Một giọt... Trầm - Những trang sách thấm đẫm tình quê
Một giọt... Trầm là tuyển tập thơ văn của Phạm Phát, do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 11- 2022. Sách dày 330trang, khổ 14,5 x 20,5 cm. Lời giới thiệu của nhà thơ Hữu Thỉnh, G.S.Mai Quốc Liên, nhà văn Tùng Điển, nhà thơ Thanh Quế, nhà văn Nguyễn Bùi Vợi...
Phạm Phát sinh năm 1933, quê quán Hội An, Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông theo học các trường tiểu học, trung học ở quê nhà. Sau hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm những năm 60, rồi trở thành phóng viên báo Người giáo viên Nhân dân. Đầu năm 1973, ông xin đi chiến trường, được điều về Ban Giáo dục Khu 5. Thống nhất đất nước, Phạm Phát về quê nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở GD- ĐT Quảng Nam Đà Nẵng, rồi Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho đến khi nghỉ hưu (1977). Hiện ông sinh sống tại TP Đà Nẵng; Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng.
"Một giọt... Trầm" là tuyển tập bao gồm hai phần: Phần 1 là tập thơ "Một giọt" (đoạt Giải A Liên hiệp các Hội VNHT Việt Nam năm 2014); Phần 2 là tập truyện ký "Trầm" (Giải A Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2018).
"Một giọt. Một giọt nước mắt sau một trận mưa rào, một sợi đàn bầu bắc ngang trời, một nhành hoa mai khi xuân đến. Một ánh mắt, trao gửi buổi thiếu thời. Một đôi dép bên cạnh một chiếc áo quan. Một tiếng gà trống với một ông già không nơi nương tựa... Chọn một góc nhìn như thế rồi tập trung để khai thác tận cùng cái góc ấy, làm cho nó có sức bám riết, ám ảnh, đó là sở trường của anh Phạm Phát. Thơ của anh giàu tình thương và nỗi đau, nhiều suy tư; đa nghĩa mà không rườm, vững chãi mà rất ấm. Đó là thơ của một người có một nền tảng văn hóa vững chắc, từng trải, vừa truyền thống vừa thể nghiệm". Trong lời nói đầu về tập thơ "Một giọt", nhà thơ Hữu Thỉnh đã chia sẻ như vậy.
Hữu Thỉnh cũng cho biết, từ thuở mới tập tễnh cầm bút ở tuổi học trò (1962), ông đã từng có sự liên lạc và được sự động viên khích lệ của Phạm Phát (lúc ấy phụ trách tờ báo Người giáo viên nhân dân). Sau đó, cùng đi B, cùng gặp gỡ, cùng chịu đói khát và bom đạn ở chiến trường miền Trung Trung Bộ, nên với tình nghĩa ấy, ông đã vui mừng và trân trọng như thế nào khi nâng hai tập sách "Một giọt" và "Trầm" của Phạm Phát trên tay! Hữu Thỉnh nói: "Đây không chỉ là đứa con tinh thần, mà là những giọt tinh túy chắt ra từ máu và nước mắt của một con người đã lội qua sống chết trong chiến tranh và bão táp trong thời bình. Có đắng cay và ngọt bùi, có tri kỷ và nghịch cảnh, có mất mát đến khó bề trụ vững, có tri ân từ những miền lửa ấm. Cho nên tác phẩm của anh là sinh mệnh của anh, là gia tài, là kho báu phải đánh đổi cả một đời mới có được. Tôi đã tâm niệm như thế, thao thiết như thế, trong nhiều ngày, trước khi bắt gặp lời dạy sau đây của Goethe: Người nào có kinh nghiệm phong phú thì cần đọc sách với hai con mắt, một mắt đọc những lời trên giấy, một mắt đọc những lời phía sau tờ giấy".
Thật vậy, trong thơ Phạm Phát, mọi sự vật không chỉ thể hiện thoáng qua, mà luôn được nhìn xuyên thấu. Có thể đó là giọt mưa: "Ôi những giọt sinh sôi/Tưởng như là không có/Đang lung linh giữa đời/Trong giọt còn nho nhỏ" (Một giọt). Có khi là ở ánh nhìn đôi mắt: "Mấy mươi năm từ ngày xa/Vẫn gặp lại trời ơi đôi mắt/Đôi mắt ấy làm sao quên được/Vẫn thường nhìn tôi trong chiêm bao" (Đôi mắt ấy)
Hoăc ở đồng tiền thường ngày: "Đã đi chợ chẳng lẽ không mua/Thôi thì...bó rau, mớ tép/Đồng tiền lẻ giữa bàn tay ướt nhẹp/Tiền cũng đổ mồ hôi!"(Mồ hôi tiền)
Nhìn chung, tập thơ "Một giọt..." của Phạm Phát thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, mang nhiều tình thương và nỗi đau, "đa nghĩa mà không rườm, vững chãi mà rất ấm". Mỗi bài có một vị trí riêng, mở ra rất nhiều góc cạnh của đời sống, tạo nên sự phong phú muôn màu với sự ứng biến linh hoạt trong biểu cảm. Xét trong một bài thì ý nghĩa chặt chẽ, triển khai hợp lý, nhưng lại khá bất ngờ trong một kết thúc mở. Người ta có thể còn chưa thật hài lòng ở chữ nọ chữ kia nhưng người ta khó bắt bẻ về câu. Chứng tỏ một khổ công rất lớn, một kỹ lưỡng đáng kính trọng của tác giả.
Phần còn lại tác phẩm - Trầm là tập truyện ký của Phạm Phát, trước đó đã được ấn hành vào năm 2017. Đây là tác phẩm mang nặng những khám phá đầy xúc động về con người, về những khoảng sáng phát lộ từ những con người bình thường nhất. Với lối kể chuyện dung dị, chân chất, tác giả đã dựng nên những phận đời phiêu dạt, bị cơn bão thời cuộc hất tung về mọi phía. Truyện ngắn nào cũng cảm động, các chi tiết được chọn lọc, tất cả toát lên một triết lý thâm trầm về số phận con người, như các truyện: Cha tôi, Giỗ chồng, Trời lầm, Chuyện thường kể trong ngày giỗ cha... Đặc biệt, trong không gian truyện ngắn Phạm Phát, tiếng Quảng trở thành văn chương đậm đà, chan chứa nghĩa tình. Tác giả đã góp công, khiến người đọc yêu con người, giọng nói với quê hương xứ Quảng nhiều hơn!
Còn ở mảng bút ký, một số bài hay có thể nhắc đến như: Quê ngoại, Tết xưa, Bồi hồi chiều cuối năm, Cõi khuất mặt... Điều này thể hiện tác giả có vốn sống thực tế rất phong phú, đầy trải nghiệm, thu hút người đọc bằng lối văn nền nã, giàu chất thơ. Cũng theo nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh: "Đó là một tác phẩm giản dị, tự nhiên và chân thực. Ngôn ngữ xứ Quảng được vận dụng rất thuần thục, đem lại hiệu quả nghệ thuật cao. Tất cả tạo nên giá trị và vẻ đẹp của Trầm - một tác phẩm văn học đích thực và khó quên". Còn G. S. Mai Quốc Liên thì nhìn nhận: " Những ai muốn hiểu sâu xa, tường tận, cụ thể cuộc chiến tranh ấy là gì... thì hãy đọc Trầm để biết, để cảm xúc, suy tư. Tôi đọc truyện của ông, nhiều truyện khiến tôi ứa nước mắt! Mà nhiều người cũng nói với tôi như thế. Đó là tác phẩm của văn học nghệ thuật. Nó thanh lọc tâm hồn mình thật, mà từ những con người bình dị, đời thường, những cảnh ngộ ở bất cứ nơi đâu trên quê hương mình, đất nước mình cũng có".
Được biết, năm 2013, Tập truyện ngắn đương đại Việt Nam xuất bản tại Trung Quốc do dịch giả Điền Tiểu Hoa biên soạn đã chọn lựa, chuyển ngữ 22 truyện ngắn của 21 tác giả Việt, trong đó có truyện ký "Trầm" của Phạm Phát (đã được in trên báo Văn Nghệ năm 2011, Điền Tiểu Hoa dịch). Trong lời bình truyện ngắn này, dịch giả Điền Tiểu Hoa đã viết: " Tác giả đã vận dụng hiện thực đa tầng với thư pháp "họa long điểm tình" nghĩa là chỉ cần một câu điểm trúng là toàn bộ sự việc bỗng hiện lên sinh động, có thần, dựng nên hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Họ sống trong một thời kỳ vô cùng gian khổ song lại đầy trí tuệ và hết sức thông minh. Người đọc cảm nhận được những hoài bão vĩ đại trong con người đó".
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/mot-giot-tram-nhung-trang-sach-tham-dam-tinh-que-post271823.html