp đổi mới - xanh, sạch, tự chủ và đủ sức cạnh tranh - không chỉ là yêu cầu thời đại, mà còn là con đường tất yếu để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước trong nhiều thập kỷ tới.

TS. Chử Văn Lâm - Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam

“Nếu quy mô kinh tế tăng gấp đôi thì lượng tài nguyên sử dụng không nhất thiết phải tăng gấp đôi. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao hiệu quả vận hành, mức sử dụng tài nguyên chỉ cần tăng thêm khoảng 20 - 30%” - ông Hùng dẫn chứng. Đó chính là sự chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn - từ phát triển “có đánh đổi” sang phát triển “không đánh đổi”.

Ông Hùng cũng cho biết, ở giai đoạn thu nhập thấp, tăng trưởng thường đi kèm các hệ lụy môi trường do hạn chế công nghệ. Nhưng khi vượt qua ngưỡng trung bình, nền kinh tế có thể vừa tăng thu nhập vừa giảm thiệt hại môi trường - và đây chính là cơ hội cho tăng trưởng xanh. “Việt Nam hiện đã tiệm cận mức thu nhập trung bình cao, khoảng 4.000 - 4.500 USD/người/năm. Nghĩa là chúng ta đang đứng trước cánh cửa bước vào tăng trưởng xanh, nếu có được các chính sách, công nghệ và nguồn lực phù hợp”, ông Hùng khẳng định.

Phân tích phát thải CO₂ trên đơn vị GDP - một chỉ số đánh giá “độ sạch” của tăng trưởng - ông Hùng chỉ ra rằng Việt Nam nằm trong nhóm phát thải cao, tương đương Iran, Trung Quốc và Nam Phi. Nghĩa là để tạo ra 1 USD GDP, Việt Nam phải thải ra lượng CO₂ nhiều hơn so với các nền kinh tế phát triển. Nếu muốn gia nhập nhóm các nước có thu nhập cao, chúng ta cần cải thiện cả hai chỉ số: chấp nhận mức tăng phát thải vừa phải trên đầu người trong quá trình công nghiệp hóa, nhưng phải giảm mạnh phát thải trên mỗi đơn vị GDP thông qua công nghệ sạch và tối ưu hóa tài nguyên.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đã chứng minh có thể vừa tăng trưởng kinh tế vừa giảm phát thải. Đó không phải là điều bất khả thi. Nhưng để làm được, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ xanh, đổi mới mô hình kinh doanh và tái cấu trúc mô hình tăng trưởng ở cả cấp vĩ mô lẫn vi mô” - ông Hùng nhận định.

Đổi mới tư duy phát triển công nghiệp

Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ mâu thuẫn giữa đòi hỏi tăng trưởng cao và tiêu chuẩn môi trường ngày càng nghiêm ngặt từ các thị trường xuất khẩu. Ông Trần Đức Ninh - Tổng Giám đốc KN Group - cho rằng, Việt Nam không thể đợi đến khi bị áp thuế carbon hoặc bị từ chối hàng hóa mới bắt đầu hành động. Phải chuyển đổi ngay từ bây giờ, bắt đầu từ ngành công nghiệp.

Hiện nay, các ngành như năng lượng và giao thông đã và đang triển khai lộ trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, ngành công nghiệp - trụ cột sản xuất quốc gia - lại chưa thực sự trở thành trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng xanh hay cam kết Net Zero. Trong khi đó, các tập đoàn toàn cầu như Apple, Samsung, Nike… đã tích hợp ESG vào danh sách yêu cầu bắt buộc dành cho nhà cung ứng. Điều này đặt Việt Nam vào thế khó khi các thị trường lớn như EU, Mỹ ngày càng siết tiêu chuẩn môi trường và áp dụng các loại thuế carbon. Nếu không theo kịp, hàng hóa Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia, chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia cần hội tụ đủ bốn yếu tố: Đặt công nghiệp xanh làm trọng tâm; Xây dựng thể chế và tín dụng xanh đủ mạnh; Phát triển công nghiệp hỗ trợ có năng lực cạnh tranh; Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ

Đồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển thị trường carbon trong nước, mở rộng nguồn vốn xanh, đa dạng hóa chương trình tín dụng và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu và trường đại học.

Ông Nguyễn Bá Hùng cũng lưu ý rằng trong bối cảnh thị trường tài chính xanh phát triển, ESG đang dần trở thành tiêu chí quan trọng - không chỉ với nhà đầu tư, mà cả trong đánh giá năng lực doanh nghiệp. “Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận ESG như một chiến lược quản trị rủi ro và tạo giá trị dài hạn. Đây là xu thế tất yếu nếu muốn tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh toàn cầu mới” - ông Hùng khuyến nghị.

Cụ thể hóa chiến lược Net Zero

Để hiện thực hóa lộ trình phát triển xanh, thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050, ông Hùng cho rằng, Việt Nam phải bắt đầu những nỗ lực lớn ngay từ năm 2025. Trong đó, ngành năng lượng giữ vai trò cực kỳ quan trọng.

“Việc khởi động lại điện hạt nhân là rất cần thiết, bởi đây là nguồn điện nền ổn định, công suất lớn và không phát thải CO₂” - ông Hùng đề xuất. Ngoài ra, phát triển công nghiệp và nông nghiệp xanh cũng cần được quan tâm đồng đều: áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp; xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, trồng rừng để gia tăng diện tích che phủ và cải thiện quản lý đất đai.

Đây không chỉ là nhiệm vụ phát triển, mà còn là cơ hội chiến lược để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ trong giai đoạn chuyển đổi toàn cầu hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững./.

HỒNG NHUNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tang-truong-ben-vung-bat-dau-tu-chien-luoc-41700.html