Một gia đình hiếu học tại xã Biên Giới
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo tại xã biên giới, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Diễn (sinh năm 1950) ngụ tổ 4, ấp Tân Long, xã Biên Giới, huyện Châu Thành vẫn hết lòng chăm lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.
Gia đình ông Diễn được xem là gương sáng trong việc xây dựng gia đình hiếu học để người dân địa phương học tập và noi theo.
Trong căn nhà khang trang, sạch đẹp, ông Diễn và vợ (bà Triệu Thị Luyến) nhớ lại những năm tháng cơ cực đã qua- thuở còn phải chắt chiu từng đồng để nuôi các con ăn học. Con cái giờ đã khôn lớn, thành tài, có công ăn việc làm ổn định nên ông bà được thanh thản tuổi già.
Ông Diễn và bà Luyến sinh được 4 người con gồm 2 trai, 2 gái. Cũng giống như nhiều trường hợp khác sinh sống tại ấp vùng sâu, vùng xa của xã Biên Giới, cuộc sống gia đình ông Diễn gặp nhiều khó khăn. Cả nhà 6 miệng ăn chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ 4 ha ruộng gò.
Thời tiết khắc nghiệt, sản xuất thủ công nên năng suất không cao, có năm được mùa, có năm thất bát, cảnh thiếu ăn, thiếu mặc diễn ra thường xuyên. Nỗi lo toan ngày càng nặng trĩu trên đôi vai của hai vợ chồng, từ chuyện ăn mặc đến học hành của các con. Khó khăn là vậy, ông bà vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua, quyết chí lo cho các con ăn học nên người.
Ông Diễn luôn tâm niệm, muốn gia đình tiến bộ, hạnh phúc thì phải chăm lo cho việc học, chỉ có con đường học hành mới giúp con người thoát khỏi hoàn cảnh khốn khó. Ông Diễn nói: “Dù cực nhọc đến đâu, chúng tôi cũng chịu được, miễn sao tụi nhỏ siêng năng, chăm học. Mỗi năm thấy các con đạt kết quả học tập tốt, vợ chồng tôi rất mừng, càng động viên nhau cố gắng làm việc kiếm tiền”.
Từ quyết tâm đó, ông Diễn làm đủ thứ nghề, bà Luyến cũng chẳng được giây phút nghỉ ngơi, ngoài làm ruộng còn phải trồng thêm hoa màu, chăn nuôi heo, gà, vịt… Công việc vất vả nhưng cứ nghĩ đến tương lai của các con, hai ông bà lại quên đi bản thân, miệt mài lao vào cuộc mưu sinh khó nhọc.
Bằng sự quan tâm, động viên kịp thời của ba mẹ, các con ông bà đều cố gắng học tập, lần lượt bước chân vào giảng đường đại học. Chị Nguyễn Ngọc Diễm, con gái út của ông Diễn kể: “Ba mẹ là người nghiêm khắc nhưng chưa bao giờ đánh các con. Khi có việc không hài lòng, ba mẹ gọi chúng tôi lại để phân tích, nhắc nhở nhẹ nhàng. Trong vấn đề học hành, ba mẹ chỉ động viên, không bao giờ tạo áp lực cho con cái”.
Giờ đây, các con của ông Diễn và bà Luyến đã thành tài, có cuộc sống ổn định, luôn quan tâm, chăm sóc cho ba mẹ. Người con trai đầu là anh Nguyễn Thành Phương (sinh năm 1984) tốt nghiệp Trường đại học Khoa học tự nhiên, nay là Tiến sĩ, giảng viên tại một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Người con thứ 2 là Nguyễn Thị Ngọc Dung (sinh năm 1986) tốt nghiệp Trường đại học Công nghiệp, công tác tại một công ty chuyên sản xuất các thiết bị điện tử.
Người con thứ 3 là Nguyễn Minh Thẳng (sinh năm 1990) tốt nghiệp Trường đại học Kỹ thuật công nghệ, đang làm việc tại Công ty Vprint Machinery thành phố Hồ Chí Minh, chuyên kinh doanh các thiết bị phục vụ cho ngành in. Người con gái út là chị Nguyễn Ngọc Diễm (sinh năm 1993) tốt nghiệp khoa Toán ứng dụng của Trường đại học Khoa học tự nhiên, sau đó lấy bằng Thạc sĩ và làm việc tại Viện Nghiên cứu phát triển và trao đổi khoa học ứng dụng thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Triệu Thị Luyến cho biết thêm, khi các con còn nhỏ, ông bà luôn dạy chúng làm việc thiện, tránh xa các tệ nạn xã hội, biết giúp đỡ người nghèo khó. Để làm gương cho các con, hai vợ chồng luôn sống hòa thuận với nhau, thân thiện với xóm giềng. Dù con cái đã trưởng thành, có việc làm ổn định nhưng với trách nhiệm làm cha, làm mẹ, ông bà vẫn thường xuyên quan tâm đến cuộc sống sinh hoạt của con cháu, nhắc nhở con cháu sống và làm việc cho tốt.
Ông Nguyễn Văn Hồng- Chủ tịch UBND xã Biên Giới cho biết, nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Diễn là tấm gương về sự chịu thương, chịu khó, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con học hành nên người. Gia đình ông Diễn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa giai đoạn 2012 - 2016.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mot-gia-dinh-hieu-hoc-tai-xa-bien-gioi-a146338.html