Một con người gang thép, trung kiênTin khác47 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướcChủ động nắm bắt 'cơ hội vàng' phục hồi, phát triển du lịch Xứ Lạng

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những tháng năm bi hùng của dân tộc trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước cũng đi vào quá khứ. Tuy nhiên, khi nhớ lại những ngày đấu tranh với kẻ thù trong chốn lao tù, ký ức của ông lại vụt lên những chuỗi ngày kiên cường, bất khuất trước kẻ thù thâm độc, tàn bạo. Không có điều kiện để gặp tất cả những con người gang thép, trung kiên ấy, nhưng chỉ với nhân chứng mà tôi được biết ông Giáp Văn Xếp (cựu chiến binh huyện Hữu Lũng, hiện đang sinh sống tại khu An Ninh, thị trấn Hữu Lũng), tôi đã phần nào hình dung được những gì mà ông và đồng đội đã phải trải qua…

Trong một buổi họp mặt những chiến sĩ bị tù đày ở các nhà tù Mĩ, ngụy do huyện Hữu Lũng tổ chức, tôi được nghe ông Giáp Văn Xếp kể về “những năm tháng không thể nào quên của mình”:

“… Mãi đến “lá đơn tình nguyện” thứ ba, tôi mới được gọi nhập ngũ, đó là tháng 12 năm 1964. Đến tháng 6 năm 1966, tôi được cử đi học Trường Hạ sỹ quan, Sư đoàn 250. Ra trường, sau ba tháng huấn luyện ở ngoài Bắc, tôi vào Nam. Vào mặt trận B3 Tây Nguyên, tôi được bổ sung vào Trung đoàn 24 đóng quân ở tỉnh Kon Tum. Tôi đã được tham gia nhiều chiến dịch nhưng trận đánh đêm 23, rạng ngày 24 tháng 2 năm 1969 đã để lại trong tôi một kỉ niệm khó quên.

Ông Giáp Văn Xếp (bên trái) và tác giả

Ông Giáp Văn Xếp (bên trái) và tác giả

Đại đội 2 chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh chặn một đoàn xe của địch đi tiếp viện cho mặt trận Đắc Tô – Tân Cảnh trên đường 14 và phá hủy cây cầu A Tô Pơ (đường Kon Tum). Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Cây cầu bị đánh sập, một số xe địch bị phá hủy. Chúng tôi chưa kịp rút quân thì “lực lượng phản ứng nhanh” của địch có xe tăng, xe bọc thép hỗ trợ ập đến, cả máy ủi, máy xúc đi cùng để khôi phục lại chiếc cầu vừa bị chúng tôi phá hủy. Chúng tôi lại nhanh chóng củng cố trận địa tiếp tục chiến đấu. Trận đánh giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt, pháo trên các xe tăng địch bắn xối xả vào trận địa chúng tôi, tiếp đến là những đợt phản công của bộ binh địch. Sau ít phút, chúng tôi đã bắn cháy hai xe tăng địch và hàng chục tên lính bị tiêu diệt. Quân ta cũng bị thương vong nhiều. Cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức, địch thì đông còn ta chỉ có một đại đội. Chúng tôi đã lọt vào vòng vây của chúng, nhiều chiến sĩ ta bị bắt và hy sinh. Tôi bị thương nặng, 3 vết ở đầu, 9 vết trên người, máu chảy ướt đẫm cả quần áo, tôi ngất đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong một gian phòng, chân tay bị còng chặt. Sáng hôm sau, một tên thiếu tá đến hỏi cung tôi. Lúc này, tôi lấy tên là Nguyễn Văn Quý, binh nhất. Tôi còn trẻ nên chúng có vẻ không nghi ngờ gì.

Nhưng không được lâu, khoảng 8 giờ tối ngày thứ năm, vẫn tên thiếu tá đó vào phòng tôi, nó gọi “Xếp!” hai, ba lần. Tôi lạnh toát người nghĩ: tại sao nó lại biết tên mình? Trấn tĩnh lại, tôi từ từ mở mắt, liếc nhìn nó với những suy nghĩ ngổn ngang và cũng chuẩn bị cách đối phó. Nó nhìn tôi vẻ giận dữ, rồi nó hỏi:

– Tại sao tôi gọi mà không thưa?

Tôi trả lời, vì ngủ say nên không biết. Nó hỏi tiếp:

– Tên là Xếp phải không?

Tôi im lặng không trả lời.

Một lát sau, có những tiếng chân người bước vào, rồi vẫn tiếng tên thiếu tá:

– Có đúng thằng này không? – Tiếng trả lời gọn lỏn, nhưng có vẻ ân hận: Phải!

Tôi quay ra nhìn về phía có tiếng trả lời đó thì nhận ra Đ, người cùng đơn vị cũng vừa bị bắt, vì không chịu được những đòn tra tấn của chúng nên đã khai tên tôi là Xếp – trung đội trưởng, đảng viên. Thế là những cú đấm liên hồi vào mặt, vào người tôi, máu mồm, máu mũi tôi trào ra.

Sáng hôm sau, chúng lại dẫn tôi về phòng giam và tiếp tục tra tấn, lần này, chúng dùng điện quay. Tôi ngất đi. Khi tôi tỉnh dậy, chúng lại dụ dỗ tôi bằng nhiều hình thức, kể cả dùng gái đẹp để mua chuộc. Một “Thiên nga” – gái của tâm lý chiến đến ngồi sát bên tôi giọng thủ thỉ, ngọt ngào:

– Anh Hai khai đi để được Chính phủ Quốc gia khoan hồng, thấy anh Hai bị đánh đập, thương anh Hai quá…

Cũng như những lần trước, tôi không nhận mình là đảng viên; lần này, chúng bắt tôi nằm trên tấm phản, chân tay bị căng ra, rồi chúng đổ nước xà phòng pha ớt vào mặt, vào mồm tôi. Một hồi lâu, bụng tôi đầy nước căng lên. Chúng đặt tấm ván lên bụng tôi rồi mỗi đầu ván, một thằng nhún lên nhún xuống như một trò chơi để nước trong bụng tôi trào ra…

Khi tôi tỉnh dậy, chúng lại dụ dỗ, tôi vẫn kiên quyết không nhận mình là đảng viên. Mục đích của chúng là nếu tôi khai là cán bộ, đảng viên thì phải biết tổ chức của tiểu đoàn, trung đoàn, nơi đóng quân, số lượng quân, kế hoạch của đơn vị…

Sau một tuần lễ, vết thương của tôi đã có giòi, tôi mới được thay băng và được vào cùng phòng giam với anh em ta. Gần một tháng sau, chúng tôi bị đưa ra đảo Phú Quốc. Qua thử thách, tôi đã được tổ chức tin tưởng, rồi được sinh hoạt cùng các đồng chí của mình.

Ở trại giam Phú Quốc được ba tháng, chúng tôi tổ chức hai cuộc đấu tranh tuyệt thực với bọn cai ngục. Lần thứ nhất vì chúng cho hóa chất vào nước mắm của tù nhân làm cho hơn 100 anh em chúng tôi bị ngộ độc. Lần thứ hai, chúng cho hóa chất vào nước tắm rửa, làm cả trại bị đau mắt. Chúng tôi vạch tội ác của chúng và đòi được hưởng quyền lợi theo quy ước của quốc tế:

– Không được đánh đập tù binh!

– Không dùng mọi hình thức đầu độc!

– Không bỏ tù binh chết đói!

– Tù binh được vui chơi, giải trí!

Cuộc đấu tranh bước đầu đã thắng lợi.

Năm 1970, chi bộ nhà tù tổ chức một cuộc vượt ngục. Đợt đầu, những đồng chí có sức khỏe, cán bộ cao cấp, đặc công, kỹ thuật pháo binh, xe tăng được lựa chọn. Tổng cộng 24 đồng chí. Kế hoạch được vạch ra rất cụ thể; một đường hầm dài 200 m được khoét trong gần 3 tháng đã hoàn thành. Cuộc vượt ngục thành công.

Sáng hôm sau, khi điểm danh thấy thiếu 24 người, chúng bắt bọn tôi ra sân phơi nắng để tra hỏi và phạt một ngày không ăn uống gì. Tên Nhu, Thượng sỹ nhất gọi một số người mà chúng nghi là đứng đằng sau cuộc vượt ngục ra tra khảo. Tôi là người đầu tiên chúng gọi vào phòng. Tên Nhu hỏi:

– Ai là người tổ chức đào hầm?

Tôi trả lời:

– Không biết!

Tên Nhu không nói gì thêm, mặt hắn lạnh lùng biến sắc rồi hắn đến lật mảnh vải đen bên cạnh tôi ngồi, tôi nhìn rõ, đó là bộ đồ nghề tra tấn. Tôi lạnh toát người khi nhận ra: 1 chiếc roi đuôi cá đuối, 1 chiếc búa đinh, 1 chiếc gậy vuông, một mặt có dòng chữ “gậy nói không nghe”, một mặt là dòng chữ “gậy bỏ ăn”. Rồi nó hỏi:

– Mày có khai không? Thích loại nào?

Tôi không trả lời. Sau đó, hắn kéo tay tôi đặt lên mặt bàn rồi cầm búa đinh đập rất mạnh xuống ngón tay trỏ bên bàn tay trái của tôi. Máu từ ngón tay tôi vọt ra. Bị đột ngột, tôi giật mình hất mạnh lên, máu văng ra bắn cả vào người nó. Tiếp theo là một thằng cao to, béo mập được mệnh danh là “hộ pháp” vào, đánh tôi 100 gậy, 50 gậy ở hai bả vai, 50 gậy vào hai bàn chân. Chiều hôm đó, tôi bị chúng tống giam vào “chuồng cọp”. Khoảng 8 giờ tối, anh em bên cạnh gọi tôi, không thấy tôi thưa liền hô lên:

– Trong này có người chết.

Cai ngục mở cửa bước vào, rồi bảo anh em khiêng tôi đi cấp cứu.

Tôi đã được thả tự do sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973. Thật không thể tưởng tượng nổi tôi đã nằm ở nhà lao 5 năm trời. Cứ nghĩ đến được chiến đấu, cùng lắm là hy sinh chứ tôi không nghĩ cuộc đời có lúc lại phải nằm trong “địa ngục trần gian” ngoài đảo Phú Quốc; càng nghĩ tổ chức đã gửi giấy báo tử về địa phương. Nay, tôi đột ngột trở về, niềm vui tột cùng đến với gia đình và bà con làng xóm, mọi người mừng cho tôi từ cõi chết trở về.

Năm 1974, tôi được tổ chức trong nhà lao đề nghị Mặt trận tặng bằng khen “Có thành tích dũng cảm đấu tranh với kẻ thù”. Ngày 14/4/1974, Thủ trưởng đơn vị B3 – Thái Bá Nhiệm đã ký quyết định tặng bằng khen cho tôi, nội dung: Đồng chí Giáp Văn Xếp, quê quán: xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn – Trung đội trưởng, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Đơn vị 24 – đã có thành tích: “Đấu tranh trong thời gian ở nhà tù của địch”. Ngày 7/1/2012, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký quyết định tặng kỷ niệm chương cho tôi với nội dung “Đã nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Những năm tháng đẹp nhất của con người đã được Giáp Văn Xếp cống hiến cho cách mạng. Khi đất nước được hòa bình, di chứng chuỗi ngày đấu tranh trong tù để bảo vệ cơ sở, bảo vệ tổ chức vẫn đeo đuổi ông qua tuổi xế chiều: vết thương tái phát mỗi khi trái gió trở trời… Song hễ có dịp ôn lại chuyện xưa, ông lại bồi hồi xúc động. Tuy rằng ông không kể lể công lao nhưng để có cuộc sống hòa bình hôm nay, thế hệ sau phải ghi nhớ công ơn của “những người gang thép, trung kiên”, đã hiến trọn tuổi xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

TRƯƠNG THỌ (Ghi theo lời kể của ông Giáp Văn Xếp, CCB huyện Hữu Lũng)

MAI TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/496547-mot-con-nguoi-gang-thep-trung-kien.html