Một cái Tết ở chiến trường
Trích tác phẩm Bê trọc của Phạm Việt Long.
NGÀY 2/2/1969 - 27 TẾT KỶ DẬU
Cơ quan di chuyển đã gần hết, chuyến đi này là chuyến cuối cùng. Không làm sao khác được, tôi phải hành quân. May được chia ít sữa, uống được một ít cho đỡ kiệt sức. Sáng, tôi dậy lấy một cốc cháo, hòa đường, sữa vào và hạ quyết tâm: phải ăn hết cốc cháo này. Nhắm mắt lại mà húp cháo, mà nuốt vội vàng cho nó khỏi chạy thốc trở lại. Và cốc cháo đã hết. Này, đừng mửa nghe, gắng đừng mửa. Giữ lấy số cháo ấy trong bụng như giữ sức khỏe mình vậy. Khoác ba lô lên vai, lảo đảo bước đi. Đường xá, cây cối nhòa nhòa và quay cuồng, nghiêng ngả trước mắt tôi. Khát nước vô kể. Bi đông cạn nước. Tôi bụm tay vục nước suối uống. Nước chảy tới đâu thấy mát tới đó. Chao, mát, ngọt đến tận gan ruột. Mai sẽ tiếp tục chiến đấu!
Hành quân trong cơn sốt ly bì
Mệt quá chẳng buồn ăn uống chi.
Nhưng núi cứ ép hoài “ăn” dốc
“No” quá cho nên thở phì phì.
Ngủ một giấc, dậy thấy đỡ choáng. Họa sĩ Hồng Chinh Hiền cùng nghỉ lại với tôi (anh bị sai khớp chân), săn sóc tôi thật chu đáo. Anh đem sữa của anh ra ép tôi uống. Rồi anh rang gạo, nấu một hăng gô nước đặc như cà phê, pha đường, sữa cho tôi. Tôi không muốn uống - sữa của anh đã hết rồi. Nhưng anh không chịu, bắt buộc tôi phải uống. Nằm trên võng, Hồng Chinh Hiền nói cho tôi nghe về các loại tranh, làm tranh sơn mài kỳ công thế nào... và đọc bài thơ anh mới sáng tác cho tôi nghe. Anh chuyên nghiên cứu về Tây Nguyên, có nhiều bức tranh mầu, ký họa rất sinh động, có một số bài thơ hay. Tôi thấy khuây khỏa dần. Chiều, đã tỉnh táo hơn, tôi ăn được ít cơm với cá - cá do anh em nhà in cho.
NGÀY 13/2/1969 - 28 TẾT
Mùa xuân ở đây không có mưa phùn. Trời trong xanh. Nắng trải vàng tươi khắp núi đồi. Từng đàn chim bay chuyền, nhảy nhót hót líu lo nghe vui nhộn.
Cơn sốt lui dần, người khỏe lại.
Chim rừng hót rộn thật dễ thương.
Nắng rực núi đồi, mùa xuân trải.
Vai khoác ba lô lại lên đường.
Chúng tôi đi ngược miết theo bờ sông Thanh. Sông này có nhiều đá, nhiều thác, nước chảy ào ào, réo sùng sục. Lại nhớ con sông Hồng những mùa nước. Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống thấy sông rộng bát ngát, nước đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy với sức sống mãnh liệt. Mùa nước đến cũng là mùa hoa phượng vĩ nở đỏ rực trời, là mùa thi. Mấy đứa học sinh chúng tôi thường kéo ra bờ sông Hồng, ngồi trên các tảng đá mà học bài. Trời nước mênh mông, khoáng đãng khiến cho tâm trí thêm minh mẫn, học rất chóng thuộc bài. Song cũng đôi lúc để lòng mơ mộng theo dòng sông. Sóng nước dập dờn. Mỗi khi có một chiếc ca nô lướt qua, dòng nước lại rẽ đôi ra, chạy ào ào vào bờ với những con sóng vồ vập. Sóng trào lên các phiến đá, tung bọt trắng xóa. Chúng tôi để mặc nước bắn vào người mát lạnh. Có những buổi tôi cùng bọn thằng Giang, Hiến - mấy đứa bạn thân - chạy ào trên những bãi cát tràn nước, đạp nước bắn tung tóe, té nước nhau ướt đầm đìa mà cười vang. Tuổi thơ ấu của tôi đã trôi qua bằng những ngày học tập rất mải miết; bằng những phút vinh dự lĩnh phần thưởng của nhà trường, bằng những ngày nô đùa hồn nhiên với bè bạn và bằng cả những ngày hè lao động cật lực trên các công trường nắng lửa. Giờ đây, tôi đã xa những ngày ấy, xa những nơi ấy, xa những người bạn thân ấy để vào chiến trường này góp thêm sức chiến đấu. Tôi đã đi qua bao dòng sông. Và nhiều dòng sông đã để lại cho tôi những ấn tượng khó phai mờ.
Rảo bước bên dòng sông Thanh ấy
Nghe nước đuổi nhau réo ào ào.
Ra biển gặp sông Hồng không đấy?
Có gặp, cho ta gửi lời chào.
Quặn thắt lòng, nhớ Hà Nội sao!
Lội băng qua sông Thanh, rồi chúng tôi đóng tăng nghỉ lại bên một dòng suối lớn. Đã khỏe hơn.
NGÀY 15/2/1969 - 29 TẾT
Tiếp tục hành quân về nơi ở mới. Núi đồi trập trùng. Sao không có chút mưa phùn cho mát lòng ta, cho khuây nỗi nhớ thương nhỉ. Xuyên rừng, chợt đụng phải một cành lá. Tôi dừng lại và bỗng lặng người, sững sờ. Mùa Xuân, mùa Xuân đây chứ đâu. Cành lá ấy đang nẩy ra những nhành lộc non tươi mơn mởn. Mùa Xuân gieo mầm sống và thúc đẩy sự sống hãy vươn lên mãi!...
Lội suối, trèo núi, băng rừng
Là những công việc ta mừng đón Xuân.
Đường đi bao nỗi gian truân
Mà lòng nghe vẫn lâng lâng lạ thường.
Gửi về miền Bắc quê hương
Nỗi nhớ da diết, niềm thương vô vàn.
Mong ngày thống nhất Bắc Nam
Gia đình sum họp Xuân càng vui hơn.
Gặp mấy anh em cùng Ban mang gùi đi ngược lại - anh em ra suối lớn để bắt ốc, lấy chuối rừng về nấu ăn tết!
Đến nơi, vội vàng đóng một cái nhà tăng nhỏ để ở.
Đêm nay là đêm giao thừa ở miền Bắc. Tôi và Minh ao ước được chất một đống lửa rõ to để ngồi bên mà nghe đài Hà Nội. Song không thể được, căn nhà quá trống trải, đơn sơ, không thể đốt lửa lên được, bọn giặc trời có thể phát hiện ra ánh sáng... Một ước mơ nho nhỏ và giản dị vậy thôi cũng bị hoàn cảnh khắc nghiệt không cho biến thành hiện thực. Chúng tôi đành treo võng nằm đón giao thừa. Anh Minh là người phụ trách tổ Thông tấn chúng tôi. Anh đã có vợ và một con trai, vào Nam từ năm 1960. Anh và vợ anh - chị Tú - có một chuyện tình thật cảm động: Khi anh đi B, chị công tác ở Thông tấn xã, nhưng kiêm cả phát thanh viên cho buổi đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam, để anh luôn được nghe giọng nói của chị khi chép tin cho cơ quan. Rồi chị gửi con thơ cho gia đình và vào Nam, cùng anh chiến đấu trên mặt trận tư tưởng ở cùng một chiến trường. Lúc này, chị đang ở cơ sở sản xuất, cách chỗ chúng tôi mấy buổi đường, nên hai vợ chồng không được cùng đón xuân...
Đêm đen mịt mùng. Không đèn lửa. Không mứt, chè...
Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi buổi phát thanh ca nhạc Hội diễn làn sóng. Anh chị em công nhân hát hay quá. Nhất là Bích Việt - công nhân mỏ Quảng Ninh - có giọng hát mượt mà, tha thiết, và Ngọc Bé, công nhân Hà Nội, có giọng hát mạnh mẽ, truyền cảm. Mọi năm trước đây, những buổi tối giao thừa, gia đình tôi thường quây quần bên đài nghe hát, ăn mứt và chúng tôi thường tíu tít giúp mẹ đun nồi bánh chưng cho sôi lên ùng ục.
Đài truyền đi bài ký của Lưu Quý Kỳ. Bài có đoạn nói đến những người chiến sĩ hy sinh cả tết xuân, đón xuân trên đường hành quân, giữa rừng âm u... đúng hoàn cảnh chúng tôi quá. Miền Bắc yêu thương vẫn nhớ đến chúng tôi, vẫn ở bên chúng tôi, tâm sự với chúng tôi.
Đến giờ giao thừa rồi. Rừng già bỗng xao xuyến. Vào những năm trước đây, trong những giờ phút này, gia đình tôi đều thức dậy hân hoan đón năm mới và chờ nghe lời chúc tết của Bác Hồ, sau đó bố mẹ tôi chúc chúng tôi và mừng tuổi chúng tôi bằng những gói mứt, kẹo.
Lời Bác Hồ đã vang lên rồi. Giọng Bác vẫn ấm áp, hiền hậu, song nghe không được khỏe như các năm trước. Chúng tôi cầu mong Bác Hồ khỏe mạnh, sống lâu, mong ngày thống nhất Người vào thăm miền Nam chúng tôi!
Tôi nhớ lại đêm giao thừa năm 1964, lúc ấy tôi học lớp 10. Đêm ấy, tôi cùng mấy đứa bạn thân cùng lớp đón giao thừa ở Bờ Hồ, người đông nườm nượp, áo quần sặc sỡ, đèn điện đủ màu rực rỡ, hoa nở khắp đường phố, khắp công viên, pháo bông, pháo hoa sáng rực trên bầu trời đen sẫm... Cảnh nhộn nhip ấy trái hẳn với cảnh tĩnh mịch này. Ở đây chỉ có rừng cây bạt ngàn và con suối nhỏ chảy róc rách.
NGÀY 15/2/1969 - 1 TẾT KỶ DẬU
Sáng, chúng tôi dậy sớm đón năm mới. Ai nấy chỉnh tề trong bộ quân phục, tập họp ở sân nghe lời chúc tết của các đồng chí lãnh đạo. Rồi chúc lẫn nhau, đọc thơ, ca hát ... Sau đó ăn bữa cơm mừng năm mới. Đây, bữa liên hoan của chúng tôi ấm tình rừng núi: cơm gạo trắng do đồng bào miền Bắc tiếp tế, nồi canh ốc ngọt lừ nấu với bắp chuối rừng. Anh em húp ốc nghe chùm chụp, rất vui tai. Rồi họa sĩ Hồng Chinh Hiền mang tranh ra trưng bày. “Phòng triển lãm” ngoài trời với những bức tranh mầu hay ký họa sinh động làm rực tươi thêm cảnh núi rừng.
Tết chúng tôi nghèo quá: không thịt, xôi, không mứt, kẹo và rất đáng buồn là không có bánh chưng xanh. Chiếc bánh chưng lúc này đối vói tôi rất đáng yêu, không chỉ vì hương vị thơm ngon của nó, mà chính vì nó chứa đựng nhiều tình nghĩa. Tết đến, gia đình nào chả có bánh chưng. Bánh chưng mang tính dân tộc nhuần nhuyễn, chứa đựng cái ấm cúng của gia đình sum họp, gợi nhớ quê hương, tổ tiên ông bà. Lúc này đây không phải tôi thèm bánh chưng, mà là nhớ, nhớ da diết, nhớ như nhớ người thân yêu.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/mot-cai-tet-o-chien-truong-a17392.html