Một cuộc thi sâu sắc!
Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu của Báo Người Lao Động đã có kết quả với 6 giải thưởng được công bố.
Qua cảm nhận và thu hoạch từ những bài viết vào chung khảo, có thể thấy bài học lớn nhất của nghề giáo là bài học về nhân cách và lương tâm nghề nghiệp. Khi chọn nghề, hầu hết các nhà giáo đều có lòng yêu người, yêu nghề; nhưng chỉ có ai kiên trì, miệt mài mới cống hiến bền lâu với nghề. Người kỹ sư xây nhà, 6 tháng là thấy ngay thành quả; còn người dạy học có khi vài mươi năm sau mới biết học trò mình trưởng thành như thế nào. Không kiên nhẫn thì lúc khó khăn sẽ dễ buông xuôi.
Những khuyết điểm trong ứng xử của nhà giáo với học trò phần lớn là do thiếu kiên nhẫn. Cái cây còn không thể uốn thẳng ngay một lúc, huống chi là con người. Vì vậy, người nôn nóng, dễ căng thẳng không nên làm nghề giáo. Những cô giáo, thầy giáo trong bài dự thi đã đi trọn con đường của nghiệp giáo nhờ đức tính kiên trì đó. Thật là cảm động hình ảnh của các cô giáo vùng cao, như cô Nguyễn Thị Tý dạy học ở điểm trường Nóc Ông Bình trên núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng! Việc đó chỉ có thể làm được với lòng thương yêu, tinh thần trách nhiệm, nghị lực, sự tận tụy.
Nghề giáo cần sự sáng tạo trong phương pháp truyền thụ phù hợp với từng môi trường giáo dục, từng hoàn cảnh cụ thể của người học. Trong lúc báo chí đưa tin nhiều trường hợp trẻ em bị đuối nước rất thương tâm, thật ấm lòng khi biết một nhóm 5 thầy giáo tốt nghiệp ngành thể dục - thể thao đã tình nguyện mở những lớp dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn học sinh vùng rốn lũ ở Quảng Trị. Không có hồ bơi, các thầy đã thiết kế lớp học ngay trên dòng kênh (bài "Lặng thầm ngăn dòng nước mắt"). Ước gì ở đâu cũng có những thầy giáo xả thân như thế.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ cung cấp cho con người nhiều kiến thức mới mà nhà trường nhiều khi không theo kịp. Vì vậy nhà giáo phải tự học suốt đời với tinh thần cầu thị và khiêm tốn. Khi xuất bản tập thơ, thầy Hoàng Hiếu Nghĩa không nhờ em ruột là nhà văn nổi tiếng viết lời giới thiệu mà nhờ học trò Hoàng Minh Đức viết, điều đó thể hiện đức khiêm tốn của người thầy giáo. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hải mời học trò cũ Trần Vũ Nguyên về nói chuyện truyền đạt kinh nghiệm với sinh viên báo chí là mời với tư cách một đồng nghiệp, cho nên cô đón và tiễn người học trò cũ ngay tận cổng trường.
Đó chính là tinh thần của câu "Tiên học lễ, hậu học văn". "Lễ" không phải là khoanh tay cúi đầu, gọi dạ bảo vâng, thầy nói gì trò nghe nấy. Hiểu "lễ" như thế thì nông cạn quá. "Lễ" là cách ứng xử có phẩm chất văn hóa giữa người và người, giữa thầy và trò. Học trò trân trọng thầy cô giáo và thầy cô giáo trân trọng học trò, đó là "lễ". "Lễ" như vậy chính là văn hóa, là đạo đức xuất phát từ truyền thống dân tộc mà vẫn luôn vận động thích ứng với thời đại.
Tôi thích những bài viết chân thật, giản dị mà cảm động trong cuộc thi này. Sức thuyết phục đâu phải bằng ngôn từ hoa mỹ hay những câu khẩu hiệu, mà chính từ những tấm gương nhà giáo với hình ảnh luôn ghi tạc trong lòng học trò. Thì ra dưới thời nào, trong những ngôi trường xa xôi nhất, các nhà giáo luôn giữ được ngọn đuốc của lý tưởng nghề nghiệp để truyền lại cho các thế hệ đến sau.
(*) Thành viên Ban Chung khảo cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 1
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/mot-cuoc-thi-sau-sac-20221117225833423.htm