Một chuyến tuần rừng

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi có chuyến tuần rừng cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo. Cùng đi với các anh, chúng tôi biết công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây đã được thực hiện tốt, nhưng vẫn còn đó trăn trở của cán bộ kiểm lâm về tình trạng người dân xâm canh, lấn chiếm đất rừng…

Đoàn tuần tra xác định các lô, khoảnh rừng bằng bản đồ.

Đoàn tuần tra xác định các lô, khoảnh rừng bằng bản đồ.

Rừng vẫn lên xanh

6 giờ kém 15 phút, khi mặt trời chưa vượt qua dãy Tam Đảo, một cuộc họp ngắn được tổ chức tại Trạm Kiểm lâm Ký Phú (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo). Anh Nguyễn Thành Công, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Quân Chu thông báo: Hôm nay chúng ta tổ chức tuần rừng định kỳ, có sự tham gia của đồng chí nhà báo. Xin giới thiệu một chút để đồng chí nhà báo nắm được, Trạm Kiểm lâm Ký Phú là 1 trong 5 trạm kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm trên địa bàn huyện Đại Từ. Ngoài Ký Phú, 4 trạm còn lại là: Quân Chu, Mỹ Yên, Hoàng Nông, Phú Xuyên. Mỗi trạm có từ 3 đến 4 cán bộ gồm: Trạm trưởng, trạm phó và 1 đến 2 kiểm lâm viên. Lực lượng tại các trạm thường xuyên phối hợp với nhau để tổ chức tuần rừng…

Sau 5 phút họp, chúng tôi lên đường. Các anh đã chuẩn bị sẵn máy định vị GPS, bản đồ, ống nhòm, lương khô và nước uống. Chúng tôi khởi đầu bằng việc lên xuồng cá nhân của gia đình anh Lê Văn Nam, xóm Chuối, chủ một hộ dân được khoán bảo vệ rừng để vượt hồ Vai Miếu vào mép rừng. Ngồi trên xuồng, các thành viên trong Đoàn thông tin nhanh: Với Vườn Quốc gia Tam Đảo, mỗi gia đình được khoán bảo vệ tối đa 30ha rừng, mỗi năm được hưởng tiền công giao khoán là 300.000 đồng/ha. Anh Lê Văn Nam tiếp lời: Gia đình tôi được giao khoán bảo vệ hơn 27ha từ năm 2016 đến nay. Sau khi nhận niệm vụ, cả nhà tôi thường xuyên đi kiểm tra rừng. Đến giờ, tôi đã nhớ từng khoảnh rừng, lô rừng được giao.

Xuồng lướt nhẹ trên mặt hồ, chẳng mấy chốc đã tới bờ bên kia. Cập bến, từ mép hồ đi khoảng 15-20 phút, chúng tôi tới khe núi phân ranh giới Vườn Quốc gia và đất của dân. Bước vào Vườn Quốc gia, ấn tượng đầu tiên trong tôi là sự phong phú của thảm thực vật. Cây cỏ “nép” mình dưới đất, phía trên là các loại cây bụi, dây leo và trên cao nữa là cây thân gỗ lớn. trạm trưởng Nguyễn Thành Công chỉ tay về phía cánh rừng bên cạnh bảo: “Ra trường, tôi về Trạm Kiểm lâm Ký Phú công tác từ năm 2003. Ngày ấy, cả cánh rừng đó trọc trắng, trơ đất đỏ au, giờ đã được phủ xanh. Tôi mượn Đoàn tuần tra chiếc ống nhòm đưa ngang mắt, từng thân cây bằng đùi, bằng thân người hiện ra. Tiếp tục đi sâu vào vùng lõi, chúng tôi bắt gặp những thân cây chò nâu, chò chỉ, thiều to đến mấy người ôm. Anh Đào Đức Huy, cán bộ Trạm Kiểm lâm Ký Phú vỗ vỗ tay vào một cây chò nâu thân to hơn 2 người ôm bảo: “Cây này ước có trên 100 năm tuổi”.

Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc địa bàn do Trạm Kiểm lâm Ký Phú quản lý có rất nhiều cây to hàng trăm năm tuổi. Trong ảnh: Các cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo bên cây thiều rừng.

Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc địa bàn do Trạm Kiểm lâm Ký Phú quản lý có rất nhiều cây to hàng trăm năm tuổi. Trong ảnh: Các cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo bên cây thiều rừng.

Giữa thảm thực vật phong phú ấy, anh Lê Ngọc Lý, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ký Phú giới thiệu: Trạm Ký Phú quản lý hơn 2.200ha rừng thuộc địa phận 3 xã Văn Yên, Ký Phú, Cát Nê của huyện Đại Từ. Diện tích này thuộc kiểu rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ nên đến nay, rừng đã có thảm thực vật đa dạng với nhiều cây to và một số loài động vật hoang dã đến sinh sống như: Khỉ, lợn rừng, hoẵng, cầy, sóc, gà rừng, trăn, rắn các loại... Những năm qua, diện tích rừng do Trạm Kiểm lâm Ký Phú quản lý không có hiện tượng chặt, phá rừng. Trạm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên khen thưởng, ghi nhận.

Chống "quặng tặc" để giữ rừng

Rừng xanh đầy sức sống nhưng để giữ rừng, các cán bộ kiểm lâm đã phải đổ biết bao mồ hôi, thậm chí cả máu. Trong chuyến tuần rừng, nghỉ chân bên bờ suối, tôi hỏi: Bao năm gắn bó với rừng khó khăn nhất trong việc giữ rừng của các anh là gì? Các cán bộ kiểm lâm nhìn nhau cười: Có lẽ là chuyện chống quặng tặc. Các anh đưa chúng tôi đến một điểm gần tuyến đường rừng bảo: Đây là vị trí chúng tôi từng đặt chốt để chống quặng tặc.

Năm 2005, một số người dân Ký Phú đi rừng đào được một loại đất rất cứng, nặng. Một số đầu nậu khoáng sản xác định đây là quặng đa kim nên bí mật thu mua. Vậy là, nhiều người dân trong xã bỏ ruộng, bỏ vườn lên rừng đào quặng. Thời điểm đó, các cán bộ Trạm Kiểm lâm Ký Phú rất vất vả, Trạm cử một số cán bộ lập chốt ngay trên con đường “huyết mạch” lên bãi quặng. Anh Lê Ngọc Lý nói: Vài tháng đầu, chốt phát huy tác dụng ngăn chặn người dân đi đào quặng trái phép nhưng sau đó, người dân tìm được con đường khác nên chúng tôi dỡ chốt này lên lập chốt ngay giữa bãi quặng. Cán bộ trực chốt thì người dân đi đường khác, đào nơi khác. Lực lượng chức năng đến thì người dân bỏ chạy, lực lượng chức năng đi thì người người dân quay lại đào. Đỉnh điểm của câu chuyện chống "quặng tặc" là việc ông Phạm Xuân Trường, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo (nay đã nghỉ hưu) bị "quặng tặc" hành hung. Ba đối tượng hành hung cán bộ kiểm lâm đã bị pháp luật trừng trị nhưng nỗi đau xót hơn là bao “máu” của rừng đã đổ.

Càng khó khăn, các cán bộ kiểm lâm càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Sau bao năm tháng ăn rừng, ngủ rừng, cuối cùng các anh đã ngăn chặn hoàn toàn việc người dân khai thác quặng trái phép. Đến nay, hiện tượng khai thác quặng không còn nữa, rừng đã bình yên.

Trăn trở việc xâm canh

Đi sâu vào vùng lõi Vườn Quốc gia Tam Đảo, chúng tôi vẫn bắt gặp những đồi chè rộng đến cả mẫu đang kỳ trổ búp mơn mởn. Các cán bộ kiểm lâm nhẩn nha câu chuyện: Đây là những diện tích người dân xâm canh vào Vườn Quốc gia và suốt thời gian qua đó vẫn là trăn trở lớn nhất của lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn huyện Đại Từ nói chung và Trạm Kiểm lâm Ký Phú nói riêng. Năm 1997, khi UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định thu hồi và giao đất cho Vườn Quốc gia Tam Đảo thì trong phần diện tích được giao có diện tích người dân canh tác đã nhiều năm. Bên cạnh đó, đường ranh giới và mốc giới được thiết lập khó xác định ở thực địa, một số vị trí chưa chuẩn xác, việc phối hợp quản lý ranh giới, mốc giới giữa Vườn Quốc gia và địa phương còn chưa chặt chẽ. Tình trạng xâm canh, xâm lấn đất trên dọc ranh giới Vườn Quốc gia với địa phương vẫn còn thường xuyên xảy ra.

Trong năm 2018 và 2019, việc điều chỉnh ranh giới Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc địa phận huyện Đại Từ đã được triển khai thực hiện. Đến nay, các thủ tục điều chỉnh ranh giới Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc địa phận huyện Đại Từ đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong khi chờ các thủ tục tiếp theo, công tác bảo vệ rừng, quản lý rừng của lực lượng kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng xâm lấn vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về trách nhiệm bảo vệ rừng và những lợi ích rừng mang lại, tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt công tác phòng, chống lấn chiếm rừng.

Đoàn tuần tra trở về khi mặt trời dần khuất sau dãy Tam Đảo, từng đàn chim về tổ, ríu rít trên những tán cây. Đất lành chim đậu - điều này thật đúng với những cánh rừng chúng tôi đã đi qua.

Quốc Tuân

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/mot-chuyen-tuan-rung-271933-108.html