Một gia đình hiến hơn 1000 đơn vị máu | Hà Nội tin mỗi chiều
Hiến máu không còn là phong trào, mà trở thành hoạt động thường xuyên; Quảng bá du lịch Hà Nội qua Lễ hội 'Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ'; Hà Nội yêu cầu kịp thời thông tin các cơ sở nguy cơ mất an toàn thực phẩm... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Hiến máu không còn là phong trào, mà trở thành hoạt động thường xuyên
Gia đình ông Lê Đình Duật ở quận Thanh Xuân, Hà Nội không chỉ vận động cả gia đình mình tham gia hiến máu mà còn vận động hàng xóm và rất nhiều những người khác cùng hiến máu. Gia đình anh Huỳnh Hải Bình, ở quận Hoàng Mai tham gia hiến máu hơn 230 lần. Gia đình ông Trần Quang Hòa, ở quận Cầu Giấy, gần 200 lần hiến máu….
Hôm nay (7/4) là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện. Đây là một trong những phong trào lớn của toàn xã hội mang đậm tính nhân văn. Cả nước đã hình thành khoảng 2.800 nhóm, câu lạc bộ hiến máu với hơn 114.000 thành viên, cung cấp cho ngân hàng máu sống, phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân nghèo hoặc người có hoàn cảnh khó khăn.
Hiến máu tình nguyện là một trong những hoạt động nhân đạo nhằm cứu giúp người bệnh trong cơn nguy kịch. Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 7/4 hàng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện. Sau hơn 20 năm phát động, phong trào hiến máu nhân đạo đã thu được những kết quả khả quan. Trước năm 2000, toàn thành phố Hà Nội chỉ tiếp nhận được chưa đến 20.000 đơn vị máu. Từ năm 2000, mỗi năm Hà Nội đã có hàng trăm nghìn lượt người tham gia hiến máu, hàng ngàn người đã hiến máu trên 10 lần, 20 lần và nhiều hơn nữa. Năm 2023, thành phố Hà Nội đã tiếp nhận trên 270.000 đơn vị máu; trong đó, tỷ lệ hiến máu tình nguyện chiếm 99%, đạt trên 2,6% dân số tham gia hiến máu. Chất lượng máu ngày càng được bảo đảm.
Giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí - Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đánh giá, phong trào hiến máu nhân đạo thực sự phát triển đi vào chiều sâu và rất bền vững. Đỉnh cao là các sự kiện hiến máu tầm cỡ quốc gia, thậm chí có tiếng vang đến quốc tế. So với thế giới có nhiều quốc gia phải mất 50 năm, thậm chí nhiều hơn để phong trào hiến máu tình nguyện lan tỏa sâu rộng, khắp cả nước như Việt Nam.
Đây là kết quả của sự vào cuộc sát sao, kịp thời của các cấp chính quyền, sự ủng hộ, đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam không chỉ là biểu tượng của tinh thần nhân ái mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tình đoàn kết và sẻ chia; góp phần xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, khỏe mạnh và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Quảng bá du lịch Hà Nội qua Lễ hội "Thăng Long-Hà Nội, Thủ đô quyến rũ"
Chào đón mùa du lịch hè 2024, tại Hà Nội sắp diễn ra lễ hội "Thăng Long-Hà Nội, Thủ đô quyến rũ". Lễ hội diễn ra từ 25 đến 28/4, tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông - Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 là hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức quy mô nhằm giới thiệu, khuyến khích du khách và người dân Thủ đô đi du lịch đến các điểm hấp dẫn của Hà Nội như: phố cổ Hà Nội, di sản kiến trúc các triều đại, kiến trúc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (các công trình kiến trúc mang phong cách Pháp), làng cổ Đường Lâm, Vườn Quốc gia Ba Vì, làng gốm Bát Tràng, khu du lịch Sóc Sơn...
Dự kiến, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 có 150 gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch; không gian ẩm thực, làng nghề; khu gian hàng các tỉnh, thành giới thiệu du lịch và đặc sản địa phương; khu gian hàng của các tổ chức, cơ quan du lịch quốc tế giới thiệu điểm đến du lịch các nước, thúc đẩy hoạt động du lịch song phương...
Gần đây, các sự kiện du lịch đã được tổ chức tại Hà Nội khá đa dạng về quy mô, chủ đề và nội dung như: Lễ hội mùa Thu, Lễ hội áo dài, Lễ hội ánh sáng…. thu hút hàng triệu lượt người tham dự. Thông qua các sự kiện du lịch này, Hà Nội đã quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tới bạn bè khu vực và quốc tế, nâng cao hình ảnh thương hiệu điểm đến của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá số lượng các sự kiện còn chưa nhiều. Các sự kiện đơn điệu, chưa phát huy hết những giá trị vốn có. Chẳng hạn, sự kiện lễ hội Phố hoa Hà NộI được nhiều người mong đợi, nhưng kể từ sự kiện Phố hoa đầu tiên được tổ chức năm 2009 đến nay, Phố hoa ngày càng mờ nhạt, bị đánh giá là sơ sài và thiếu ý tưởng. Bên cạnh đó, người dân thiếu ý thức khi tham gia sự kiện, chính quyền thiếu chuyên nghiệp, bài bản trong quản lý, tổ chức, dẫn đến các sự kiện chưa phát huy được hết ý nghĩa, tinh thần của nó.
Phấn đấu đón 27 triệu lượt khách trong năm 2024, thành phố sẽ tổ chức khoảng 50 sự kiện văn hóa, lễ hội để quảng bá, giới thiệu du lịch như: Lễ hội du lịch Hà Nội 2024, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2024, Festival Thu Hà Nội, Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề, Lễ hội Áo dài Hà Nội 2024... Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, thành phố tập trung đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới, tổ chức các sự kiện gắn với lợi thế của từng địa phương như khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô; phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn du lịch thể thao...
Ngành công nghiệp tổ chức sự kiện nói chung và sự kiện du lịch nói riêng vẫn còn là một mảnh đất mới mẻ nhưng cũng hết sức màu mỡ, đòi hòi sự quan tâm thích đáng của Nhà nước và các doanh nghiệp. Các sự kiện du lịch ở Thủ đô Hà Nội cần được khai thác mạnh mẽ hơn nữa để xứng với những tiềm năng, song song với việc quản lý và bảo tồn các giá trị để du lịch Hà Nội phát triển bền vững, mang lại lợi thế cạnh tranh cho du lịch Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Hà Nội yêu cầu kịp thời thông tin các cơ sở nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Trước những nguy cơ về mất an toàn toàn thực phẩm, UBND TP Hà Nội yêu cầu kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao; các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Trong thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người phải nhập viện điều trị. Ngày 1/4, 10 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm ở Nha Trang, trong đó có một học sinh đã tử vong. Ngày 4/4, tại Bình Dương có 49 người nhập viện. Tại Quảng Ninh, cuối tháng 3, 33 học sinh nhập viện sau bữa ăn trưa. Tại Hà Nội, cũng từng xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm như năm 2023 tại quận Thanh Xuân, 72 học sinh nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà trong suất ăn.
Ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân từ hai phía. Thứ nhất, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn; chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không chín kỹ; bảo quản thực phẩm không đúng cách; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đúng quy định. Thứ hai, nguyên nhân từ phía người tiêu dùng là mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không bảo quản thực phẩm đúng cách; không chế biến thực phẩm chín kỹ.
Theo các cơ quan chức năng, những bất cập trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay cũng là nguyên nhân gây nên xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Do đó, việc thành phố Hà Nội yêu cầu kịp thời thông tin các cơ sở nguy cơ mất an toàn thực phẩm, biểu dương những cơ sở thực hiện tốt sẽ là bước đầu tiên để người dân nhận thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó giảm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Thành phố cũng tăng cường tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, góp phần thay đổi hành vi, tập quán trong sản xuất, kinh doanh./.