Một cán bộ dân số cơ sở năng nổ, nhiệt tình với công việc
Tốt nghiệp ngành điều dưỡng trung cấp, năm 2010 chị Nguyễn Thị Na (sinh năm 1983) về công tác tại Trạm Y tế xã Liêm Tuyền (thành phố Phủ Lý). Trong công tác, chị luôn xác định rõ nhiệm vụ được giao, có phương pháp làm việc hiệu quả, tận tâm, nhiệt tình với công việc, phát huy tinh thần gương mẫu của đảng viên. Chị đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; Sở Y tế và Đảng ủy xã Liêm Tuyền tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác.
Tốt nghiệp ngành điều dưỡng trung cấp, năm 2010 chị Nguyễn Thị Na (sinh năm 1983) về công tác tại Trạm Y tế xã Liêm Tuyền (thành phố Phủ Lý). Trong công tác, chị luôn xác định rõ nhiệm vụ được giao, có phương pháp làm việc hiệu quả, tận tâm, nhiệt tình với công việc, phát huy tinh thần gương mẫu của đảng viên. Chị đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; Sở Y tế và Đảng ủy xã Liêm Tuyền tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác.
Chị Na cho biết, muốn công tác dân số đạt được kết quả tốt, cán bộ dân số trước hết phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt và phải nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Xác định rõ điều đó, bản thân chị luôn cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năm 2015 chị đã hoàn thành lớp cử nhân ngành công tác xã hội, năm 2020 hoàn thành lớp nghiệp vụ dân số viên, lớp nghiệp vụ công tác dân số do Tổng cục Dân số tổ chức. Ngoài ra, chị cũng tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do ngành y tế, dân số tỉnh tổ chức.
Trong công việc chị luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo, triển khai kế hoạch cụ thể, chi tiết sát với thực tế hằng tuần, tháng, quý. Duy trì đều các cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng, quý, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng tới vào ngày 23 hằng tháng với cộng tác viên dân số thôn. Đồng thời, tăng cường xuống các thôn nắm bắt tình hình, tham mưu với chính quyền địa phương và ngành dọc cấp trên có những chỉ đạo sát, trúng về công tác dân số. Để công tác dân số có kết quả tốt, hằng năm ngay từ đầu năm chị phối hợp với cộng tác viên dân số rà soát, thống kê các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã sử dụng và chưa sử dụng biện pháp tránh thai để tham mưu với UBND xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền. Nhờ đó tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 71,8%.
Với vai trò là cán bộ dân số chuyên trách, cùng với việc tuyên truyền về thực hiện các mục tiêu của công tác dân số trên hệ thống loa truyền thanh, qua các buổi tập huấn, nói chuyện, lồng ghép và phối hợp lồng ghép qua các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, chị còn tham mưu thành lập các câu lạc bộ dân số, chăm sóc sức khỏe. Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 ở địa phương đã được thành lập nhiều năm nay. Với trách nhiệm là chủ nhiệm câu lạc bộ, chị vận động được nhiều chị em tham gia sinh hoạt, qua đó tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về việc sinh nhiều con. Chị cũng phối hợp với chủ nhiệm câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tổ chức sinh hoạt mỗi quý 1 lần với các nội dung phong phú.
Chị Nguyễn Thị Na nắm bắt thông tin của trẻ trên địa bàn. Ảnh: Yên Chính
Từ khi Đề án 818 về "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/ sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020") được triển khai, chị luôn nghiêm túc nghiên cứu các sản phẩm độc quyền mà đề án triển khai, tiếp thị để phân loại đối tượng, chủ động tiếp cận khách hàng. Nhờ đó, các khách hàng là người dân trong xã và cả ở các địa phương khác đã dùng và tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm. Bản thân chị Na cũng luôn tích cực tham gia tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, tổ chức tốt truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp. Nhờ vậy, nhận thức của nhân dân về việc thực hiện các mục tiêu dân số, sinh đủ con, không lựa chọn giới tính thai nhi, tránh thai an toàn, chăm sóc sức khỏe chủ động,… đã có bước chuyển biến đáng kể. Nhiều năm qua kết quả công tác giảm sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở địa phương được cải thiện rõ rệt. Người dân ngày càng ý thức hơn về việc chăm sóc sức khỏe chủ động, nâng cao chất lượng dân số.
Ngoài là cán bộ dân số chuyên trách, chị Na còn tham gia một số công việc khác tại trạm, như hỗ trợ tiêm vắc-xin, uống vitamin A, tiếp đón bệnh nhân… Thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 chị cũng là một cán bộ y tế tích cực xung phong lên tuyến đầu. Thời điểm đầu năm 2022 khi thành lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố Phủ Lý, chị đã tạm gác công việc gia đình, dành thời gian làm việc liên tục ngày đêm ở đó hơn một tháng.
Với những kết quả nổi bật trong công tác, nhiều lần chị Nguyễn Thị Na đã được các cấp, ngành khen thưởng. Đặc biệt, năm 2021, nhân kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành dân số, chị là một trong những cán bộ dân số cơ sở tiêu biểu, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.