Một điểm yếu của Mỹ lại chính là 'quân bài mạnh' với Trung Quốc, ông Trump trở lại có lợi hại hơn?

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1 và nhiều chuyên gia dự báo, ông sẽ khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đất hiếm là một trong những nguồn tài nguyên dự kiến bị cuốn vào cuộc chiến này.

Khai thác đất hiếm tại mỏ Bayan Obo (Bạch Vân Ngạc Bác) ở Nội Mông, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Khai thác đất hiếm tại mỏ Bayan Obo (Bạch Vân Ngạc Bác) ở Nội Mông, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ và Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy, Trung Quốc hiện đang kiểm soát khoảng 70% sản lượng đất hiếm trên toàn cầu.

Các nguyên tố đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh, chất bán dẫn và pin xe điện (EV), máy bay chiến đấu F-35, máy bay không người lái, tourbin gió, hệ thống radar, lò phản ứng hạt nhân...

Tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng đất hiếm đang trở thành mối lo ngại ngày càng tăng của các chính phủ trên toàn thế giới.

Cuối năm 2024, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu gali, germani, antimon sang Mỹ, sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden công bố lệnh hạn chế đối với việc bán chip và máy móc tiên tiến cho quốc gia này.

Động thái này được nhiều chuyên gia đánh giá là mang tính biểu tượng vì nền kinh tế lớn nhất thế giới còn có nhiều nguồn cung cấp gali và germani khác.

Dù vậy, đây cũng là hành động đánh dấu sự leo thang trong việc Bắc Kinh sử dụng đất hiếm như một công cụ để đạt được lợi thế địa chính trị. Hồi tháng 10/2024, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tuyên bố, đất hiếm là tài sản nhà nước.

Trung Quốc có "vũ khí" quan trọng

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia cho rằng, ông Trump sẽ khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông chủ mới của Nhà Trắng cam kết áp đặt một loạt các hạn chế thương mại mới đối với Trung Quốc - từ mức thuế 10% đối với hàng hóa vì Bắc Kinh không hạn chế xuất khẩu fentanyl, cho đến mức thuế 60% đối với các hành vi thương mại không công bằng.

Đáp trả những mức thuế quan nói trên, Bắc Kinh được có thể sử dụng "quân bài mạnh": Đất hiếm.

Ông Ryan Castilloux, chuyên gia về đất hiếm tại công ty nghiên cứu và tư vấn Adamas Intelligence có trụ sở tại Canada nhận định rằng: "Trong khoảng 12 đến 18 tháng tới, bối cảnh địa chính trị toàn cầu sẽ đầy rẫy những yếu tố bất ngờ có thể tác động đáng kể đến triển vọng của chuỗi cung ứng đất hiếm.

Mỹ đặc biệt quan ngại về các loại đất hiếm như neodymium, praseodymium, dysprosi và terbi, được sử dụng để sản xuất nam châm neodymium mạnh".

"Đất hiếm là công cụ quan trọng Trung Quốc đang sử dụng trong việc đáp trả các hành động của Mỹ khi chiến tranh thương mại xảy ra" - Ông Rick Waters, Giám đốc điều hành Eurasia Group.

Theo chuyên gia này, đất hiếm và các sản phẩm như nam châm đất hiếm được coi là "điểm yếu" đối với các nhà sản xuất và ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.

Đến nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới và các đồng minh chưa phát triển được nguồn cung thay thế nào ngoài Trung Quốc.

Washington có thể mua đất hiếm ở nhiều quốc gia như Angola, Australia, Brazil, Canada và Nam Phi. Thế nhưng, việc rời xa đất hiếm của Bắc Kinh vẫn là nhiệm vụ đầy thách thức.

Đồng quan điểm, ông Rick Waters, Giám đốc điều hành Eurasia Group nhận định, đất hiếm là công cụ quan trọng Trung Quốc đang sử dụng trong việc đáp trả các hành động của Mỹ khi chiến tranh thương mại xảy ra.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt thuế quan trả đũa lẫn nhau. Thời điểm đó, Bắc Kinh có ít đòn bẩy hơn vì xuất khẩu sang Washington nhiều hơn.

"Vì vậy, bốn năm qua, Trung Quốc đã nghĩ ra khung pháp lý khác liên quan đến đất hiếm, điều họ có thể sử dụng như một loại 'vũ khí' quan trọng trong xung đột thương mại", ông Waters nói.

Trong khi đó, ông Neha Mukherjee, nhà phân tích cấp cao về khoáng sản quan trọng tại Benchmark Mineral Intelligence cho biết, đất nước tỷ dân có thể duy trì sự thống lĩnh trong ngành này nhờ quy mô kinh tế, trợ cấp của chính phủ và sở hữu lượng hàng dự trữ khổng lồ. Những điều này giúp giá đất hiếm của Trung Quốc ưu đãi hơn so với các quốc gia khác.

"Đất nước châu Á tập trung vào việc giữ giá đất hiếm ổn định để hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện trong nước", ông Neha Mukherjee nói thêm.

Không chỉ thế, mức giá cả thấp - gần như độc quyền và không thể cạnh tranh hơn - của Trung Quốc đã khiến việc vận hành các mỏ đất hiếm trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư.

Một số mẫu đất hiếm. (Nguồn: Scanpix)

Một số mẫu đất hiếm. (Nguồn: Scanpix)

Mỹ "lép vế" hơn

Về phía Mỹ, ông Mike Walden, Giám đốc cấp cao của TechCet, một công ty tư vấn chuyên về chuỗi cung ứng điện tử cho hay, để bảo đảm nguồn cung cấp đất hiếm, năm 2018 Mỹ mở lại mỏ Mountain Pass ở Sa mạc Mojave, California - được MP Materials phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1870.

Từ đó, công ty xây dựng nên một nhà máy sản xuất nam châm ở Texas. Đồng thời, nhiều dự án khác đang được phát triển trên khắp Bắc Mỹ.

Ông Walden nhận thấy, những dự án như vậy có thể giúp Mỹ vượt qua "cơn bão", nếu Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu đất hiếm.

Tuy nhiên, ông chỉ rõ, điểm mấu chốt là các cơ sở nói trên có đủ để hỗ trợ tất cả nhu cầu của Mỹ không? "Câu trả lời là không", Giám đốc cấp cao của TechCet nói.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, ngay cả khi có các mỏ sản xuất, khai thác đất hiếm, một số loại vẫn phải gửi đến Trung Quốc để chế biến.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kiểm soát 90% hoạt động chế biến đất hiếm nặng - một nhóm đất hiếm ít phổ biến nhưng vẫn rất quan trọng đối với việc sản xuất xe điện, tourbingió và cáp quang. Vì vậy, Washington vẫn chưa thể "xa lánh" hoàn toàn các vấn đề liên quan đến đất hiếm với Bắc Kinh.

Chờ đợi cách xử lý của ông Trump

Chỉ còn vài ngày nữa, ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng và chưa biết cách ông tiếp cận với ngành công nghiệp đất hiếm sẽ thế nào.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã ban hành lệnh hành pháp tuyên bố, đất hiếm là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Nguyên nhân bởi Mỹ còn phụ thuộc vào "đối thủ nước ngoài" để có được nguồn tài nguyên này.

Nhiều người kỳ vọng rằng, vị Tổng thống mới của nước Mỹ sẽ bãi bỏ các quy định về môi trường đang tạo ra rào cản đối với việc mở và vận hành các mỏ đất hiếm. Điều này sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới yên tâm hơn về ngành công nghiệp đất hiếm.

Nhưng dù thế nào, ngành công nghiệp đất hiếm vẫn cần chuẩn bị cho chặng đường gập ghềnh phía trước. Sự leo thang hơn nữa trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến làn sóng "ăn miếng trả miếng" bắt đầu và đất hiếm nhiều khả năng bị "cuốn vào vòng xoáy".

(theo Al Jazeera)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-diem-yeu-cua-my-lai-chinh-la-quan-bai-manh-voi-trung-quoc-ong-trump-tro-lai-co-loi-hai-hon-300345.html