Một cách hiểu méo mó

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa vừa diễn ra, một trong những vấn đề làm nóng nghị trường là chuyện phân bổ số tiền 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ hỗ trợ cho người nghèo gặp khó khăn trong dịch Covid-19 ở các địa phương của tỉnh này.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Nào là, có địa phương viết sẵn mẫu "từ chối nhận hỗ trợ" dù người ký vào đơn "từ chối" ấy rất nghèo; nào là hộ nghèo "giảm đột ngột" do một số xã muốn được công nhận là "nông thôn mới" nên bèn nhập chung số hộ nghèo cho ít xuống, đúng với tỷ lệ quy định, cho đến khi nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ thì hộ này được nhận mà hộ kia lại không dù "nghèo" như nhau; lại cũng có những gia đình sống trong những ngôi nhà chẳng khác gì biệt thự nhưng vẫn nhận tiền từ gói hỗ trợ kia…

Kỳ họp thật sự nóng lên khi nghe ông Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh này nói rằng nhiều người hiểu "hộ cận nghèo là ở gần hộ nghèo". Chính vì hiểu như vậy nên mới có chuyện "ở trong biệt thự" mà vẫn là "hộ nghèo" được nhận tiền hỗ trợ!

Do lịch sử để lại, tiếng Việt có đến 60% ảnh hưởng từ tiếng Hán. Trong câu nói thông thường hằng ngày, thế nào cũng có đôi ba từ, hoặc cụm từ là từ Hán Việt nhưng người Việt ít để ý, dùng hoài thành thói quen. Người Việt Nam, ai cũng hiểu chữ "cận" nghĩa là "gần". "Cận thị" tức là "nhìn gần" thì mới thấy rõ.

Nhưng câu "Nhất cận thị nhị cận giang", thì chữ "cận thị" này có nghĩa là "gần chợ". Một chữ "thị" nhưng nghĩa thì khác nhau. Riêng chữ "cận" thì ai cũng hiểu nó có nghĩa là "gần". Thế nhưng, hiểu chữ "cận" theo phản ảnh của ông Bí thư Thanh Hóa thì thật buồn cười.

Cận nghèo tức là đối tượng đó, thành phần đó "mấp mé với diện hộ nghèo", "còn chút xíu nữa là thành hộ nghèo", xét theo tiêu chí thu nhập hằng năm chứ hoàn toàn không có nghĩa hộ đó "ở cạnh người nghèo"! Để cho người có biệt thự nhận tiền từ gói hỗ trợ của Chính phủ rồi lấy cớ hiểu sai chữ "cận" như thế thì không phải là người thiếu hiểu biết về chữ nghĩa mà là cố ý hiểu sai để nhận những gì không thuộc về mình.

Việc tranh giành suất hỗ trợ của người nghèo như thế vừa thể hiện lòng tham vô cùng thất đức của người khá giả, vừa thể hiện việc coi thường kỷ cương phép nước của một số cán bộ lập lờ đánh lận con đen để làm điều xằng bậy.

Dịch Covid-19 như một phép thử về lòng yêu nước của mỗi người, về trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng xã hội. Có bao cụ ông cụ bà nhịn quà vặt để móc đồng bạc tiết kiệm cuối cùng ra giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn; có bao thầy thuốc đã "quên" cả gia đình mình suốt hằng tháng trời để sát cánh cùng người bệnh, đưa họ thoát hiểm; có bao nhiêu chiến sĩ ngày đêm trực chiến ở những cửa ải để ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta, để cho hàng triệu người được ngon giấc…

Những tấm gương như thế, sao không "học tập và làm theo", lại đi hiểu méo mó về một chủ trương để rồi xà xẻo vô những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt mà người dân cả nước chung tay góp sức để cùng nhau vượt qua hoạn nạn? Thật đáng trách thay!

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mot-cach-hieu-meo-mo-20200619101104077.html