Một cảm hứng tự hào về mùa thu

Nguyễn Phan Hách (1944-2019) quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh, được mệnh danh là thi sĩ của mùa thu. Thơ Nguyễn Phan Hách giàu nhạc tính và hình ảnh trữ tình, chính vì thế, trong làng âm nhạc đương đại Việt Nam, có hai bài hát nổi tiếng được phổ từ thơ Nguyễn Phan Hách, đó là Mối tình đầu được nhạc sĩ Thế Duy phổ nhạc từ thi phẩm Hoa sữa, và Làng quan họ quê tôi được nhạc sĩ, thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc từ thi phẩm cùng tên.

NGUYỄN PHAN HÁCH

Nắng Ba Đình

Nắng Ba Đình mùa thu

Thắm vàng trên Lăng Bác

Vẫn trong vắt bầu trời

Ngày Tuyên ngôn Độc lập.

Ta đi trên quảng trường

Bâng khuâng như vẫn thấy

Nắng reo trên lễ đài

Có bàn tay Bác vẫy.

Ấm lòng ta biết mấy

Ánh mắt Bác nheo cười

Lồng lộng một vòm trời

Sau mái đầu của Bác...

---------------

Một cảm hứng tự hào về mùa thu

Nguyễn Phan Hách (1944-2019) quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh, được mệnh danh là thi sĩ của mùa thu. Thơ Nguyễn Phan Hách giàu nhạc tính và hình ảnh trữ tình, chính vì thế, trong làng âm nhạc đương đại Việt Nam, có hai bài hát nổi tiếng được phổ từ thơ Nguyễn Phan Hách, đó là Mối tình đầu được nhạc sĩ Thế Duy phổ nhạc từ thi phẩm Hoa sữa, và Làng quan họ quê tôi được nhạc sĩ, thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc từ thi phẩm cùng tên.

Trong sự nghiệp của mình, Hoa sữa "đóng đinh" vị thế Nguyễn Phan Hách như là một trong những thi sĩ tiêu biểu của mùa thu. “Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu/ Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc/ Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt/ Vậy mà tan trong sương gió mong manh/ Tại mùa thu, tại em hay tại anh/ Tại sang đông không còn hoa sữa/ Tại siêu hình tại gì không biết nữa/ Tại con bướm vàng có cánh nó bay”. Bên cạnh Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Bích Khê, Lưu Trọng Lư... Nguyễn Phan Hách là một trong những nghệ nhân góp phần tạc tượng mùa thu trên những văn bản thi ca bất tử.

Đọc lại thơ Nguyễn Phan Hách, tôi nhận ra có một mùa thu rất khác trong thi phẩm Nắng Ba Đình. Nguyễn Phan Hách không viết về những tháng năm lịch sử của đất nước, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa dưới cảm hứng sử thi. Nhà thơ chọn mốc thời gian đương đại mà mình đang sống, một điểm nhìn cá nhân trong lịch sử. Bài thơ ngắn được khởi đầu bởi khổ thơ: “Nắng Ba Đình mùa thu/ Thắm vàng trên Lăng Bác/ Vẫn trong vắt bầu trời/ Ngày Tuyên ngôn Độc lập”. Mùa thu vẫn đẹp, nắng vẫn vàng như thế, trời Hà Nội thu trong xanh, song Ba Đình lúc này là khi Bác đã đi xa. Người đã nằm trong lăng lắng nghe từng bước chuyển mình của lịch sử. Bài thơ đẹp, pha chút bâng khuâng, có cảm xúc tự hào, song điểm nhấn là điểm nhìn tiểu tự sự cá nhân của thi sĩ. Sẽ không có nhiều nhà thơ lựa chọn điểm nhìn và lối viết này, khi nhìn về thời khắc quan trọng bậc nhất lịch sử Việt Nam hiện đại đó. Đa phần thi sĩ khi viết về Ba Đình, về Cách mạng Tháng Tám hay ngày Quốc khánh 2-9 sẽ chọn lối viết sử thi, điểm nhìn và mốc thời gian đồng đại.

Từ điểm nhìn cá nhân/hiện tại, Nguyễn Phan Hách hồi ức lại kỷ niệm đầy huy hoàng và tự hào của lịch sử trong khổ thơ thứ hai: “Ta đi trên quảng trường/ Bâng khuâng như vẫn thấy/ Nắng reo trên lễ đài/ Có bàn tay Bác vẫy”. Thời gian trôi qua, người đã thành thiên thu, song mùa thu vẫn ở đó, hình bóng Bác đứng vẫy tay chào đồng bào ở Ba Đình vẫn còn trong trái tim bao thế hệ người Việt đương thời. Cảm xúc lúc này của chủ thể trữ tình là “bâng khuâng”, bởi dẫu sao sự kiện lịch sử quan trọng đã lùi về quá khứ. Kỷ niệm là những thứ đã trôi đi theo thời gian. Song mặt khác, kỷ niệm cũng luôn ám ảnh dai dẳng tâm trí những người sở hữu chúng. Có những giá trị, sự vật, sự việc luôn sống động, đổ bóng, và góp phần định hình tâm hồn của chúng ta hôm nay.

Bài thơ ngắn được kết thúc trong một đoạn thơ đầm ấm, chân thành: “Ấm lòng ta biết mấy/ Ánh mắt Bác nheo cười/ Lồng lộng một vòm trời/ Sau mái đầu của Bác...”. Hình bóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể nói đã thay thế cho cảm hứng chủ đạo thường thấy trong thơ Nguyễn Phan Hách khi viết về chủ đề có liên quan đến mùa thu. Nắng Ba Đình dẫu viết về không gian nghệ thuật mùa thu-mùa tàn lụi của cây cối, song hình tượng, cảm hứng trữ tình đều mang bản chất của mùa hạ, đầy sắc màu vui tươi và sự ấm áp trong tâm hồn thi sĩ.

Nắng Ba Đình là bài thơ lạ, khác theo nhiều nghĩa trong sự nghiệp Nguyễn Phan Hách. Bài thơ có dung lượng ngắn hơn rất nhiều so với những thi phẩm khác đã góp phần làm nên vị thế cho ông. Trong bài thơ viết về mùa thu này, cảm hứng trữ tình là bồi hồi tưởng nhớ xen lẫn tự hào và hạnh phúc. Nguyễn Phan Hách có ý thức kiệm lời, không diễn giải nhiều về cảm xúc của nhân vật trữ tình mà muốn không gian Ba Đình, nắng mùa thu biểu lộ thay. Xét từ nhiều góc độ, đó là một bước tiến, một dấu chỉ cách tân thơ Việt Nam, từ thơ ca cách mạng sử thi bước sang thơ ca hiện đại vốn nhấn mạnh đến đời tư thế sự, điểm nhìn cá nhân.

Tiến sĩ PHAN TUẤN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mot-cam-hung-tu-hao-ve-mua-thu-633705