Máy bay ném bom chiến lược hàng đầu của Liên bang Nga đối mặt rủi ro bất ngờ

Cuộc tấn công ngày 8/1 của UAV Ukraine nhắm vào kho nhiên liệu tại khu phức hợp Kristal không chỉ gây tổn thất về hậu cần, mà còn đặt Tu-160, loại máy bay ném bom tầm xa hàng đầu, có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Liên bang Nga trước rủi ro trong vận hành.

Máy bay ném bom tầm xa Tu-160 của Liên bang Nga tham gia lễ diễu binh kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát xít, tại Moskva, ngày 24/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Máy bay ném bom tầm xa Tu-160 của Liên bang Nga tham gia lễ diễu binh kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát xít, tại Moskva, ngày 24/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 8/1, các lực lượng của Ukraine đã tấn công một cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng của Liên bang Nga, Đó là kho nhiên liệu tại khu phức hợp Kristal gần căn cứ không quân Engels, nơi đóng quân của phi đội máy bay Tu-160, loại máy bay ném bom tầm xa hàng đầu của Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Cuộc tấn công được thực hiện bằng một thiết bị bay không người lái (UAV), gây ra vụ cháy lớn phá hủy phần lớn các bồn chứa nhiên liệu, vốn được dự trữ T-8V, loại nhiên liệu hàng không chuyên dụng cần thiết cho hoạt động của những chiếc Tu-160.

T-8V là loại nhiên liệu rất khó sản xuất, chỉ được tinh chế tại một số ít nhà máy lọc dầu ở Liên bang Nga, khiến tổn thất này trở thành một trở ngại lớn về hậu cần. Không giống như các loại nhiên liệu hàng không thông thường, T-8V phải có mật độ năng lượng cao và độ ổn định trong điều kiện nhiệt độ cực thấp cũng như cực cao. Các yêu cầu này làm cho quy trình sản xuất trở nên phức tạp hơn, bao gồm các phản ứng hóa học tinh vi và nhiều giai đoạn tinh chế dầu thô.

Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội X về vụ tấn công của thiết bị bay không người lái của Ukraine nhằm vào kho nhiên liệu tại khu phức hợp Kristal gần căn cứ không quân Engels. Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội X về vụ tấn công của thiết bị bay không người lái của Ukraine nhằm vào kho nhiên liệu tại khu phức hợp Kristal gần căn cứ không quân Engels. Ảnh chụp màn hình

Ban đầu, dầu thô được xử lý qua các quá trình chưng cất và cracking hydro (bổ sung hydro từ bên ngoài với sự có mặt của chất xúc tác để cải thiện tỷ lệ hydro của các sản phẩm dầu) để tách và tinh chế các thành phần, tạo ra một thành phần phù hợp cho nhiên liệu. Đây không phải là quy trình đơn giản bởi nhiên liệu phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về độ bôi trơn cũng như điểm đóng băng - điều rất quan trọng đối với hoạt động của máy bay chiến lược ở độ cao lớn, nơi nhiệt độ có thể cực kỳ thấp đòi hỏi nhiên liệu cần duy trì trạng thái lỏng trong điều kiện này để tránh làm hỏng động cơ.

Để đạt được điều đó, các chất phụ gia hóa học khác nhau được bổ sung vào nhiên liệu, chẳng hạn như chất ổn định và chất chống đông, vừa ngăn ngừa sự ăn mòn vừa đảm bảo động cơ hoạt động mượt mà. Những chất phụ gia này rất quan trọng để tăng hiệu suất đốt cháy của T-8V, giúp kéo dài phạm vi bay và cải thiện hiệu suất.

Tuy nhiên, mỗi chất phụ gia phải được định lượng cẩn thận, vì nếu sử dụng quá mức có thể làm mất ổn định nhiên liệu hoặc gây ra các phản ứng không mong muốn trong động cơ. Điều này đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ trong quy trình sản xuất và kiểm tra chất lượng liên tục.

Quy trình sản xuất không kết thúc với việc bổ sung các chất phụ gia hóa học. Sau khi trải qua các giai đoạn tinh chế chính và pha trộn chất phụ gia, nhiên liệu phải được kiểm tra và kiểm soát cuối cùng để đảm bảo đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn chất lượng cần thiết.

Điều này bao gồm các bài kiểm tra về mật độ, khả năng đốt cháy và các thông số khác để đáp ứng yêu cầu an toàn và hiệu quả. Bất kỳ sai lệch nhỏ nào cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu của máy bay, vì vậy các bài kiểm tra phải được thực hiện ở mọi giai đoạn sản xuất.

Một binh sỹ điều khiển thiết bị bay không người lái. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine/X

Một binh sỹ điều khiển thiết bị bay không người lái. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine/X

Quy trình sản xuất này yêu cầu các nhà máy lọc dầu chuyên dụng có trang thiết bị đáp ứng được mức độ chính xác và kiểm soát cần thiết. Các nhà máy này chỉ tồn tại ở một vài nơi tại Liên bang Nga, khiến việc sản xuất T-8V bị hạn chế và có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Nói tóm lại, việc sản xuất T-8V không chỉ phức tạp về mặt công nghệ mà còn bị giới hạn bởi số lượng ít ỏi các nhà máy lọc dầu có khả năng sản xuất. Trên toàn cầu, cùng với các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt phải được đáp ứng để đảm bảo nhiên liệu đạt các tiêu chí phù hợp cho máy bay quân sự, việc sản xuất nhiên liệu T-8V vẫn là một quy trình đầy thách thức và có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khó có thể tái tạo tại nhiều nhà máy lọc dầu khác trên thế giới.

Căn cứ không quân Engels, vốn đã là mục tiêu quan trọng về chiến lược, chứa một phần lớn các máy bay ném bom Tu-160, biến nơi đây thành nút thắt quan trọng trong cơ sở hạ tầng quân sự của Liên bang Nga. Bằng cách nhắm vào nguồn cung cấp nhiên liệu, Ukraine đã gây ra sự gián đoạn hiệu quả đối với một trong những tài sản mạnh nhất của Liên bang Nga, làm phức tạp khả năng sẵn sàng chiến đấu của đội bay Tu-160.

Lịch sử cho thấy Ukraine luôn sẵn sàng tấn công trực tiếp vào các tài sản quân sự của Liên bang Nga, bao gồm các cuộc tấn công trước đó vào căn cứ máy bay ném bom chiến lược và hệ thống radar.

Những hành động này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Ukraine nhằm làm suy yếu sức mạnh quân sự của Liên bang Nga và vô hiệu hóa khả năng phô trương sức mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực răn đe hạt nhân.

Cuộc tấn công vào kho nhiên liệu Kristal là ví dụ mới nhất cho thấy cách Ukraine đang từng bước làm suy giảm khả năng duy trì lực lượng răn đe hạt nhân của quân đội Liên bang Nga.

Xem video camera an ninh ghi lại chớp lửa sau vụ thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine tối 20/3/2024 tấn công căn cứ không quân Engels, nơi đỗ của phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Liên bang Nga gần thành phố Saratov, cách Moskva khoảng 730 km về phía Đông Nam và cách biên giới Ukraine hàng trăm km. Nguồn: X

Mặc dù các máy bay ném bom hạt nhân tầm xa vẫn là nền tảng trong chiến lược quân sự của Liên bang Nga, nhưng việc hiện đại hóa và mở rộng đội bay đã trở thành một ưu tiên ngày càng cấp thiết.

Năm 2023, ông Sergey Chemezov, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rostec, đã tái khẳng định cam kết của Liên bang Nga trong việc tăng cường sản xuất Tu-160.

Biến thể Tu-160M được nâng cấp, với các thiết bị điện tử tiên tiến, động cơ cải tiến và hệ thống hiệu quả hơn, là trọng tâm của nỗ lực này.

Bất chấp những thách thức trong sản xuất và hạn chế kinh tế, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga vẫn tập trung vào việc củng cố lực lượng răn đe hạt nhân, ngay cả khi quy mô đội bay vẫn tương đối nhỏ.

Tu-160, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong Liên Xô năm 1986, ban đầu là một phần của kế hoạch sản xuất 100 chiếc, nhưng sự tan rã của Liên Xô đã khiến tham vọng này không thể thực hiện.

Hiện nay, có chưa đến 20 chiếc Tu-160 đang hoạt động, con số này không thay đổi trong nhiều năm do những hạn chế về chính trị và tài chính.

Để ứng phó với các rào cản này, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã quyết định nối lại sản xuất Tu-160 vào năm 2015, với mục tiêu tái xây dựng và hiện đại hóa đội bay nhằm hỗ trợ lực lượng răn đe hạt nhân ba thành phần của Moskva.

Mặc dù lượng Tu-160 được sản xuất dự kiến sẽ tăng trong những năm tới, nhưng phải thấy rằng trọng tâm của ngành công nghiệp quốc phòng Liên bang vẫn được đặt vào các hệ thống trên bộ và trên biển. Hiện nay, dù đóng vai trò chiến lược cao trong lực lượng hạt nhân tổng thể của Liên bang Nga, nhưng thực tế là đội bay Tu-160 vẫn có quy mô nhỏ.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Bulgarianmilitary)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/may-bay-nem-bom-chien-luoc-hang-dau-cua-lien-bang-nga-doi-mat-rui-ro-bat-ngo-20250110140015798.htm