Một đời 'giữ lửa' cho di sản

77 năm tuổi đời, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Cam đã có hơn 60 năm tham gia trình diễn trò Tứ dân chi nghiệp trong Lễ hội Trò Trám (hay còn gọi là Lễ hội linh tinh tình phộc) - một lễ hội độc đáo ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Được ví như “bảo tàng sống”, bà Cam là người “cầm trịch” cho hội trò, với khả năng vừa đánh trống vừa hát trịch cho các vai nữ và biểu diễn tất cả các vai nữ trong phần trình diễn. Bà cũng là một trong số ít người truyền dạy chính toàn bộ phần trình diễn “Tứ dân chi nghiệp” của địa phương từ đánh trống, hát trịch đến toàn bộ các vai diễn. Năm 2019, sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Nhưng ít ai biết được, phía sau danh hiệu ấy là những cống hiến miệt mài gần trọn cả cuộc đời, với bao vất vả thăng trầm, cùng những trăn trở, đau đáu trước nguy cơ “Hội già” và dần mai một đi bởi không tìm được người kế nghiệp.

Tuổi đã cao nhưng bà Cam vẫn tích cực giao lưu, biểu diễn cùng những người có chung đam mê với âm nhạc dân tộc.

Trò Tứ dân chi nghiệp, còn gọi là “Bách nghệ khôi hài” được coi là màn dạo đầu ở phần hội trong Lễ hội Trò Trám. Đây là trò diễn xướng dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sĩ, nông, công, thương) với những làn điệu dân ca riêng biệt của vùng quê Đất Tổ, phản ánh sự gắn kết con người với cuộc sống lao động, ca ngợi tình yêu hạnh phúc lứa đôi. Khi diễn trò, trai gái hát đối nhau những câu đầy ẩn ý, vui nhộn gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Sinh ra và lớn lên tại làng cổ Tứ Xã, bà Nguyễn Thị Cam đã tham gia trình diễn trò Tứ dân chi nghiệp ở Lễ hội Đền Hùng từ năm 1958, khi bà mới chỉ 14, 15 tuổi. Đến nay, tuổi đã cao, sức đã yếu đi ít nhiều, nhưng bà Cam vẫn thuộc từng câu, từng lời, từng vai diễn trong hội trò. Vẫn hình ảnh một con người quê hiền hậu, chất phác như tôi thường gặp bà trong các buổi sinh hoạt, giao lưu của CLB Thơ ca xã Tứ Xã, vừa dứt lời hát, bà Cam vui vẻ kể: “Tôi chính thức được tham gia đánh trống và hát hội từ năm 14, 15 tuổi. Lúc đầu mới tập tành, tôi chỉ cầm đế, đánh trống thôi, rồi được xã chọn vào đội văn nghệ. Đội văn nghệ của xã sau đó lại được đi diễn Lễ hội Trò Trám, thế là tôi gắn bó với hội từ đó. Đến khi lấy chồng, tôi định bỏ diễn trò, nhưng có lẽ Trò Trám có duyên với tôi nên ông nhà tôi cũng ủng hộ. Thế là tôi cứ tham gia hết năm này qua năm khác, được nhân dân giao là người “cầm trịch” cho hội trò”.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Cam (người đánh trống) trình diễn đánh trống, hát trịch trong trò diễn “Tứ dân chi nghiệp”. (Ảnh tư liệu)

Bà Cam cùng với những thành viên khác của đội văn nghệ dân gian xã Tứ Xã đã đi biểu diễn trò Tứ dân chi nghiệp ở nhiều nơi, trong nhiều sự kiện của Trung ương đến địa phương như: Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Festival Huế, Lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn, Lễ hội Đền Hùng,... và được nhân dân đón nhận rất nhiệt tình vì nó gần gũi, gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đổi lấy niềm vui, nụ cười của người xem là bao công sức, mồ hôi, gian nan vất vả của những người trình diễn. Bà Cam trầm ngâm: “Có người nói tôi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, việc nhà chưa xong đã đi lo việc làng việc xã. Nghe vậy ai mà không thấy chạnh lòng. Nhưng dù thế, cộng thêm cả việc diễn trò không có trợ cấp, cũng chẳng có đồng lương, thì tôi vẫn đi hát, vẫn đánh trống, cầm trịch cho hội trò bởi tôi đam mê, tôi muốn hết lòng với di sản của quê hương, đất nước và nhân dân, chính quyền ai cũng ủng hộ động viên tôi”.

Bây giờ, người diễn trò Tứ dân chi nghiệp đa phần đã có tuổi mà theo như bà Cam, lớp trẻ ở địa phương thì chưa mặn mà lắm. “Chúng tôi vẫn tích cực truyền dạy cho các thế hệ con cháu kỹ năng trò diễn Tứ dân chi nghiệp nhưng đã nhiều năm rồi không tìm được người thay tôi “cầm trịch”, bởi không phải ai cũng đủ đam mê và muốn bỏ thời gian, công sức theo hội trò. Mong sao sẽ sớm tìm được người kế nghiệp, để Lễ hội Trò Trám sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng”.

Cẩm Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/mot-doi-giu-lua-cho-di-san/186326.htm