Một chặng đường đổi thay

5 năm qua, cây lúa nước đã phát huy hiệu quả giúp ổn định lương thực tại chỗ vùng đồng bào DTTS. Ảnh: MINH DUYÊN

Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh, 5 năm qua, khu vực miền núi của tỉnh được đầu tư đúng mức, nhờ đó kinh tế, xã hội phát triển; an ninh chính trị được giữ vững… Từ đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày một nâng cao, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đồng bào phấn khởi

Già làng Y Cái ở buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), cho biết: Buôn làng thay đổi rất nhiều, từ chỗ lưa thưa những mái nhà tranh, những con đường đất nhỏ tối hun hút bởi bờ tre xâm lấn…, nay là đường bê tông khang trang, có điện thắp sáng dọc tới cuối buôn, nhà xây kiên cố. Cùng với đó, Nhà nước đầu tư nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi thể dục thể thao nên bộ mặt thôn buôn cũng nhộn nhịp, khởi sắc. Đời sống của đồng bào Chăm ở đây ngày một ấm no. Ai cũng được chăm sóc y tế kịp thời khi ốm đau, được hỗ trợ làm chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. “Đời sống thay đổi nên nhận thức của đồng bào cũng tiến bộ. Những hủ tục lạc hậu như tìm thầy mo khi ốm đau, thách cưới, thả rông vật nuôi… không còn nữa”, già làng Y Cái nói.

Còn Ksor Y Nam ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) phấn khởi: Trước đây thường xảy ra tình trạng phá rừng, chở gỗ lậu; thanh niên của dân tộc này va chạm với thanh niên dân tộc khác. Hai năm trở lại đây, tình trạng này giảm hẳn, an ninh trật tự được giữ vững, người dân yên tâm phát triển kinh tế gia đình.

Với Mí Then ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), đời sống kinh tế khá giả, nên mí dành nhiều thời gian hơn bên khung cửi để dệt những bộ trang phục thổ cẩm nhiều sắc màu cho chồng, cho con. Văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê nhờ đó được gìn giữ. Mí Then bộc bạch: Khó khăn thì chỉ lo đi rẫy kiếm hạt lúa, củ sắn về ăn, chứ không có thời gian lo quần áo nên phải 2-3 năm mới làm xong bộ thổ cẩm. Có nhớ khung cửi, chỉ màu thì tôi cũng đành chịu. Giờ khác rồi, địa phương khuyến khích phát triển nghề truyền thống theo hướng du lịch cộng đồng nên đồng bào vừa có thu nhập vừa không bị mai một văn hóa lâu đời. “Nhìn các con, các cháu mình hăng say dệt vải, may áo, tôi thấy ấm lòng vì Đảng và Nhà nước không quên giá trị văn hóa của đồng bào Ê Đê”, mí Then nói.

Đồng bộ mọi lĩnh vực

Việc bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. La Lan Hoàng, cán bộ Đội An ninh (Công an huyện Đồng Xuân) cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh vận động quần chúng thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để phần tử xấu lợi dụng, gây chia rẽ… Nhờ đó, nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện đã được giải quyết ổn thỏa. Điển hình như 103 hộ dân trên địa bàn xã Phú Mỡ lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 72 và 28 hộ dân thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ lấn chiếm đất lâm nghiệp ở xã Canh Liên, Vân Canh (tỉnh Bình Định). Các vụ liên quan đến hoạt động tuyên truyền phát triển đạo Tin Lành trái phép cũng như kịp thời chặn đứng…

Song song đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS cũng được quan tâm đầu tư. Theo ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, từ nguồn vốn các chương trình, dự án, đồng bào được hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất sản xuất. Hiện toàn huyện có hơn 3.400ha diện tích gieo trồng lúa nước, cho năng suất ổn định gần 55 tạ/ha, cao gấp 4 lần lúa rẫy. Từ đây quán canh tác cũ của đồng bào được thay đổi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Ngoài ra, địa phương còn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng vật nuôi, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để đưa nông lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Hiện nay, địa phương đã hình thành được các vùng chuyên canh cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn trái, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Tỉ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 4-5%, số hộ có thu nhập khá, sản xuất giỏi tăng mạnh.

Văn hóa phát triển theo hướng bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống của đồng bào DTTS, góp phần đa dạng các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo đà cho xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị. Theo UBND huyện Sơn Hòa, địa phương lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật gồm các nhạc cụ truyền thống như: cồng chiêng, trang phục dân tộc, khôi phục các lễ hội, nghi lễ trong việc cưới, bỏ mả, cúng nhà mới, hát then… Hiện nay, toàn huyện xây dựng được 55 nhà văn hóa để làm nơi sinh hoạt, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.

Toàn tỉnh có 30 DTTS, chiếm 6,7% dân số. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đồng bào DTTS ở tỉnh luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Đồng bào tin tưởng vào sự quan tâm, chăm lo và lãnh đạo của Đảng, ra sức lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng thôn buôn giàu đẹp, văn minh. 5 năm qua là một chặng đường không dài nhưng cũng tạo nên nhiều dấu ấn ghi nhận sự đổi thay ở vùng đồng bào DTTS trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh, giáo dục, y tế… Từ đây, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/236961/mot-chang-duong-doi-thay.html