Một cuộc thảo luận quan trọng
Sáng 17/5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc thảo luận về trần nợ công với lãnh đạo Quốc hội. Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày trước khi ông Joe Biden lên đường sang Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Chính vì vậy, khung thời gian để đạt được thỏa hiệp tương đối ngắn và điều này đã khiến các chủ ngân hàng lo lắng.
Cuộc họp diễn ra tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cùng lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell.
Ngay trước thềm cuộc họp, Tổng thống Joe Biden bày tỏ lạc quan khi cho rằng, cả hai phía đều muốn một thỏa thuận và ông tin rằng điều này sẽ đạt được trong tuần này. Trái lại, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy lại tỏ thái độ khá bi quan rằng, hai bên vẫn còn nhiều khác biệt và đặc biệt là phía đảng Dân chủ không thực sự nghiêm túc trong đàm phán.
Hạ viện Mỹ, do phe Cộng hòa nắm thế đa số, đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, song lại đi kèm với điều kiện cắt giảm mạnh chi tiêu của Chính phủ, vốn là điều mà Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ phản đối. Ðảng Cộng hòa đồng ý nâng trần nợ, nhưng yêu cầu cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực quốc phòng, giáo dục, đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với các chương trình phúc lợi xã hội, rút lại nhiều kế hoạch trong Ðạo luật Giảm lạm phát do người đứng đầu Nhà Trắng khởi xướng. Nhà Trắng tuyên bố, dự luật của đảng Cộng hòa không có cơ hội trở thành luật, bởi Tổng thống Joe Biden sẽ không bao giờ buộc các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và người lao động chịu gánh nặng từ việc giảm thuế cho người giàu, như dự luật trên đề xuất.
Theo tính toán của Bộ Tài chính Mỹ, Chính phủ Mỹ sẽ không thể tiếp tục đáp ứng tất cả nghĩa vụ tài chính từ đầu tháng 6 tới, nếu Quốc hội không nâng mức trần hoặc đình chỉ áp dụng giới hạn nợ công. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ cũng ước tính, các khoản thu thuế đến hết tháng 4 vừa qua ít hơn so với dự đoán của CBO đưa ra hồi tháng 2, do đó nhiều khả năng Bộ Tài chính Mỹ sẽ “cạn tiền” vào đầu tháng 6 tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhiều lần tái khẳng định quan điểm nếu Quốc hội không tăng mức trần nợ, hậu quả đối với nền kinh tế sẽ rất nghiêm trọng. Theo bà, việc rơi vào cảnh vỡ nợ sẽ xóa bỏ những thành quả mà nước Mỹ đã rất nỗ lực mới có được trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, làm lung lay vị thế nền kinh tế số 1 thế giới. Mất việc làm, hay đối mặt các khoản thanh toán, chi phí vay thế chấp, tín dụng tăng cao là những tổn thất mà người dân Mỹ phải hứng chịu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ không thể trả các khoản nợ. Niềm tin vào hệ thống tài chính quan trọng nhất thế giới bị lung lay có thể châm ngòi một cuộc suy thoái toàn cầu. Vì vậy, các nhà quản lý kinh tế tại các nước đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tài chính của Mỹ và hy vọng giới chức Mỹ sẽ có quyết định đúng đắn, kịp thời ngăn chặn những rủi ro có thể xảy đến với tiến trình phục hồi vẫn mong manh của nền kinh tế toàn cầu.
Trước tình hình hiện tại, các chuyên gia đặt câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ? Trái phiếu Chính phủ Mỹ đóng vai trò làm nền tảng cho hệ thống tài chính toàn cầu. Chính vì vậy rất khó để đánh giá đầy đủ tác động và thiệt hại mà một vụ vỡ nợ sẽ tạo ra. Các giám đốc điều hành của Phố Wall, chuyên gia tư vấn cho các hoạt động nợ của kho bạc, đã cảnh báo rằng sự rối loạn chức năng của thị trường kho bạc sẽ nhanh chóng lan sang thị trường phái sinh, thế chấp và hàng hóa.
Các nhà phân tích cho biết các tổ chức tài chính có thể yêu cầu các đối tác thay thế trái phiếu bị ảnh hưởng bởi các khoản thanh toán bị mất. Ngay cả việc vượt mức trần nợ trong thời gian ngắn cũng có thể dẫn đến lãi suất tăng đột biến, giá cổ phiếu giảm và vi phạm giao ước trong tài liệu thỏa thuận cho vay. Công ty Moody's Analytics dự báo các thị trường tài trợ ngắn hạn cũng có thể sẽ đóng băng.
Hiệp hội Thị trường Tài chính và Công nghiệp Chứng khoán (SIFMA), một tập đoàn hàng đầu trong ngành, đã xuất bản một cuốn sổ tay hướng dẫn chi tiết cách các bên liên quan trong thị trường Kho bạc, bao gồm Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Công ty Bù trừ Thu nhập Cố định (FICC), các ngân hàng thanh toán bù trừ và các đại lý Kho bạc, sẽ xử lý ra sao trước và trong những ngày chính phủ bỏ lỡ các khoản thanh toán.
Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là kho bạc sẽ kéo dài thời gian từng ngày một để trả lại tiền cho các trái chủ bằng cách thông báo trước một khoản thanh toán và nói rằng họ sẽ luân chuyển các chứng khoán đáo hạn đó. Điều đó sẽ cho phép thị trường tiếp tục hoạt động nhưng tiền lãi có thể sẽ không bị tính gộp vào khoản thanh toán bị trì hoãn. Trong kịch bản hỗn loạn nhất, kho bạc không thanh toán được cả tiền gốc và phiếu lãi cũng như không gia hạn thời gian đáo hạn. Trái phiếu chưa thanh toán không còn có thể giao dịch và sẽ không còn được chuyển nhượng trên Dịch vụ Chứng khoán Fedwire.
Dù thế nào đi chăng nữa thì mỗi kịch bản đều có thể gây ra các vấn đề quan trọng trong quá trình vận hành thị trường và yêu cầu các tổ chức ngân hàng điều chỉnh thủ công hàng ngày trong quy trình giao dịch và thanh toán. Ông Rob Toomey, Giám đốc điều hành kiêm Phó tổng cố vấn của SIFMA, cho biết: “Thật khó khăn vì đây là điều chưa từng xảy ra. Tất cả những gì chúng tôi đang cố gắng làm là đảm bảo rằng chúng tôi cùng với các đối tác xây dựng một kế hoạch để giúp họ vượt qua những tình huống có thể làm xáo trộn thị trường vốn”.
Ðều tỏ ra khá cứng rắn trong đàm phán thời gian qua, song theo giới quan sát, trước sự cấp bách của tình hình hiện nay, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn sẽ thỏa hiệp và có sự nhượng bộ nhất định, để tránh đẩy Chính phủ Mỹ vào tình trạng vỡ nợ, với hậu quả khôn lường.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/mot-cuoc-thao-luan-quan-trong-i693737/