Một chính trị gia Pháp đánh giá cao chính sách ngoại giao của Việt Nam
Nhận xét về chính sách đối ngoại của Việt Nam, ông Denis Rondepierre, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng cộng sản Pháp (PCF) cho rằng 'Việt Nam đang thực hiện một chính sách ngoại giao rất tích cực và xây dựng'.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Paris nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8) và Quốc khánh (2/9), ông Denis Rondepierre cho rằng việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 đã “mở đầu quá trình hội nhập khu vực của nước này và kết thúc giai đoạn bị cô lập”.
Theo ông, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của hiệp hội khu vực, tích cực thúc đẩy việc kết nạp các nước Lào, Myanmar, Campuchia. Với tổng số 630 triệu dân, ASEAN đã phát triển mạnh mẽ trở thành khu vực kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới.
Ông cho rằng Việt Nam đóng vai trò trung tâm trong việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển và xây dựng các chính sách của hiệp hội ASEAN như Hiến chương ASEAN (2008), Lộ trình xây dựng Cộng đồng chung ASEAN (2009-2015), Tầm nhìn ASEAN 2020 và nhiều nội dung thỏa thuận khác. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với mục tiêu tăng cường khả năng kết nối và phát huy vai trò to lớn hơn trong khu vực.
Đặc biệt năm 2020, đối với Ủy viên Ban Chấp hành PCF, là năm đánh một dấu mốc quan trọng khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN. Nước này đã nhanh chóng ưu tiên cuộc chiến chống lại đại dịch Covid trong chương trình làm việc của năm điều hành, trong đó một trong những chủ đề được đề cập đến là "sự gắn kết và khả năng đáp ứng", hai phẩm chất rất cần thiết để đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do đại dịch Covid-19 gây ra.
Một thành công khác của Việt Nam trong đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế được Ủy viên Ban Chấp hành PCF nhắc đến, đó là việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP). Sau tám năm đàm phán cam go, mười nước thành viên ASEAN, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đã cùng ký kết vào thỏa thuận lịch sự này vào ngày 15/11/2020, ngày cuối cùng của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (qua cầu truyền hình) và dưới sự chủ trì của Hà Nội. Việc ký kết Hiệp định, gắn kết 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và quy tụ 2,2 tỷ người, chính là “một thành công về mặt ngoại giao đối với Việt Nam”, ông khẳng định.
Phát tốt huy vai trò trên trường quốc tế
Theo ông Denis Rondepierre, không chỉ trong khu vực, Việt Nam còn đảm nhiệm thành công vai trò của mình ở Liên hợp quốc (LHQ). Tháng 4/2021, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã đưa ra một chương trình nghị sự của tháng bao gồm 15 diễn đàn công khai và 10 cuộc họp kín về các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế như tình hình Trung Đông, Syria, Yemen, Sudan, Nam Sudan, Mali, vùng Hồ Lớn, Tây Sahara, Colombia và Kosovo.
Dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua 4 diễn đàn về giải quyết hậu quả bom mìn, bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột vũ trang, hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức ở các khu vực và tiểu vùng khác nhau và bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ngày 24/6, Việt Nam đã bỏ phiếu tán thành Nghị quyết của LHQ phản đối Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba. Ông Denis Rondepierre cho rằng “ Tất cả những điều này cho thấy vị trí quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Đánh giá về hội nhập và mở cửa kinh tế, ông Denis Rondepierre cũng nhận thấy năm 2020 là một năm lịch sử đối với Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực để đi đến xóa bỏ 99% các hạng mục thuế quan song phương vào năm 2030. Được ký kết cùng với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), EVFTA đã nhận được 63% phiếu bầu ủng hộ và được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2/2020 và sau đó là 100% số phiếu bầu tại Quốc hội Việt Nam vào ngày 8/6/2020. Như vậy, sau Singapore, Việt Nam là nước thứ hai ở Đông Nam Á được ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh 27 thành viên ở châu Âu. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, EVFTA có khả năng tăng xuất khẩu của Việt Nam thêm 12% vào năm 2030.
Bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển kinh tế đối ngoại tích cực của Việt Nam, ông Denis Rondepierre cho rằng cùng với RCEP, nước này đã sớm có mối liên kết thương mại thuận lợi với hai khu vực chiếm gần 50% GDP toàn cầu. Ông kêu gọi hai nước Pháp và Việt Nam cần tăng cường hợp tác song phương để góp phần xây dựng các mối liên kết kinh tế này.
Nhận xét về quan hệ Pháp - Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành PCF cho rằng tuy hai nước có một giai đoạn lịch sử phức tạp, nhưng Pháp và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ từ lâu. Ngày nay, trao đổi thương mại giữa hai nước tập trung vào một số ngành then chốt. Pháp xuất khẩu hàng không, dược phẩm, nông sản sang Việt Nam và nhập khẩu hàng điện tử, dệt may từ nước này. Nhiều công ty Pháp đã đến làm ăn tại Việt Nam vì sự hấp dẫn của thị trường trong nước và khu vực, đặc biệt là mức tăng trưởng trung bình 7,2% trong mười năm qua và vị trí địa lý quan trọng của nước này.
Theo ông, Pháp và Việt Nam đã nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược và ngày càng củng cố mối quan hệ này trong những năm qua. Vào cuối năm 2020, với vị trí thứ 16, Pháp là quốc gia châu Âu thứ ba đầu tư vào Việt Nam sau Hà Lan (thứ 10) và Vương quốc Anh (thứ 15). Tính đến nay, Pháp có 614 dự án với tổng số vốn đầu tư là 3,6 tỷ USD ở Việt Nam.
Ngoài quan hệ kinh tế và thương mại, các mối quan hệ đối tác khác cũng phát triển, đặc biệt là trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang phải đương đầu. Việt Nam mong muốn phát triển hơn nữa năng lượng tái tạo và coi đó là một phần của chính sách tăng trưởng xanh của họ, được khởi xướng từ năm 2011. Ông Denis Rondepierre cho rằng Pháp hoàn toàn có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này với Việt Nam.
Khi Việt Nam gặp khó khăn về vấn đề tiêm chủng chống COVID, Pháp cũng đã sẵn sàng cung cấp vaccin và dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID-19. Trong lĩnh vực Pháp ngữ, Việt Nam cũng rất thích hợp để đóng vai trò nòng cốt trong quan hệ giữa châu Á và châu Âu.
Và cuối cùng, Ủy viên Ban Chấp hành PCF nhấn mạnh mối quan hệ Pháp - Việt còn mang cả dấu ấn mang tính lịch sử về truyền thống hữu nghị và đoàn kết tốt đẹp giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Pháp và khẳng định hai bên luôn mong muốn thực hiện các mục tiêu cụ thể nhằm tăng cường và phát triển mối quan hệ này.