Một đợt rét bất thường
Đợt rét đậm, rét hại thứ ba của mùa đông năm nay đang khiến các tỉnh phía Bắc chìm trong giá rét, vùng núi cao có nơi xuống âm 1,6 độ C. Tối 7/1, tuyết đã phủ đỉnh Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Miền Trung, nhiệt độ xuống thấp bất thường, lạnh tê tái. Ngày 8/1, nền nhiệt tại Thành phố Hồ Chí Minh có lúc dưới 20 độ C, khiến nhiều người ngạc nhiên. Đây được cho là một đợt rét bất thường.
Trong ngày 8/1/2021, cả 3 miền cả nước nhiệt độ đều thấp. Các trạm đã quan trắc được nhiệt độ thấp nhất ghi nhận nhiều nơi dưới 9 độ C. Trung du và đồng bằng Bắc bộ dưới 12 độ C, khu vực Bắc Trung bộ dưới 15 độ C. Đáng chú ý, tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ đã giảm xuống âm 1,6 độ C, đây là mức nhiệt thấp nhất ghi nhận được kể từ đầu mùa đông đến nay.
Không khí lạnh bao trùm diện rộng
Trọng tâm của đợt rét đậm, rét hại lần này tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. So sánh đợt rét này với đợt rét xảy ra dịp Tết dương lịch vừa qua và đợt rét kỷ lục năm 2016, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Về cường độ, đợt rét từ nay đến ngày 10/1 không khí lạnh mạnh, mặc dù vậy cường độ không mạnh bằng đợt rét dịp Tết dương lịch và không so sánh được với đợt kỷ lục đầu năm 2016. Nhưng đợt rét này sẽ xảy ra mưa. Do đó, so với đợt rét dịp Tết dương lịch là “rét khô”, đợt không khí lạnh mạnh và “rét ẩm” này sẽ khiến mọi người có cảm giác rét mạnh hơn.
Về xu hướng thời tiết tháng 1/2021, theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, nhiệt độ trung bình thấp hơn nhiệt độ hằng năm khoảng 0,5-1 độ C. Khu vực Hà Nội hằng năm thường có khoảng 10-12 ngày rét đậm, rét hại diện rộng thì năm nay với nhiệt độ được dự báo thấp hơn, ở miền Bắc có khả năng xảy ra nhiều ngày rét đậm, rét hại hơn so trung bình những năm trước.
Đáng chú ý, nhiệt độ của các tỉnh miền Trung chưa khi nào xuống thấp như mùa đông năm nay. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, nhiệt độ xuống thấp bất thường vì đây là các tỉnh ít bị rét so với các tỉnh phía Bắc.
Ngày 8/1, không khí lạnh mạnh tiếp tục tăng cường nên ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Tại Đà Nẵng, không khí lạnh ảnh hưởng làm nhiệt độ giảm khiến mọi người khó chịu và cảm giác còn rét hơn khi thời tiết lạnh kèm mưa phùn. Nhiều người dân Đà Nẵng chia sẻ, thời tiết lạnh kèm mưa phùn thật kinh khủng.
Còn ở phía Nam, lý giải vì sao nền nhiệt tại TP HCM xuống quá thấp, ông Lê Đình Quyết - Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay: Những ngày có nhiệt độ xuống thấp chủ yếu do đêm, sáng sớm có mưa, hoặc do không khí lạnh ở phía Bắc hoạt động mạnh, khuếch tán sâu xuống phía Nam, không khí lạnh hoạt động theo từng đợt, mỗi đợt vài ngày, sau đó khi không khí lạnh suy yếu, nhiệt ở Nam bộ lại tăng dần. Vào thời điểm tháng 12, tháng 1 hằng năm, khi không khí lạnh hoạt động mạnh thì nhiệt độ các tỉnh miền Đông Nam bộ và TPHCM cũng có thể xuống 20 độ C.
Chống chọi với cái rét
Rét đậm, rét hại vốn đã hàm chứa sự ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của con người cũng như vật nuôi. Ví dụ như ở mức rét hại với nhiệt độ trung bình trong ngày thấp dưới 13 độ C, cây cối sẽ ngừng sinh trưởng.
Trong giai đoạn có rét đậm, rét hại trên diện rộng, người dân cần chú ý giữ gìn sức khỏe bằng cách mặc ấm và lưu ý không được sưởi ấm bằng than tổ ong trong phòng kín vì có thể dẫn đến tai nạn chết người. Người dân cần lên phương án giữ ấm cho gia súc, gia cầm nhất là với gia súc, gia cầm chăn thả ở các vùng núi cao phía Bắc.
Cái rét đang hiện diện rõ nhất ở khu vực nông thôn và miền núi phía Bắc. Ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe, rét đậm rét hại gây tác hại rất lớn đến sản xuất. Là một trong những địa phương trọng tâm của rét, người dân Tuyên Quang đã chủ động chống rét cho cây trồng vụ đông, ngay từ khi làm đất gieo trồng.
Bà Nguyễn Thị Lãng (thôn Thia, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) đã tăng lượng phân chuồng bón lót, dùng nilon phủ lên luống, sử dụng các giống chịu lạnh. Bà Lãng cho biết, ngoài các biện pháp giữ ấm trên, những ngày rét đậm, rét hại bà còn tăng cường bơm tưới cho rau, dưa, giữ ổn định mức nước trong ruộng. Nhờ đó vườn rau, dưa của bà Lãng vẫn sinh trưởng phát triển.
Thời điểm này, đàn trâu của các thành viên HTX Nông nghiệp Kim Quan (huyện Yên Sơn) cũng được giữ lại chuồng để chăm sóc. Như gia đình anh Thèn Văn Chung (thôn Kim Thu Ngà) đã dùng bạt bao quanh chuồng, tránh gió lùa, nền chuồng luôn được giữ khô ráo. Chế độ ăn, anh tăng tỷ lệ thức ăn thô xanh và tinh bột, cho trâu uống nước ấm pha chút muối. Ngoài ra, anh còn tích trữ củi, trấu để phòng nhiệt độ xuống thấp đốt để sưởi ấm cho trâu.
Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Thời tiết bất lợi, nhu cầu vận chuyển, buôn bán từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tăng rất cao, đây cũng là điều kiện để dịch bệnh phát sinh, lây lan.
Do đó, mạng lưới thú y cơ sở phải tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, vùng giáp ranh, chợ buôn bán gia súc. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, ngăn chặn, dập tắt không để dịch bệnh lây lan.
Còn tại Lai Châu, Chủ tịch UBND các huyện/thị đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban chuyên môn và chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản, đặc biệt tại các khu vực vùng cao, những nơi thường xuyên có thiệt hại do rét đậm, rét hại.
Tỉnh Bắc Kạn cũng vừa phê duyệt phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản vụ Đông Xuân năm 2020-2021. Cụ thể, tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng; chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư sản xuất, thức ăn, chuồng trại, cây giống, con giống; kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là rét đậm, rét hại. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh trong công tác phòng, chống rét cho cây trồng; chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản, phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất.
Cảnh báo đột quỵ do lạnh bất thường
Vào khoảng 20h45’ tối ngày 7/1, một chiếc xe Porsche có biển kiểm soát Hà Nội bất ngờ mất lái, tông vào nhiều cây xanh ở dải phân cách, sau đó đâm sang làn đường ngược chiều.
Chiếc xe ô tô này đang di chuyển theo hướng Đại Cồ Việt - Xã Đàn thì gặp nạn. Theo thông tin ban đầu, tài xế bị đột quỵ dẫn đến mất lái do thời tiết Hà Nội bắt đầu rét đậm. Hiện tài xế đang được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Trước đó, tối 5/1, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cũng đã cứu sống bé trai T.N (3 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) bị đột quỵ xuất huyết não.
GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ miền Bắc, Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh Bệnh viện 108 cảnh báo: Tình trạng đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh bất ngờ làm khởi phát tình trạng này.
Khi thời tiết lạnh nguy cơ đột quỵ thường xảy ra nhiều nhất ở người già, người có tiền sử huyết áp cao, mỡ máu cao, thừa cân, lạm dụng rượu bia, thuốc lá...do đó các đối tượng này cần đặc biệt lưu ý.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-dot-ret-bat-thuong-549279.html