Khi nói đến lực lượng phi công có trình độ tác chiến cao không thể không kể đến Israel, nơi có những phi công làm nên những điều tưởng chừng như không thể.
Tuy là một không quân tại một quốc gia non trẻ khi họ mới chỉ tái lập quốc vào năm 1948, tuy nhiên người Do thái ý thức về những khó khăn của họ đã đang và sẽ gặp phải, chính vì thế họ đã xây dựng một lực lượng quân sự tinh nhuệ, trong đó nổi bật là không quân.
Số giờ bay của những phi công Israel đang đứng vào tốp đầu thế giới với khoảng 200 giờ bay/năm.
Việc có số giờ bay cao sẽ giúp nâng cao trình độ và kỹ năng tác chiến cũng như xử lý các sự cố hàng không.
Và điều này đã được chứng minh khi phi công Israel có thể điều khiển cho chiếc chiến đấu cơ hạng nặng F-15 dù mất hẳn một bên cánh vẫn hạ cánh an toàn.
Cho đến thời điểm hiện tại chưa có một không quân nước nào có khả năng làm được việc này. Thường trong trường hợp này phi công sẽ chọn phương án nhảy dù.
Sự việc xảy ra vào năm 1983 khi hai chiếc F-15D tham gia trận đánh giả định cùng 4 tiêm kích A-4N trên sa mạc Negev. Một trong hai chiếc F-15D mang mật danh "Markia Shchakim" do phi công Ziv Nedivi và huấn luyện viên Yehoar Gal điều khiển.
Khi hai chiếc F-15D của Israel lao vào không chiến, tiêm kích do Nedivi điều khiển va phải chiếc A-4 đóng vai đối thủ.
Tiêm kích A-4 ngay lập tức lao nhanh xuống đất và bị phá hủy, máy bay của Nedivi lao xuống và hướng dẫn viên Gal ra lệnh phóng ghế thoát hiểm.
Tuy nhiên, phi công Nedivi quyết định không phóng ghế thoát hiểm sau khi kiểm soát được máy bay. Khi chiếc F-15 ổn định, cả hai phi công nhìn sang bên phải song không nhận ra thiệt hại khi nhiên liệu chảy ra từ ống dẫn bị gió tạt thành "màn sương" cản tầm nhìn.
Chiếc F-15D rung lắc khi Nedivi giảm tốc độ. Phi công này quyết định bật chế độ đốt tăng lực, đẩy công suất động cơ lên hơn gấp rưỡi để giữ máy bay ổn định.
Khi đó cả Nedivi lẫn Gal vẫn chưa biết cú va chạm trước đó xé mất gần như toàn bộ cánh phải, chỉ để lại một đoạn dài khoảng 60 cm.
Nedivi quyết định hạ cánh xuống một đường băng cách đó khoảng 16 km, nên tiếp tục duy trì tốc độ cao để máy bay ổn định.
Vận tốc hạ cánh lý tưởng của F-15 là khoảng 240 km/h, song chiếc tiêm kích mất một cánh tiếp đất với tốc độ khoảng 480 km/h. Nedivi định dùng móc đuôi để hãm tốc độ chiếc F-15D, song nó bị giật đứt ngay lập tức.
Chiếc F-15D lao nhanh về cuối đường băng và chỉ đứng lại khi cách chướng ngại vật khoảng 10 m. Khi máy bay dừng lại, Nedivi quay lại bắt tay với Gal và nhận ra bên cánh phải máy bay không còn. Họ đã vượt khoảng 16 km trên chiếc F-15D chỉ còn một cánh, rồi đáp xuống đất an toàn.
McDonnell Douglas, hãng chế tạo F-15, hiểu rõ khả năng của mẫu tiêm kích này. Tuy nhiên, một số đại diện của hãng vẫn cho rằng việc phi công Israel hạ cánh an toàn chiếc tiêm kích F-15 mất một bên cánh là "không tưởng" cho tới khi họ nhận được ảnh chiếc máy bay.
Các phân tích sau đó cho biết chiếc F-15D mất cánh vẫn có thể bay tiếp nhờ lực đẩy mạnh của động cơ và lực nâng do khung thân tạo ra.
Hiện không quân Israel vẫn đang duy trì một lượng lớn phi đội chiến đấu cơ F-15 với các phiên bản F-15D và F-15I, trong đó F-15I là phiên bản mạnh nhất có khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu mặt đất.
F-15I Ra'am (Thunder) chính là phiên bản của chiến đấu cơ đa năng F-15E được Mỹ thực hiện theo yêu cầu của Israel. Sự kết hợp tài tình giữa một loại vũ khí đỉnh cao cùng với tài năng tuyệt vời của những phi công Israel đã tạo lên một "Đại bàng bất bại" tại Trung Đông.
Nhằm thuận tiện cho tấn công ban đêm, F-15I ban đầu được gắn Sharpshooter targeting pods thiết kế riêng cho F-16 của Israel.
Hệ thống Sharpshooter pod có tính năng kém hơn các cụm LANTIRN pods trang bị trên F-15E; do đó đến khi Hoa kỳ cho phép Israel mua hệ thống LANTIRN pods, họ đã tận dụng cơ hội.
Thương vụ này hoàn chỉnh tính năng bay đêm của F-15I, với 30 bộ LANTIRN pods được giao hàng.
Sau cải tiến này F-15I hầu như tương đương với F-15E. Khác biệt chủ yếu giữa F-15I và F-15E là F-15I không có hệ thống cảnh báo radar gắn sẵn.
F-15I được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp Elisra SPS-2110 của Israel. Một máy tính trung tâm và hệ thống GPS/INS gắn sẵn được nối kết. Tất cả các cảm biến của máy bay có thể liên kết với hệ thống DASH, cho phép cả 2 thành viên đội bay có được một cơ chế bắt mục tiêu hiệu quả mà ngay cả F-15E cũng không có.
Các hệ thống tiên tiến của F-15I Ra'am bao gồm radar APG-70 với khả năng lập bản đồ địa hình. Hình ảnh rõ nét do APG-70 cung cấp, bất chấp điều kiện địa hình và thời tiết, cho phép phát hiện mục tiêu những đối tượng khó tìm - như các đơn vị tên lửa, xe tăng và lô cốt - ngay cả trong những điều kiện bất lợi như sương mù, mưa to hay những đêm không trăng.
Hiện nay F-15I là chiến đấu cơ hạng nặng có khả năng mang vác nhiều vũ khí nhất với 10,5 tấn. Chúng là dòng tiêm kích đa năng trụ cột trong lực lượng không quân Israel.
Việt Hùng