Một góc nhìn khác về việc không đỗ lớp 10 trường công
'Cháu đỗ trường nào?' là câu hỏi mà bố mẹ có con thi vào 10 có lẽ được hỏi nhiều nhất từ khi các con biết điểm thi.
Hồi con tôi thi vào lớp 10, tôi cũng được nghe nhiều câu hỏi như vậy. Và năm nay ở Hà Nội, có gần 50% học sinh đối mặt với tình huống được gọi là “không đỗ trường công lập”.
Không đỗ trường công lập, thì sao? Không đỗ trường công lập có phải là một thất bại học đường hay không? Và người lớn chúng ta, hầu hết nói rằng thương yêu bọn trẻ, đã và đang làm gì trước việc này?
Những cơn mưa khoe thành tích
Từ hôm biết điểm thi vào 10, trên mạng rần rần các thông tin về điểm thi, về trường nào lấy điểm cao, về thủ khoa, danh sách các trường cấp dưới có học sinh đỗ trường “top” cấp trên…Rồi các bố mẹ thi đua nhau khoe thành tích xuất sắc của con mình, thầy cô cũng khoe kết quả thi của học trò, giáo viên các trường khoe trường mình lấy điểm cao hơn trường khác đầy tự hào.
Những học trò nỗ lực đạt được điểm vào lớp 10 công lập có đáng khen không? Có, tất nhiên là các học trò ấy xứng đáng được khen vì đã nỗ lực ôn luyện đạt mục tiêu.
Bố mẹ có quyền khen con mình không? Có, bởi suy cho cùng, con cái là thành tựu của bố mẹ. Không biết những đứa con có đồng ý cho bố mẹ khoe không, nhưng khoe con vẫn là niềm vui thích, tự hào của bố mẹ.
Thầy cô có được quyền khen học trò của mình không? Có chứ. Ít nhất, họ cũng góp một phần quan trọng, nếu không phải là giáo viên chủ nhiệm, thì cũng là giáo viên bộ môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (học sinh thi chuyên thì ôn cả môn chuyên nữa). Cho nên, họ có quyền khoe để tự hào, vì dù sao, thành tích của học trò cũng là minh chứng thành tích dạy ôn luyện của giáo viên.
Vậy, còn những học sinh không đạt được mục tiêu thì sao? Chúng có đáng bị chê không? Cha mẹ chúng có chia sẻ điều này không? Thầy cô của chúng có thấy mình có trách nhiệm không? Hay chỉ có những đứa trẻ chìm vào cảm giác thất bại?
Thi không đỗ vào lớp 10 trường công có phải một thất bại học đường?
Kỳ thi vào lớp 10 công lập trở thành chủ đề “nóng” mỗi mùa tuyển sinh. Tỉ lệ học sinh vào trường công lập trong những năm gần đây giảm dần: năm học 2021-2022 là 62%; năm học 2022-2023 là 60%; năm học 2023-2024 là 55%. Điều này cũng có nghĩa tỉ lệ học sinh không đỗ vào các trường công lập tăng hàng năm. Hiện tượng này cũng diễn ra ở các địa phương khác.
Sự giảm tỉ lệ học sinh vào công lập là một chính sách kinh tế - xã hội tác động vào giáo dục, cho nên việc một học sinh thi đỗ vào công lập 10 ở năm 2021 không hề nói lên học sinh đó học giỏi hơn một học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập ở năm 2023. Như vậy, có 55% vào lớp 10 công lập thì cũng có 45% học sinh không vào công lập.
Khi nhìn nhận kỳ thi vào 10 là một cuộc chiến thì chúng ta sẽ nhìn nó theo tư duy thắng – thua. Cách người lớn đang làm, điều người lớn đang nói, như “tỉ lệ chọi”, “chiến thắng”, “thất bại”, “đỗ - trượt”… cho thấy điều đó, dù hàng ngày, có thể chính những người lớn đó luôn nói về tư duy cùng thắng. Tư duy cùng thắng trong trường hợp này sẽ giúp nhìn nhận kỳ thi vào lớp 10 công lập như là một sự lựa chọn và đối với một sự lựa chọn, “không đỗ vào 10 công lập” không phải là một thất bại học đường.
Nhiều cha mẹ học sinh chia sẻ nguyên nhân muốn con thi vào lớp 10 công lập có nhiều, như học phí rẻ, chất lượng tốt, gần nhà. Tuy nhiên, ngay cả khi gia đình có tài chính, nhà không gần trường, có những bố mẹ vẫn muốn con vào trường công vì sợ trường tư thục chất lượng giáo dục không tốt, học sinh hư, môi trường giáo dục không nền nếp.
Cách đây hai mươi năm, hồi lứa chúng tôi thi vào lớp 10 đã tồn tại quan niệm (dù không thành văn nhưng khá phổ biến) về sự phân cấp học lực. Thi vào chuyên là học sinh giỏi xuất sắc; thi vào trường công lập có danh tiếng là học sinh giỏi; thi vào trường công lập thường là học sinh khá; phải vào các trường dân lập (giờ là loại hình trường tư thục) là học sinh trung bình; các trung tâm giáo dục thường xuyên dành cho học sinh dốt.
Song song với lực học là hạnh kiểm. Các trường lấy điểm thi càng cao, học sinh vừa giỏi vừa ngoan, các trường lấy điểm thấp, học sinh vừa dốt vừa không ngoan, còn trường giáo dưỡng thì dành học sinh hư.
Ngày nay, những học sinh đã lớn lên trong quan điểm đó trở thành các ông bố, bà mẹ, và dù đã ít đi định kiến, thì quan niệm trên vẫn còn, mặc cho bối cảnh kinh tế - xã hội, chính sách và chương trình giáo dục đã thay đổi. Các trường tư bây giờ đã phát triển hơn cả về số lượng và chất lượng, rất nhanh bắt kịp các xu hướng giáo dục thế giới.
Có một bộ phận cha mẹ đã nắm bắt xu hướng của giáo dục tư thục, tư duy đổi mới, có khả năng chi trả cho chi phí học tập ở trường tư, nhưng cũng có nhiều gia đình giữ định kiến chứ không phải vì vấn đề tài chính. Vì vậy, đã đến lúc gột rửa định kiến còn lại để tạo nên sự công bằng và bình đẳng trong giáo dục. Cũng cần có những chính sách phù hợp trong phân luồng học sinh, sao cho người lớn không còn đẩy học sinh vào cuộc chiến mà tương quan của nó có tên là “tỉ lệ chọi”.
Không đánh giá thành tích dựa trên kết quả thi đỗ vào 10 trường công
Việc đánh giá thành tích của nhà trường THCS và giáo viên dựa trên kết quả học sinh thi vào 10 là một bất cập. Dự luận xã hội đã phản ánh về việc giáo viên ra sức ôn luyện, dạy thêm chính học sinh của mình, học sinh thì tất bật qua các lò luyện, phụ huynh mải miết với cuộc đua và cày xới các chủ đề “review trường” trên các diễn đàn mạng.
Tỉ lệ học sinh đỗ lớp 10 công lập được dùng làm tiêu chí đánh giá thành tích dẫn đến hiện tượng đã được phản ánh là giáo viên vận động học sinh không thi vào 10 để không ảnh hưởng thành tích.
Chương trình giáo dục được phổ cập hết lớp 9 THCS, như vậy, việc học sinh được xét tốt nghiệp THCS là hoàn thành chương trình. Cho nên, không đánh giá thành tích dựa trên kết quả thi đỗ vào 10 cũng là một giải pháp thể hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và định hướng phân luồng học sinh sau THCS.
Tôn trọng sự lựa chọn
Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có nhiều lựa chọn, có thể tiếp tục học THPT đi học nghề. Nếu chỉ coi trọng sự lựa chọn thi vào lớp 10 trường công lập là một biểu hiện thiếu sự tôn trọng với các lựa chọn khác của người học. Học sinh thi vào lớp 10 trường công lập, chọn học trường tư hay chọn học nghề là sự lựa chọn của cá nhân học sinh và gia đình. Việc lựa chọn phương án nào sẽ dựa trên điều kiện thực tế của hoàn cảnh và mục tiêu của học sinh. Và mỗi sự lựa chọn chính đáng đều cần tôn trọng.