Một giám đốc công ty xây dựng bị bắt vì sản xuất hàng giả

Lương Biên Cương (SN 1984, trú xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Lương Gia Phát đã chỉ đạo sản xuất số lượng lớn keo dán công nghiệp giả dùng trong xây dựng, để bán qua mạng.

Lực lượng chức năng khám xét kho của công ty.

Lực lượng chức năng khám xét kho của công ty.

Trước đó, ngày 3/1, tại tổ dân phố 11, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) kiểm tra phát hiện N.X.T (SN 1991, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đang bốc xếp 3 thùng cát tông đựng 45 sản phẩm hóa chất cấy thép, nhãn hiệu Ramset Epcon G5 Pro không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nghi là hàng giả.

Làm việc với tổ công tác, T. khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trên do Lương Biên Cương chỉ đạo sản xuất, vận chuyển đến 67 tập thể Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. Trong quá trình T. đang mang đi bán thì bị lực lượng chức năng phát hiện.

Theo tài liệu điều tra, năm 2012 Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Lương Gia Phát có kinh doanh thương mại và phân phối hóa chất cấy thép trong xây dựng nhãn hiệu Ramset Epco G5 pro chính hãng.

Tuy nhiên, khoảng đầu năm 2020, Cương sản xuất keo giả để kiếm lời vì thấy mặt hàng này có lợi nhuận cao. Để sản xuất hàng giả, Cương đặt mua keo không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, mua vỏ tuýp đựng keo, tự đặt in tem nhãn giả.

Đối tượng thuê 3 kho tại tổ 9, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông; tại thôn Vôi Đá, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ và tại số 383 đường Văn Miếu, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, trực tiếp thực hiện và thuê nhân công đến làm, trong đó có bố vợ đổ keo từ các thùng lớn sang chiết vào các tuýp.

Sang chiết xong, Cương vận chuyển hàng bán thành phẩm về các địa chỉ công ty và các kho đã thuê để dán tem nhãn giả hoàn thiện sản phẩm và giao bán cho những người có nhu cầu sử dụng trên các trang mạng internet, sàn thương mại điện tử.

Khám xét khẩn cấp tại 6 địa điểm, công an đã thu giữ của các đối tượng 1.083 sản phẩm hóa chất cấy thép giả nhãn hiệu Ramset Epcon G5, trị giá so với hàng thật là hơn 747 triệu đồng cùng nhiều sản phẩm nhãn hiệu khác, sản phẩm chưa hoàn thiện; nguyên liệu, công cụ, nhiều tem nhãn dùng để sản xuất hàng giả.

Thanh Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mot-giam-doc-cong-ty-xay-dung-bi-bat-vi-san-xuat-hang-gia-post1501380.tpo