Một đời vì nước vì dân

Không chỉ để lại cho dân tộc một sự nghiệp cách mạng vẻ vang chưa từng có trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người cách mạng - phẩm chất tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Năm 21 tuổi, người thanh niên Nguyễn Tất Thành cảm nhận sâu sắc nỗi đau của một dân tộc mất độc lập, người dân mất tự do. Nỗi đau ấy cùng với lòng yêu nước thương dân vô bờ bến, đã thúc giục người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Bác Hồ với các anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam tháng 11/1965.

30 năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã phải làm mọi công việc, gặp biết bao khó khăn, nguy hiểm (sự săn lùng của mật thám trong nước; 2 lần bị giam cầm trong ngục tù đế quốc và phản động quốc tế; bị kẻ thù tuyên án tử hình...) nhưng Người luôn bền chí, quyết tâm vượt qua, để hướng tới một mục đích cao cả: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Sau khi trở về Tổ quốc, rồi trở thành lãnh tụ tối cao của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những quyết sách đúng đắn, tổ chức, lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đánh đuổi thù trong giặc ngoài... Nhờ chủ trương đúng đắn, sáng suốt và những quyết sách kịp thời, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã vượt qua được những thách thức hiểm nghèo; xây dựng tổ chức, lực lượng; vững vàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài và từng bước giành thắng lợi.

Không chỉ hết lòng vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất mực thương dân. Người đau nỗi đau của dân, buồn nỗi buồn của dân; chịu khổ trước dân, vui hưởng sau dân; dựa vào dân, lấy dân làm gốc... Dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian gặp gỡ các tầng lớp nhân dân; viết thư thăm hỏi, tặng quà cho những người cao tuổi mẫu mực, những thanh, thiếu niên, nhi đồng học hành chăm ngoan, làm nhiều việc tốt; gương mẫu thực hiện tiết kiệm, “10 ngày nhịn ăn một bữa” để chia sẻ với đồng bào nghèo đói...

Có thể thấy, ý chí cứu nước, giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân là tinh thần chủ đạo, xuyên suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng như người đã bộc bạch: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc cho quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”; hay “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính lòng yêu nước thương dân ấy, mong muốn ấy đã trở thành niềm động viên to lớn, truyền thêm sức mạnh cho mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết một lòng, ủng hộ kháng chiến, tham gia kháng chiến và giành thắng lợi.

Sau khi nước nhà được độc lập, với tư cách là người đứng đầu chính quyền cách mạng còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” nên phải làm sao cho mọi người được ăn no mặc ấm, được sung sướng, tự do. Người yêu cầu, Đảng và Nhà nước, cán bộ đảng viên phải nhận thức rõ điều đó, phải phấn đấu cho mục tiêu đó.

TTTL

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/mot-doi-vi-nuoc-vi-dan-20170518114218732.htm