Một cuộc chiến mới

Có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (Nghị định 117) được kỳ vọng sẽ uốn nắn nhận thức, hành vi của người hút thuốc nơi công cộng nhờ chế tài xử phạt nặng các hành vi vi phạm về địa đ2iểm cấm hút thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá; phòng, chống tác hại thuốc lá... Thế nhưng, sau nửa tháng thực thi, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng trên địa bàn toàn quốc vẫn diễn ra phổ biến.

Ghi nhận thực tế tại các địa điểm được Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gồm: cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe, nhà ga, công viên, trên đường giao thông..., không khó để bắt gặp nhiều người vẫn phớt lờ biển báo cấm hút thuốc, thản nhiên nhả khói, khiến nhiều người trở thành đối tượng hít khói thuốc lá thụ động.

Dường như mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm đã tăng gấp đôi so với trước, lên đến 500 nghìn đồng, vẫn chưa được nhiều người biết tới hoặc cố tình vi phạm vì không thấy lực lượng chức năng nhắc nhở và cũng chưa có cá nhân nào bị phạt do hút thuốc ở những nơi cấm.

Mặc dù việc tăng chế tài xử phạt các vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được đông đảo người dân đồng tình nhưng rõ ràng chúng ta thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Những người có trách nhiệm quản lý các địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá chưa quan tâm, nhìn nhận công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá như là nhiệm vụ chính thức, thường xuyên.

Thế nên, nhiều hàng quán vô tư bán thuốc lá cho người trẻ tuổi dù Nghị định 117 quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Tình trạng tiếp thị thuốc lá nơi công cộng hay quảng cáo thuốc lá trên môi trường mạng xã hội chưa bị xử lý triệt để dù mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là một trong 4 nước có tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất châu Á, khiến 34,5 triệu người Việt “hít khói thuốc thụ động” và đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Để xây dựng môi trường không khói thuốc lá, nhiều nhà quản lý cho rằng, cùng với việc tăng cường tuyên truyền tác hại thuốc lá, cần đẩy mạnh việc kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định.

Nghị định 117 mở rộng thẩm quyền và đa dạng cách thức xử phạt hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được coi như đã mở ra một giai đoạn mới của cuộc chiến chống khói thuốc nơi công cộng. Theo đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá thuộc nhiều cơ quan, lực lượng căn cứ theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách như: Chủ tịch UBND các địa phương; Thanh tra các ngành: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo...; Công an; Quản lý thị trường; BĐBP...

Tuy nhiên, để xử phạt nghiêm hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm, thiết nghĩ các địa phương cần xây dựng cơ chế phối hợp, huy động sự vào cuộc của các lực lượng chức năng; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát, xử lý vi phạm và có chế tài kỷ luật với các tổ chức, cơ quan, cá nhân không tuân thủ các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá..

Ngoài ra, Nghị định 117 đã trao căn cứ xử phạt vào tay cộng đồng. Cộng đồng giám sát, phát hiện và gửi bằng chứng bằng hình ảnh, clip cho cơ quan chức năng để tiến hành xử phạt nguội. Cách thức này được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực như những chiến dịch truyền thông về an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm... Chỉ khi mỗi người dân chủ động, tích cực lên tiếng “nói không với thuốc lá nơi công cộng”, người vi phạm sẽ tự khắc phải điều chỉnh hành vi, thói quen, từ đó tạo bước ngoặt về nhận thức.

Với các giải pháp trên, kỳ vọng cả nước sẽ sớm xây dựng được môi trường không khói thuốc lá.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mot-cuoc-chien-moi-post435441.html