Một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn!

Sau khi bị Pháp xâm chiếm: Việt Nam bị xóa tên trên bản đồ thế giới, thay vào đó là bốn chữ 'Đông Dương thuộc Pháp'. Từ đó, đồng bào ta bị khinh miệt, bị gọi là 'lũ Annamít dơ bẩn' và còn bị áp bức, bóc lột rất tàn tệ: 'Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ / Anh chạy vào Đất Đỏ làm phu / Bán thân đổi mấy đồng xu / Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng!' (Tố Hữu). Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã lật đổ nền quân chủ, đánh tan xiềng xích thực dân, giành chính quyền về tay Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: 'Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta'.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở Việt Nam. Từ thắng lợi to lớn đó, đã cổ vũ Nhân dân ta kiên cường đấu tranh chống “thù trong - giặc ngoài”, vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Từ năm 1954 đến năm 1975, tiếp tục phát huy tinh thần “... Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, cả nước thống nhất quá độ đi lên CNXH.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi còn là tấm gương, là nguồn cổ vũ cho các quốc gia - dân tộc khắp Á - Phi và Mỹ La-tinh. Nó chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do; đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân và biết tranh thủ sức mạnh của thời đại thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Giáo sư người Nga Aleksandr Sokolovsky cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự hình thành của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa rất to lớn. Động lực thúc đẩy cuộc cách mạng này chính là tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp Nhân dân Việt Nam. GS Sokolovsky nhấn mạnh: “Tôi không hình dung điều gì sẽ đến với Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng này, thậm chí khái niệm Việt Nam thống nhất cũng sẽ không tồn tại. Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một trang sử mới, một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam”. Thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám cũng là chủ đề nghiên cứu của các chuyên gia, sử gia người Pháp. Nhà sử học Alain Ruscio (người có hơn 30 năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và có ít nhất 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, các cuộc kháng chiến, về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam…) Ông viết: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính logic trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở Châu Phi”. Lịch sử thế giới thế kỷ XX đã ghi nhận Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở đầu trào lưu phi thực dân hóa trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, trực tiếp góp phần “làm biến đổi bản đồ thế giới”.

Kể từ đó đến nay, Việt Nam từ một quốc gia đói nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình cao, thu nhập bình quân đầu người vượt mức 100 triệu đồng/năm; theo báo cáo năm nay, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 (năm 2023) lên vị trí 54/ 143… Từ một đất nước bị cô lập ngặt nghèo, Việt Nam đã trở thành quốc gia có quan hệ với hầu hết các nước và các tổ chức quốc tế và là quốc gia duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”…

Kế thừa truyền thống Cách mạng Tháng Tám, mỗi chúng ta cùng ra sức góp phần thực hiện Di chúc của Bác: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

TRUNG THÀNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mot-cuoc-thay-doi-cuc-ky-to-lon--a404272.html