Một cách tri ân, tưởng nhớ

Hơn 20 năm qua, ông Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai (bí danh Năm Lai), thành viên Đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, âm thầm đi tìm hiện vật, phục dựng lại những giá trị lịch sử của lực lượng biệt động Sài Gòn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với ông, đó là một cách thiết thực để tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh xương máu của thế hệ đi trước; cũng là nhằm tạo ra những 'địa chỉ đỏ' phục vụ công tác giáo dục truyền thống.

Với tâm huyết, tình cảm đối với các thế hệ cha anh đi trước, ông Trần Vũ Bình đã dùng kinh phí gia đình mua lại một số di vật, căn nhà mà lực lượng biệt động thành từng ở và chiến đấu, để sửa chữa, phục hồi. Nhiều hiện vật ông sưu tầm được là do các tập thể, cá nhân hỗ trợ, với mong muốn giúp ông hoàn thành việc ý nghĩa. Ông Bình tâm sự: “Khi hoạt động cách mạng, bố tôi mang vỏ bọc là nhà tư sản Mai Hồng Quế. Từ năm 1990, tôi mới bắt đầu đi tìm, phục dựng lại những di tích, di vật của lực lượng biệt động Sài Gòn. Nhiều hiện vật tôi phải tìm khắp nơi từ huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đến Long An, có khi ra tận tỉnh Thái Bình... Đến bây giờ, tôi sưu tầm, phục dựng được hơn 1.000 hiện vật các loại”.

Theo ông Bình, địa điểm di tích đầu tiên mà ông tìm ra và giữ đến hôm nay là căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Trong căn nhà có hầm bí mật. Hiện vật đầu tiên mà ông phục chế lại chính là chiếc ô tô đặt trong căn nhà này. Cùng với đó, tại căn nhà 113A Đặng Dung (quận 1), để tái hiện đúng không gian hoạt động của biệt động thành năm xưa, ông Bình phục dựng thành quán cà phê Đỗ Phủ và cơm tấm Đại Hàn. Đây là di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của lực lượng biệt động Sài Gòn.

Ông Trần Vũ Bình (giữa) chia sẻ về công việc sưu tập hiện vật.

Ông Trần Vũ Bình (giữa) chia sẻ về công việc sưu tập hiện vật.

Sau những thành công đó, ông Trần Vũ Bình triển khai ý tưởng xây dựng tour du lịch đưa khách tham quan đến các điểm di tích lịch sử, tận mắt thấy những kỷ vật, hình ảnh, tìm hiểu tường tận về lực lượng biệt động Sài Gòn huyền thoại. Khách tham gia tour sẽ được khám phá 18 điểm di tích đặc biệt, như: Hầm chứa vũ khí để biệt động Sài Gòn đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968; quán phở Bình-Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 4 trong Chiến dịch Mậu Thân 1968; Di tích 113A Đặng Dung; Di tích 145 Trần Quang Khải, nơi làm nội thất cho Dinh Độc Lập... Điều đặc biệt trong tour du lịch này, du khách không chỉ tìm hiểu về biệt động Sài Gòn qua các di tích, hiện vật mà chính nhân viên hướng dẫn là những người con, cháu của các chiến sĩ biệt động năm xưa.

Ông Bình cho biết: “Để khôi phục lại đúng hiện trạng ban đầu, tôi phải tìm kiếm những đồ vật mà bố tôi cùng các chiến sĩ biệt động Sài Gòn sử dụng như chiếc xe vận chuyển vũ khí đánh Dinh Độc Lập năm 1968 hay những cái tủ, cái bàn cất giấu vũ khí để sửa chữa, phục dựng như nguyên trạng. Phải tìm từng viên ngói, từng loại gỗ của thời kỳ đó mới có giá trị”.

Chia sẻ về công việc của bố, anh Trần Trọng Nghĩa (con ông Bình) bộc bạch: “Từ nhỏ, tôi được bố kể về những câu chuyện lịch sử của ông nội và đồng đội của ông. Tôi rất tự hào vì bản thân được sinh ra và trưởng thành trong gia đình có truyền thống cách mạng như vậy. Công việc của bố tôi thực hiện xuất phát từ niềm tự hào, tình yêu thương với gia đình, với đấng sinh thành và những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Chính tình yêu ấy đã truyền lại cho thế hệ sau như chúng tôi. Với niềm tự hào đó, tôi cũng là một hướng dẫn viên cho du khách đến tham quan tìm hiểu về lực lượng biệt động Sài Gòn”.

Đáng chú ý, các địa điểm di tích của ông Trần Vũ Bình lưu giữ, phục dựng đều phục vụ miễn phí khách tham quan trong và ngoài nước. Trân trọng việc làm ý nghĩa của ông, nhiều bạn bè, người thân đã nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ, từ tập hợp các bài viết liên quan đến di tích và biệt động Sài Gòn đến lập các trang quảng bá, giới thiệu để lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều thế hệ con, cháu các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa đã tìm đến quán cà phê, quán cơm của ông Bình để tìm lại những kỷ vật mang dấu ấn thời gian, để kể lại cho nhau nghe những câu chuyện cũ của cha ông họ. Mọi người đều trân trọng ghi nhận, tri ân tấm lòng, tâm huyết của ông Bình trong gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử của lực lượng biệt động Sài Gòn năm xưa.

Bài và ảnh: KHÁNH GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/mot-cach-tri-an-tuong-nho-654469