Một công ty Trung Quốc phối hợp với Việt Nam đào tạo ngành vi mạch bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn được xem là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử dùng để sản xuất ra các sản phẩm phức tạp cho đến các sản phẩm đơn giản dân dụng.
Ngày 20/3, Trường ĐH GTVT TP.HCM cùng Gowin Semiconductor (Công ty bán dẫn Trung Quốc) và Học viện IC- FPGA tổ chức hội thảo "Empowering the semiconductor ecosystem: fostering collaboration between industry and education for technology", nội dung về ngành bán dẫn.
Theo trường ĐH GTVT TP.HCM, hội thảo công nghiệp bán dẫn được xem là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử dùng để sản xuất ra các sản phẩm phức tạp cho đến các sản phẩm dân dụng đơn giản.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, hướng tới phát triển nghiên cứu và đào tạo đa ngành, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ chip, vi mạch..., trường đã hợp tác với các tập đoàn như Siemens và Gowin Semiconductor để nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành và nghiên cứu trong lĩnh vực này.
"Đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn đối với lĩnh vực giao thông được ứng dụng ở các công việc thẩm định thiết kế trong sản xuất và lập trình phương tiện giao thông, chẳng hạn như xe ô tô điện, smart logistics…", ông Tuấn nói.
Đại diện Gowin Semiconductor cho biết sẽ cam kết tài trợ các phần mềm, thiết kế tham chiếu vi mạch và nâng cấp hạ tầng phòng thí nghiệm để giảng viên và sinh viên nghiên cứu.
Gowin Semiconductor kỳ vọng UTH sẽ cùng đi xa hơn, mở rộng lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ chip và vi mạch.
Gowin cũng đồng ý tài trợ và không hủy ngang quyền sử dụng 50 phần mềm Gowin EAD trong vòng 10 năm cho UTH. Số tiền tài trợ trị giá 250.000 USD (khoảng 6 tỷ đồng) để đào tạo về chip và chất bán dẫn.
Tại hội thảo, Trường ĐH GTVT TP.HCM và Gowin Semiconductor ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai các kế hoạch đào tạo và dự án nghiên cứu khoa học trong thời gian sắp tới.
Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM cho biết: "Tôi từng có đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này.
Công nghiệp bán dẫn, chip, vi mạch điện tử là xu thế phát triển trong tương lai, rất cần trong các lĩnh vực.
Hiện nay trong khu công nghệ cao có rất nhiều công ty liên quan công nghệ thông tin, tuy nhiên mới chỉ là nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm rất đơn giản, ta chưa sản xuất được những vi mạch điện tử.
Chẳng hạn như sản xuất cái ti vi, mới chỉ làm ra được các con ốc, còn vẫn phải nhập về các linh kiện để lắp ráp…".