Một con chó dại cắn liên tiếp 3 người ở Hà Nội

Sau khi cắn một người ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, con chó dại nặng khoảng 15kg di chuyển sang xã khác cùng huyện, cắn tiếp 2 người gồm một khách tham quan và một bảo vệ.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cơ quan này vừa tiến hành giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch dại tại hai xã Hiền Ninh và Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn và khai thác thông tin từ người dân tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú và thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh, hiện ghi nhận 1 ổ dịch dại trên chó liên quan hai địa phương này.

Khoảng 9h30 ngày 25/7, một con chó giống chó ta, nặng khoảng 15kg, xuất hiện tại thôn Lâm Trường (xã Minh Phú). Trong 1,5 giờ đồng hồ, con chó đã cắn, tiếp xúc với 13 con chó, mèo của 4 hộ gia đình và cắn 1 người tại thôn này.

Từ khoảng 11h đến 12h cùng ngày, con chó này di chuyển sang Việt Phủ Thành Chương, thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh và cắn 2 người (1 khách tham quan và 1 bảo vệ).

Nhân viên tại Việt Phủ Thành Chương đã đập chết con chó và báo nhân viên thú y xã Hiền Ninh, sau đó gửi mẫu đến Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với virus dại.

Theo CDC Hà Nội, tính đến ngày 29/7, cơ quan chức năng ghi nhận 3 người phơi nhiễm với con chó dại. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại.

UBND huyện Sóc Sơn đã họp để xác minh nguồn gốc con chó dại; yêu cầu người dân trên địa bàn nuôi chó, mèo phải xích nhốt, không được thả rông; bố trí đội tuần tra, tiêu diệt chó thả rông.

Theo báo cáo, xã Hiền Ninh hiện có 4.020 con chó, mèo; gần 93% đã tiêm phòng vắc xin dại; tại xã Minh Phú, tỷ lệ này là gần 94%.

Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại; hơn 70 trường hợp tử vong do bệnh này.

Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Thầy thuốc khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo liếm, cắn, cần rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì xối rửa vết thương bằng nước sạch (đây là biện pháp sơ cứu ban đầu, ngay lập tức để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn).

Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70 độ, cồn iod hoặc povidone - iodine (nếu có). Không nặn máu, không chà sát vết thương, tránh làm vết thương nặng hơn và không băng kín vết thương; không dùng thuốc nam để tự chữa bệnh.

Người dân bị chó, mèo cắn, cần đến ngay trung tâm y tế và trạm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mot-con-cho-dai-can-lien-tiep-3-nguoi-o-ha-noi-trong-do-co-khach-tham-quan-2307330.html