Một 'đại dịch' khác ở Hàn Quốc
Theo một báo cáo gần đây từ tạp chí The Economist, Hàn Quốc đang có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến 2022, Hàn Quốc đã phải vật lộn với một thực tế đáng lo ngại khi số vụ tự tử, là 39.267 vụ, đã vượt cả số ca tử vong vì Covid-19 (32.056 ca), Korea Bizwire đưa tin.
Theo một báo cáo gần đây từ tạp chí The Economist của Anh, Hàn Quốc hiện có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
So sánh với các quốc gia OECD khác, tỷ lệ tự sát của Hàn Quốc là 24,1 trên 100.000 người, vượt qua tỷ lệ quan sát được ở Litva (20,3) và Slovenia (15,7).
Đặc biệt, con số ghi nhận đối với nữ giới cao ở mức đáng báo động: tỷ lệ tự tử của nữ giới là 13,4, đứng thứ 4 trên toàn cầu. Chỉ có Lesotho, Guyana và Zimbabwe có tỷ lệ này cao hơn.
Thực tế đáng lo ngại này, cùng với tỷ lệ sinh 0,78 trẻ em trên một phụ nữ - thấp nhất trong OECD - đã tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc và không thể phủ nhận ở xứ củ sâm.
Chống tự tử từ không gian mạng
Giải quyết vấn đề tự tử trở thành một thách thức cấp bách của chính phủ Hàn Quốc, đặc biệt giữa bối cảnh gia tăng chia sẻ thông tin và sự phổ biến của các nền tảng trực tuyến liên quan.
Tính cấp bách của việc giải quyết vấn đề lan truyền thông tin khuyến khích tìm đến cái chết được thúc đẩy mạnh hơn sau vụ việc bi thảm xảy ra vào ngày 16/4, khi vụ tự sát của một học sinh tuổi teen ở quận Gangnam (Seoul) được phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Vụ việc này làm dấy lên mối lo ngại về khả năng bắt chước hành vi của thanh thiếu niên dễ bị tổn thương.
Trong nỗ lực chống lại làn sóng gia tăng của nội dung trực tuyến hỗ trợ hoặc khuyến khích tự tử, Bộ Y tế và Phúc lợi, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA) và Quỹ Phòng chống Tự sát Hàn Quốc (KFSP), đã công bố ra mắt chương trình một chiến dịch toàn diện.
Từ ngày 5 đến 16/5, sáng kiến chung hướng tới xóa bỏ thông tin gây ra hành vi tự tử khỏi các nền tảng công cộng, theo báo cáo của Bộ.
Những báo cáo gần đây cho thấy các nội dung tạo điều kiện cho tự tử, tác động lớn đến thanh thiếu niên dễ bị tổn thương đang gia tăng nhanh chóng. Sự lan truyền của thông tin đau buồn gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe của những cá nhân dễ bị ảnh hưởng bởi nó.
Phạm vi của thông tin bao gồm nhiều nội dung nguy hiểm, như tìm kiếm bạn đồng hành, đề xuất rõ ràng về các phương pháp tự sát và buôn bán hoặc sử dụng các vật phẩm nguy hiểm liên quan đến việc tự làm hại bản thân.
Dữ liệu đáng lo ngại do Tổ chức Hy vọng và Tôn trọng Cuộc sống Hàn Quốc biên soạn cho thấy sự tăng lên nhất quán của các báo cáo thông tin về hành vi tự tử trong 5 năm qua, kéo dài từ năm 2018 đến 2022.
Các số liệu thống kê nêu bật sự gia tăng đáng kinh ngạc về số bài đăng gạ gẫm bạn đồng hành tự sát, tăng vọt lên 18.889 vào năm 2022, gấp gần 5 lần so với con số 3.920 của năm trước đó.
Ngoài ra, năm 2022, báo cáo cho thấy số bài đăng về các phương pháp tự tử cụ thể đã tăng gấp 3 lần; số lượng các bức ảnh hoặc video liên quan là 126.742, tăng 76,1% so với năm 2021.
Đồng hành
Để chống lại cuộc khủng hoảng, những cá nhân từ 19 tuổi trở lên được mời tham gia các chương trình giáo dục và hoạt động báo cáo thông qua "Hệ thống giám sát thông tin tự tử trên phương tiện truyền thông".
Bằng cách xác định và báo cáo nội dung tự tử trực tiếp cho nhà cung cấp dịch vụ thông tin và truyền thông, những người tham gia có thể góp phần xóa nội dung đó với sự hỗ trợ khẩn cấp thông qua các nỗ lực hợp tác của NPA.
Sự hỗ trợ của người thân cũng đóng vai trò quan trọng trong giúp đỡ và ổn định tinh thần cho người đang đấu tranh với ý định tự sát.
Báo cáo kết quả phỏng vấn khám nghiệm tử thi tâm lý năm 2021 được công bố gần đây của Bộ Y tế Hàn Quốc đã đưa ra một thống kê đáng lo ngại: 94% nạn nhân tự sát có các dấu hiệu cảnh báo, nhưng chỉ có 22,7% người ngoài cuộc có thể nhận ra các dấu hiệu này.
Tiết lộ này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về nâng cao nhận thức và hiểu biết xung quanh các dấu hiệu cảnh báo về tự sát.
Người thân, bạn bè và người quen đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định và phản ứng lại với các tín hiệu đau khổ này.
Bằng cách thúc đẩy một môi trường của sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và sự tham gia tích cực, có thể can thiệp và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho những người gặp khó khăn.
Kwak Sook-young, một quan chức chính sách sức khỏe tâm thần của Bộ Y tế, cho biết: "Chúng tôi mong muốn thúc đẩy một nền văn hóa đánh giá cao sự thiêng liêng của cuộc sống bằng cách trao quyền cho các cá nhân chủ động xác định và ngăn chặn thông tin gây ra hành vi tự tử".
Tiến sĩ Hwang Tae-yeon, Chủ tịch KFSP, nhấn mạnh sự cần thiết không chỉ của công chúng mà cả các nhà cung cấp thông tin và truyền thông phải tích cực tham gia, từ đó loại bỏ nội dung gây tự tử trực tuyến khỏi không gian kỹ thuật số.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-dai-dich-khac-o-han-quoc-post1437436.html